Cái tin “trứng bìm bịp đã nở con hết rồi” là tin vui nhất tuần, sau những ngày buồn u ám ở nhà Linh.
Mấy tuần trước Nhựt, Linh, Khoa cùng thấy một con bìm bịp lông mượt mà miệng ngậm một mớ cỏ khô bay cắt ngang mặt chúng, rồi sà vào lùm cây. Ba đứa trẻ bò chầm chậm lại thăm dò thì thấy con bìm bịp vừa nãy đang xây tổ, có lẽ nó sẽ đẻ trứng trong vài ngày tới.
Ba đứa trẻ thỏa thuận, nếu con bìm bịp đẻ đủ ba trứng và nở ra ba con thì chúng sẽ thực hiện phép chia đều: mỗi đứa nuôi một chú bìm bịp con. Nếu chỉ có một hay hai quả trứng, thì ưu tiên phần Linh nuôi hết.
- Không đủ chia ba thì thôi, để cho chúng lớn lên rồi bay đi - Linh nghĩ ra giải pháp hay ho hơn.
Hai thằng bé cùng gật gù, dẫu có tiếc nhưng ý kiến của Linh luôn được chúng tôn trọng.
Cũng hôm đó, ba đứa trẻ đã cùng nhau đánh cược: Ông bà của ai sẽ chết trước.
Bà cố của Linh đã gần một trăm tuổi. Con cháu dỗi hờn do bà chia đất không đều nên chẳng ai thèm tới thăm. Bà sống cùng ba mẹ Linh - chính xác là bà nằm bất động trên giường. Bà già yếu và lú lẫn đến mức quên cả thở. Phải luôn có người túc trực bên cạnh, cứ khoảng năm phút thì gọi một lần, cho bà nhớ ra là mình phải thở để sống tiếp. Ban đêm thì ba mẹ Linh thay phiên nhau gọi, ban ngày thì cô bé phụ canh sự sống cho bà.
Trừ thời gian ở trường, phần thời gian còn lại Linh đều phải ngồi cạnh giường của bà. Cứ khoảng năm phút thì bà lại quên thở, cơ thể bà mềm dần ra như sắp tan chảy, hơi thở lịm dần đi.
- Cố, cố à! - Linh gọi vừa đủ nghe.
Thế là bà lại tiếp tục thở.
Cũng hơi chán, vì Linh rất ít có dịp chạy đi chơi đâu đó. Nhưng có lần con bé ra sau nhà tự giặt cái áo đồng phục, phơi xong lại còn phải ngắm nghía xem như thế này là còn mới hay đã cũ, có nên xin mẹ mua thêm áo không... khi trở vào Linh thấy bà đã như viên nước đá trên nền sân giữa trưa hè. Con bé hoảng hốt gọi:
- Cố ơi! Cố! Bà cố!...
May là còn kịp, bà thở hắt mạnh một cái, những cọng gân dưới lớp da mềm nhăn nheo cũng co được một phát khá mạnh rồi giãn ra, bà thở lại đều đều.
Con bé tuyên bố với đám bạn: Đứa nào muốn chơi gì thì sang đây, chứ tôi là tôi không đi chơi xa được.
Ông ngoại của thằng Khoa chỉ gần bảy mươi thôi. Một ngày nọ, ông không phân biệt được đâu là cà phê nước một - đậm đà, đâu là cà phê nước hai - nhạt hơn. Thế là ông cầm lấy ly nước một - dành để pha ra thành ba bốn ly nhỏ - cho đường, đá vào rồi tu một hơi cho đã khát. Ít phút sau mặt ông đỏ bừng bừng, bần thần bẫn thẫn rồi quay cuồng. Huyết áp ông lên cao rồi ông đột quỵ, bán thân bất toại.
- Sống cục cằn, hàm hồ, thô lỗ rồi cũng chính cái hàm hồ, thô lỗ đó hại mình.
Mỗi ngày vừa thay tã cho chồng, bà ngoại của Khoa vừa càm ràm như thế.
Những đứa con gái của ông vô cùng hiếu thảo với ba. Các cô chăm sóc chu đáo, tận tình, hay bóp chân, trở mình cho ba, mua đồ bổ cho ba ăn, hỏi han động viên ba mỗi ngày...
Thiên hạ chẳng nghĩ ông sẽ có được cái phúc đó. Nhưng các cô tâm sự rằng: Nhớ hồi trước nhà tôi như địa ngục. Ba đi nhậu về là đánh đập vợ con, phá nát nhà cửa. Đang cầm chén là ba ném chén, đang cầm dao ba ném dao, mặc kệ vợ con thương tích thế nào. Giờ ba nằm đó gia đình tôi vô cùng yên bình. Để có cái yên bình này tính ra ba tôi đã nhận thiệt thòi về mình. Sống yên bình thế này chúng tôi phải biết hiếu thảo để trả ơn ba.
Được chăm sóc là thế, nhưng đâu ai nằm liệt giường mà thấy vui vẻ. Một thời ngang dọc, mà giờ đến cả đi tiểu ông cũng không tự cầm lấy “vòi”, thậm chí phải nhờ vợ cố khều cái vòi dài ra để người không bị ướt bẩn. Ông thấy đời mình quá chán, nên mong được sớm chết. Nhưng người ta bảo cái miệng còn chửi được là khó chết lắm. Nên ông cố tự làm mình chết. Ông nhiều lần tự nín thở nhưng sau đó Khoa ngồi bên ngoài nghe ông mình thở ra phì phò, phì phò và buông những tiếng chửi trong bất lực. Ông từng nuốt cả lõi khăn giấy cho nghẹn nhưng không ăn thua gì. Ông cố cầm lấy cái ca nhựa đập vào đầu mình nhưng nó đã văng ra và ông không nhặt lại được.
Có lần thấy ông nằm dưới đất, mọi người biết ông đã cố làm mình té nên khóc lóc rất nhiều, thậm chí quỳ lạy van xin ông đừng làm vậy nữa, vợ con sẽ không an tâm mà sống.
Từ đó ông im lặng cam chịu, bớt chửi và không tìm cách chết.
Mỗi ngày đi học về Khoa vẫn phải dành phần lớn thời gian ngồi bên cạnh chăm sóc cho ông.
Hoàn cảnh của Linh và Khoa có phần giống nhau nên thân nhau hơn hẳn.
Nhựt thấy tiếc khi ông bà mình hoặc đã mất hoặc vẫn còn khỏe mạnh. Khi ba đứa ngồi cạnh nhau, Nhựt thấy mình như bị hai bạn kỳ thị vì quá rảnh rỗi, gia đình lại khá hạnh phúc. Với trò cá cược xem ông bà ai chết trước, Nhựt cũng chỉ là người chứng kiến chứ không thể tham gia. Và Nhựt thầm ước: Nếu bà của Linh mất thì cô bé sẽ thua cuộc, như vậy biết đâu cô bé sẽ giận dỗi Khoa, không thân nhau nữa. Đồng thời Linh sẽ rất rảnh rỗi và có thể tung tăng đi chơi đây đó với mình.
Ba hôm trước những người họ hàng của Linh kéo đến nhà con bé, danh nghĩa là thăm bà nhưng chỉ ngồi trách hờn xỏ xiên về việc chia đất không đều. Một ông chú đã lên tiếng căn dặn:
- Sau khi bà mất, thì đưa về dưới kia cho tôi lo đám tang.
Ba Linh nhất thời không nhịn được buột miệng hỏi:
- Sống không ai lo, chết thì mang về để lấy tiền phúng điếu hả?
Thế là những người lớn lao vào cãi nhau, đòi giết nhau dậy cả xóm.
Bà cụ nằm bất động đấy nhưng vẫn còn nghe được, nên thở dồn dập, ngực cứ nhấp nhô liên hồi. Nhựt sang chơi, ngồi cạnh giường của bà, thấy thế thầm nghĩ: Còn lâu lắm bà
mới chết, còn lâu lắm Linh mới có thể tung tăng đi chơi cùng mình.
Sáng nay, ba đứa nhóc hẹn nhau đi thăm tổ chim. Nhựt chạy sang nhà Linh, đến ngã ba đầu ngõ thì thấy mẹ của Linh đứng đấy mặt còn u buồn trò chuyện cùng người hàng xóm. Người mẹ trẻ dặn dò cậu bạn của con gái:
- Cô chưa xong việc, con nói Linh ở nhà đợi cô về rồi mới được đi chơi nghen.
Nhựt dạ một tiếng rồi chạy vào nhà.
Con bé nhìn bạn, đôi mắt tròn xoe chớp chớp:
- Khoa đâu?
Câu hỏi của Linh làm Nhựt chạnh lòng nên chợt quên lời dặn dò.
- Khoa nói sẽ ra đó luôn, chúng ta không cần đợi - Nhựt hối - Đi nhanh đi, ra đó lấy cây che tổ lại, để người ta đi gặt lúa thấy được là họ bắt mất.
Nhựt chỉ tay ra cửa:
- Mẹ Linh về tới rồi kìa.
Con bé nhìn ra thấy mẹ đang đứng đó nên an tâm quay sang từ biệt cố: “Cố, cố! Thở mạnh nha, đừng ngủ nha! Con đi chơi chút thôi” rồi cùng Nhựt theo lối cửa sau chạy băng băng ra đồng.
Lần đầu tiên cùng Linh chạy băng băng qua mấy quãng đồng mà không có ai khác bên cạnh khiến Nhựt thấy háo hức đến lạ.
Hai đứa trẻ ngồi cạnh lùm cây nhìn vào tổ bìm bịp rồi khe khẽ nhắc nhau:
- Người ta nói ở cạnh tổ chim thường có rắn lục, nên đừng có đến gần nhé.
Hai đứa lại ngồi dưới gốc cây sao vừa làm lồng chim vừa đợi. Trên lưng Nhựt là một túi lớn các nan tre và khung lồng. Anh trai của cậu đã làm giúp mấy thứ đó, giờ chỉ cần ráp khung, vót lại đầu nan rồi cài vào thôi.
Linh vừa làm vừa thắc mắc: Khoa lâu quá. Nhựt thì mặc kệ, hắn đi chậm chút cũng không sao.
Nắng sáng xiên xéo qua từng vòm cây cũng đã dần đứng lên. Loay hoay cả tiếng, hai đứa nhỏ cũng ráp xong một cái lồng.
Nhựt đưa chiếc lồng ngang mặt ngắm nghía thì thấy ở phía đê lớn một hàng chừng năm sáu người cưỡi xe máy nối đuôi nhau phóng đi thật nhanh. Từ phía sau lưng chúng tiếng trống chầu thuận gió bất chợt vọng đến thùng thùng.
Ban đầu hai đứa nghệt mặt ra không hiểu là tiếng gì, ít phút sau thì Linh lầm bầm: Trong xóm mình có người chết à?
Hai đứa tức tốc thu dọn đồ chơi rồi chạy băng băng về. Lần này Linh là người chạy trước, bước thấp bước cao, thi thoảng hụt chân xuống bùn. Chúng chạy qua một cánh đồng rộng, hai cánh đồng rộng, ba cánh đồng rộng...
Mấy con chim sẻ đang giành nhau cọng cỏ khô định mang về xây tổ, nghe tiếng bước chân hoảng hồn tung lên bay tán loạn.
Từ xa thằng Khoa đang chạy đến, mặt mày trắng bệt. Nó thở hổn hển, lắp bắp đôi môi:
- Chết rồi...
Con Linh hỏi ngay:
- Ai chết?
Thằng Khoa bắt đầu nghẹn giọng, rơm rớm nước mắt.
Lúc sáng, mẹ của Linh sau khi nói chuyện với hàng xóm xong thì chưa vào nhà vội, bà phải đi thẳng ra chợ có việc.
Thằng Khoa sang nhà Linh thấy bà nằm đó, thân đã mềm nhũn. Khoa ngó quanh chẳng thấy ai nên đành ngồi lại gọi bà mỗi năm phút một lần: Bà, bà ơi.
Thằng Khoa cố nén sợ hãi:
- Ông ngoại kêu mình cứ đi chơi đi, để yên cho ông ngủ. Ông kêu mình kéo quạt máy vô gần cho ông mát...
Nửa tiếng sau người ta thấy ông nằm lưng chừng nửa trên giường nửa dưới đất, dây điện quấn quanh cổ.
Thấy bạn mếu máo, hai đứa kia nước mắt cũng lưng tròng. Nhựt lắp bắp:
- Thôi, về thôi.
Ba đứa trẻ lại chạy băng băng trên cánh đồng lớn hướng về nhà. Khoa vừa chạy vừa thút thít khóc, hai đứa còn lại lòng mơ hồ - với những đứa trẻ, chết nghĩa là hết sống, chứ những điều liên quan đến cái chết vẫn còn là chuyện xa xăm, khó hiểu.
Bình luận (0)