Quy chế quy định sẽ chấm kiểm tra lại ít nhất 5% số bài thi môn tự luận. Đây là việc làm cần thiết, tuy nhiên việc chấm kiểm tra như thế nào để hạn chế tiêu cực ở khâu chấm thi luôn là vấn đề đặt ra trước mỗi kỳ thi. Tình trạng chấm thi nương nhẹ, dễ dãi cốt để cho tỷ lệ học sinh của mình đậu tốt nghiệp cao nhất, đó là chưa kể đến việc “gửi gắm” trong thi cử vì quan hệ bà con, bạn bè, anh em, cấp trên, cấp dưới... nhiều đến mức không thể kiểm soát được.
Một trong những khâu hay xảy ra tiêu cực chính là công tác coi thi. Thông thường những địa phương nào có phụ huynh “quan tâm” đến hội đồng thi thì chắc chắn công tác coi thi nơi đó có phần dễ dãi, học sinh có điều kiện quay cóp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hơn. Chưa kể còn quan niệm nếu tỉnh nào, trường nào coi thi nghiêm túc, quyết liệt thì tỉnh đó, trường đó sẽ thiệt thòi. Vì vậy, Bộ nên tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát coi thi, nhất là việc cử thanh tra ủy quyền của Bộ cắm chốt ở các hội đồng thi. Thanh tra, giám sát phải quyết liệt, để hạn chế đến mức thấp nhất căn bệnh thành tích trong giáo dục, thi cử.
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra nghiêm túc thì trước hết phải thay đổi quan niệm về học hành, thi cử từ trên xuống dưới. Một khi giáo dục, thi cử còn nặng về thành tích thì chuyện tiêu cực trong thi cử vẫn còn diễn ra.
NGÔ MÃ THIÊN
(Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)
Bình luận (0)