Cơ chế nào cho điện mặt trời mái nhà?

Chí Nhân
Chí Nhân
18/03/2023 07:07 GMT+7

Đầu tư phát triển điện mặt trời trên mái nhà là một nhu cầu bức thiết của xã hội nhưng hiện tại vẫn đang vướng cơ chế thu mua và đấu nối.

Cơ chế đặc thù cho vùng trọng điểm

Theo Sở Công thương TP.HCM, tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) ở TP.HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp. Có 4 nhóm đối tượng có thể phát triển mô hình này: nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%. TP.HCM có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm. Lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày.

Cơ chế nào cho điện mặt trời mái nhà? - Ảnh 1.

TP.HCM muốn có cơ chế phát triển điện mặt trời trên mái nhà để tận dụng tài nguyên sẵn có

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trên cơ sở đó, Sở Công thương TP.HCM tham mưu UBND TP có đề xuất Chính phủ ban hành về cơ chế đặc thù để được phát triển nguồn phát điện tại chỗ. Trong đó, tập trung phát triển ĐMTMN để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại TP. Ưu điểm của loại hình năng lượng này là hệ thống lưới điện của TP đảm bảo giải tỏa hết công suất của các hệ thống ĐMTMN lắp đặt trên địa bàn, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải. 

Chính vì vậy, đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT, cơ chế thực hiện đầu tư ĐMTMN được tiếp tục áp dụng theo quy định tại Quyết định số 11 (năm 2017) và Quyết định số 13 (năm 2020); cho phép TP sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống ĐMTMN để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.

Sở Công thương TP.HCM nhận định, việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời còn mang ý nghĩa về xã hội và môi trường vì thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà. Thêm vào đó là đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững của TP và phù hợp chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện hằng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao mà còn có thể tăng thu nhập, chống nóng hiệu quả cho công trình, nhất là các vùng nông thôn ngoại thành.

Cơ chế nào cho điện mặt trời mái nhà? - Ảnh 2.

ĐMTMN là hướng đi đúng đắn mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng lựa chọn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cần có cơ chế giá mới linh hoạt hơn

Nhiều người dân TP.HCM phản ánh, từ sau năm 2020 đến nay vẫn chưa có cơ chế thu mua và đấu nối ĐMTMN với các dự án mới. Anh Nguyễn Như Hùng (ở Củ Chi) có một trang trại chăn nuôi nhỏ. Khoảng 4 - 5 năm trước phong trào phát triển ĐMTMN phát triển khá mạnh. Đến lúc anh quyết định đầu tư thì cơ chế đấu nối với lưới điện quốc gia tạm dừng. "Tôi có tìm hiểu thì được biết mấy năm gần đây bị vướng cơ chế đấu nối với lưới điện quốc gia, hộ gia đình chỉ có thể tự lắp đặt và tự sử dụng. Nếu bây giờ có cơ chế cho phép đấu nối và giá cả hợp lý với lưới điện quốc gia tôi sẽ tham gia đầu tư", anh nói.

TS Nguyễn Duy Khiêm, chuyên gia năng lượng Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định), thông tin: Không chỉ ở TP.HCM mà ngay cả Bình Định và nhiều địa phương khác ở các tỉnh phía nam cũng muốn tham gia đầu tư phát triển ĐMTMN. Chính vì vậy nên xây dựng cơ chế mới cho loại hình năng lượng này phát triển. Tuy nhiên, đề xuất cơ chế giá FIT theo Quyết định 11 và 13 thì có vẻ chưa phù hợp vì cơ chế giá này ra đời cách đây 3 - 5 năm trước, phù hợp với trình độ công nghệ và thiết bị ở thời điểm đó. 

Hiện tại, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thiết bị có khả năng sản xuất ra sản lượng điện cao hơn và giá thành đầu tư trên một đơn vị diện tích cũng giảm đi. Nói tóm lại là giá thành sản xuất điện mặt trời đã giảm nên cơ chế giá mua điện cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế, còn giảm bao nhiêu thì cần phải tính toán lại.

Cũng theo TS Khiêm, với mức độ phát triển rất nhanh của khoa học kỹ thuật nên cơ chế giá mới cũng không nhất thiết cố định kéo dài 20 năm như trước, mà có thể linh hoạt hơn, cân đối lại theo từng chu kỳ 10 năm hoặc thậm chí là 5 năm; nhưng mức giảm sau mỗi chu kỳ cũng không nên quá lớn. Điều quan trọng để nhà đầu tư yên tâm cần thiết phải ký hợp đồng mua bán kéo dài 20 năm vì hệ thống ĐMTMN hiện có tuổi thọ đến 25 năm, nếu chỉ ký hợp đồng mua bán 5 hay 10 năm cũng sẽ không đủ sức hấp dẫn.

Ủng hộ đề xuất của TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Việt Dũng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng: Nếu cơ chế ưu đãi ĐMTMN của TP được thông qua sẽ giúp cán cân năng lượng của địa phương được cân bằng hơn, góp phần giải quyết vấn đề an ninh năng lượng tại chỗ. Về mặt kỹ thuật, khi ĐMTMN được phát triển trên diện rộng sẽ giúp hạn chế điểm yếu của loại hình năng lượng tái tạo là biến đổi đột ngột. Về mặt chủ trương thì có rất nhiều lý do để chúng ta ưu tiên phát triển ĐMTMN. Còn về cơ chế giá thì cần phải xem xét điều kiện thực tế hiện nay của loại hình này để xây dựng một cơ chế phù hợp, vừa có thể khuyến khích xã hội tham gia, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế của đơn vị mua điện.

GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, nhận định: Thời gian gần đây, vấn đề phát triển năng lượng tái tạo của VN nói chung xảy ra một số chuyện liên quan đến trình tự thủ tục, đặc biệt là các dự án quy mô lớn. Tuy nhiên, đây là loại hình năng lượng cần được khuyến khích và ủng hộ. Có 3 nguyên nhân quan trọng. Thứ nhất, nó không cạnh tranh tài nguyên mà còn tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có. Thứ hai, các tòa nhà được lắp pin năng lượng sẽ giảm hấp thụ nhiệt nên nhu cầu làm mát cũng giảm, từ đó giảm nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát. Thứ ba, loại hình điện này thường phân tán trên diện tích rộng và quy mô nhỏ nên không gây áp lực lên hệ thống lưới điện và truyền tải; ngành điện không phải tốn chi phí đầu tư hạ tầng. 

"ĐMTMN là hướng đi đúng đắn mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng lựa chọn. Nhà nước cần có cơ chế để khởi động lại loại hình năng lượng này", GS Long nói.

Điện mái nhà chờ cơ chế

Tháng 6.2022, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Norsk Solar VN hay Công ty TNHH Maruha Chemical Việt Nam kiến nghị đầu tư ĐMTMN để tự dùng nội bộ. Bên cạnh đó, Sở Công thương Tiền Giang lắp đặt tại trụ sở làm việc của 8 sở, ngành và Trung tâm hành chính công tỉnh Tiền Giang... Thời điểm đó, Tập đoàn điện lực VN (EVN) đề nghị, trong khi chờ Chính phủ ban hành cơ chế mới và hướng dẫn thực hiện, "tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống ĐMTMN vào lưới điện". Tuy nhiên, việc chấp thuận cho các hệ thống ĐMTMN lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc quản lý của các tổng công ty, công ty điện lực cũng sẽ có rủi ro vì chưa có cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời tự dùng.

Hiện mới chỉ có cơ chế giá mua điện cho các dự án ĐMTMN vận hành từ ngày 31.12.2020 trở về trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.