Bình đẳng giới luôn là mục tiêu đấu tranh không ngừng nghỉ của một nửa phái đẹp. Ở Việt Nam, phụ nữ thành đạt, phụ nữ mưu sinh chung tay góp sức vì gia đình, lo cho chồng con đã không còn là một hình ảnh xa lạ. Những bóng hồng giờ không chỉ nội trợ, chăm con mà với chiếc xe, với bụi đường và một tình yêu họ đã quay đều quay đều những bánh xe mỗi ngày để có thêm chi phí cuộc sống giữa thời buổi dịch Covid-19 hoành hành.
Câu chuyện chị Nguyễn Thúy Phượng là một câu chuyện vượt khó như vậy. Bị sốc, bị người lạ theo ban đêm, khóc nhiều..... chị vẫn bám trụ với những vòng quay bánh xe, mong làm lại từ đầu.
Trong giới xe ôm công nghệ, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (34 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) nổi tiếng là nữ tài xế Gojek bản lĩnh, cá tính, vì chị tự một mình vực dậy sau biến cố vỡ nợ.
Trắng tay vực dậy
Từ An Giang lên Sài Gòn lập nghiệp, với sự khéo léo của mình, chị Phượng chưa từng làm thuê cho ai mà chỉ làm quản lý - chị quản lý nhà trọ, sau đó vay mượn để mở quán cà phê, hủ tiếu. Khi việc kinh doanh lên như diều gặp gió, chị vay mượn thêm để mở rộng quy mô quán. Người tính không bằng trời tính, sau vài biến cố, chị vỡ nợ vào giữa năm 2018, phải trả mặt bằng, tay trắng ra đường.
|
Chị xúc động nhớ lại: “Ngày vỡ nợ, trong tay tôi không còn gì, chỉ có một chiếc xe và điện thoại, cà vẹt xe cũng cầm cố rồi. Tôi phải ngủ ngoài công viên, trước quán cà phê. Lúc đó có app GoViet, tôi không biết đi đâu về đâu nên chạy thử. Sau này, app đổi tên thành Gojek, khách đặt ngày càng nhiều, vì vừa tiện vừa rẻ, nên tôi có mức thu nhập ổn. Cùng với sự hỗ trợ từ một người quen trên Facebook, tôi đã thuê được nhà trọ, mua sắm đồ đạc, vật dụng cần thiết để có chỗ chui ra chui vào và tự lo cho mình từng bữa cơm”.
|
Chị Phượng kể, ở quê cha mẹ chị đều đã mất, 2 em của chị cũng đang ở Sài Gòn, nhưng là chị lớn trong nhà, vì sĩ diện chị chấp nhận cuộc sống như vậy để tự mình vực dậy sau biến cố. “Lúc đó giống như tôi từ trên trời rớt xuống vậy đó. Từ một người kinh doanh, có vốn, có tiền, có chỗ bán đàng hoàng không cần vất vả giãi nắng dầm mưa như vậy, đùng cái tự nhiên mọi thứ tiêu tan hết giống như một giấc mơ, biến mất hết. Ra đường chạy xe có những lần gặp khách nhỏ tuổi mà la mình vô cớ, không hiểu sao nước mắt tôi cứ vậy chảy”, nữ tài xế chia sẻ.
Vốn không có nhiều bạn bè, chị Phượng thường tìm niềm vui qua mạng xã hội, buồn vui hay lúc rảnh rỗi chị thường livestream hoặc vào hội nhóm xe ôm công nghệ để tâm sự. Lần đó, tủi thân, vừa ngồi công viên livestream tâm sự, chị Phượng vừa khóc nức nở, một số đồng nghiệp gần đó chạy đến an ủi, chị có thêm vài mối quan hệ thân tình.
Trong căn nhà trọ bé tẹo chi vừa kê đủ bếp ga mini, một chiếc bàn xếp, một chiếc tủ lạnh, tủ đồ và rải chiếc nệm đơn, chị Phượng tâm sự về cuộc sống, về nghề, nhiều lúc không kìm được cảm xúc, nước mặt lại lã chã trên khuôn mặt người phụ nữ vốn bản lĩnh. Chỉ vào chiếc tủ nhựa với những nét chữ nguệch ngoạc ghi vội bằng bút lông “Quyết tâm 2021”, “Ngăn tiền tiết kiệm”, nữ tài xế cho biết, cuộc sống một mình giờ chỉ có vậy, buồn vui gì cũng chỉ có mình mình nên chị phải tự động viên chính mình.
|
|
Bỏ chạy đêm vì bị người lạ theo ban đêm
Ngày mới vào nghề, chưa quen nổi cái nắng đến nám cả mặt, chị Phượng chạy từ 5 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Nhưng nhiều lần bị những người đàn ông lạ mặt đi theo, nghi là cướp nên chị đành nghỉ đêm chuyển sang chạy ngày. Nữ xe ôm công nghệ kể, trên đường đi chị hay nhìn kính chiếu hậu và xung quanh xem có an toàn không. Có lần 11 giờ đêm, chị nhận được đơn GoFood (dịch vụ giao đồ ăn của Gojek) ở gần chợ Tân Mỹ (Quận 7). Linh tính có chuyện chẳng lành vì khu này về đêm vắng vẻ, chị vội vội vàng vàng thực hiện đơn hàng, chỉ mong mau mau chóng chóng được về.
|
Bỗng chị thấy hai thanh niên vừa đi ngược chiều lại chuyển sang đi cùng chiều với mình. Dù đã cua vào 3 con đường khác nhau nhưng hai thanh niên kia vẫn bám riếtg, chị vừa đến chỗ giao đồ cho khách thì hai thanh niên cũng dừng phía xa. Chị vội hỏi khách đường đến trụ sở công an gần nhất rồi phóng như bay vào thẳng trụ sở. “Lần đó tôi chạy vào rồi mà hai người kia còn chạy qua nhìn vào, sợ thót tim, tôi đợi một lúc mới chạy về. Nhưng tôi vẫn theo đuổi nghề này, vì mùa dịch khó để có việc làm nên bây giờ cần phải có thu nhập để sống, chi trả khoản nợ mà mình thiếu nữa. Nói chung mình cẩn thận thôi”, chị Phượng bộc bạch.
|
Là nữ tài xế, lại có gương mặt dễ nhìn, vài lần chị Phượng bị khách nam ôm eo, thậm chí ôm trọn cả vòng tay, hay có cả người suồng sã rủ chị “đi đâu một tí”. Những lần như vậy, dù run sợ nhưng chị đều cố gắng bình tĩnh nghiêm túc yêu cầu khách ngồi lại đàng hoàng thì mới tiếp tục chở. Có khách hàng đi xong cuốc xe vẫn nhắn tin làm quen, hay gợi ý những điều không hay, nhưng chị không phản hồi. Hơn 2 năm chạy xe, giờ đây, chị có nhiều người bạn thân, cũng chính là đồng nghiệp cùng chạy Gojek, mà chị hay gọi là “mấy huynh”.
“Nhiều hôm đi đường gặp đồng nghiệp dừng đèn đỏ cũng được hỏi chạy được không khiến mình cảm thấy được chia sẻ. Tôi có một nhóm hay đi cà phê, rảnh rỗi có thể tụ họp lại, nấu đồ ăn hoặc đi chơi vậy đó. Đi đường nghi gặp người xấu thì gửi định vị lên nhóm, người ở gần sẽ tới hỗ trợ ngay”, nữ tài xế chia sẻ.
Theo chị, từ ngày chạy Gojek, chị thấy an tâm, vui vẻ hơn vì vừa có thu nhập trang trải cuộc sống vừa tích cóp trả nợ dần. “Lúc trước, tôi không chấp nhận khi cuộc sống thay đổi nhanh quá, nhưng về sau này thời gian tôi quen công việc này rồi thì chấp nhận - vì cuộc sống mà, có những lúc như vậy mình sẽ trân trọng hơn. Giờ tôi chỉ ước mơ một thời gian sau sẽ mở được tiệm như ban đầu hoặc nhỏ hơn, tôi sẽ làm lại bằng chính thu nhập mà mình chạy công nghệ mỗi ngày dành dụm được”, nữ tài xế Gojek tâm sự.
|
Anh Nguyễn Thế Vinh (39 tuổi, đồng nghiệp chị Phượng) cho biết, chị Phượng rất bản lĩnh và mạnh mẽ, lại sống có một mình nên nhiều người thương, quý. Hai người đã kết nghĩa anh em, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống.
Anh chia sẻ: “Phượng hay kể với tôi về quán hủ tiếu, tạp hóa ngày trước mà Phượng làm chủ, rồi giờ đi chạy xe ôm công nghệ, cuốc này sao, khách khứa ra sao. Nói chung cô ấy chịu khó chạy xe lắm. Đôi khi chạy ngoài đường gặp sự cố gì đó cũng gọi tôi tới hỗ trợ, và ngược lại khi tôi cần hỗ trợ gấp, Phượng chạy tới ngay. Anh em quý nhau như anh em ruột”.
|
Chị Bạch Ngọc Trà Ly, Quản lý cấp cao nhóm vận hành Gojek VN cho biết, tài xế nữ những người dễ tổn thương, nên công ty luôn tạo điều kiện để công việc của họ dễ dàng hơn. Theo chị Trà Ly, các đối tác của công ty đều có trái tim ấm áp, dù cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng nhiều người rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ các đối tác khác khi gặp sự cố trên đường, hay đơn giản là thăm hỏi, giúp đỡ gia đình của nhau.
Bình luận (0)