Có con ruồi, có sợi tóc 'trôi' trong mắt tôi

22/08/2016 11:29 GMT+7

Đột nhiên bạn nhìn thấy những đốm đen nhỏ, những vòng tròn, đường thẳng hoặc những đám đen như mạng nhện di chuyển trước mắt thì hiện tượng này được gọi là ruồi bay. Bạn đã từng bỏ qua những “con ruồi” này? Hãy cẩn thận...

Thỉnh thoảng có cảm giác khó chịu, như có vật gì lơ lửng, di động trước mắt như “ruồi bay” dù mắt đang đứng yên, em H.V (16 tuổi, Long An) lại cố gắng dụi mắt, xua đuổi đi nhưng hình ảnh này vẫn tái hiện. Tình trạng này được giảm đi trong một khoảng thời gian rồi tái diễn.
Cho đến khi đang đọc sách, đột ngột H.V không thể nhìn thấy gì nữa, gia đình vội đưa đi khám tại bệnh viện mắt, phát hiện V. bị xuất huyết võng mạc - một biến chứng võng mạc của bệnh cận thị nặng. Song, dù “chẩn” ra bệnh nhưng việc điều trị sau đó không hiệu quả. Và chỉ vài tháng sau, mắt phải của V. không thể nhìn thấy nữa và sau đó mắt trái cũng mờ dần…
Hiện tượng “ruồi bay” là gì ?


Trong hai ngày 25 và 26.8.2016, bác sĩ Laurence Lim và bác sĩ Lee Shu Yen - hai bác sĩ điều trị cao cấp tại Khoa Dịch kính võng mạc của SNEC sẽ trực tiếp khám mắt và tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện FV. Đây là hai chuyên gia giàu kinh nghiệm trong phẫu thuật chữa trị các bệnh lý về nhãn khoa. Để đặt lịch hẹn khám và điều trị, mời bạn liên hệ Khoa Mắt, Bệnh viện FV: 08.54113436 hoặc 08.54113333 - máy nhánh 2000 hoặc www.fvhospital.com

Bác sĩ Lee Shu Yen, một chuyên gia cao cấp về dịch kính võng mạc của Trung tâm Mắt quốc gia Singapore (SNEC) cho biết: “Đối tượng dễ gặp hiện tượng “ruồi bay” là những người bị cận thị nặng, người lớn tuổi hoặc bị chấn thương nghiêm trọng vùng mặt. Có người không thấy ruồi nhưng lại thấy những hình thù kỳ lạ, như “sợi tóc”, “bóng mờ hình chữ O, chữ Y, con giun, con dế”... Tuy nhiên, triệu chứng lúc đầu của bệnh thường mơ hồ nên bệnh nhân thường dễ dàng “bỏ qua”, và trong chuyên môn hiện tượng này chỉ có thể nhận thấy bằng các kỹ thuật khám mắt chuyên biệt”.
“Ruồi bay” thấy rõ nhất khi bạn nhìn một tấm bảng màu đen hoặc khi nhìn lên trời. Những vật thể di chuyển trước mắt này thực sự là những đám tế bào nhỏ di chuyển bên trong dịch nội nhãn. Có hai nguyên nhân gây nên hiện tượng ruồi bay. Một là do dịch kính bị vẩn đục vì sự thoái hóa theo tuổi tác, hai là do các bệnh lý phần sau nhãn cầu có thể gây hiện tượng ruồi bay bệnh lý như: bong võng mạc, bệnh võng mạc tiểu đường, chấn thương hay phẫu thuật tại mắt, viêm màng bồ đào... Với nguyên nhân thứ nhất, trong mắt có một chất dịch trong suốt giống như lòng trắng trứng gà được gọi là pha lê thể. Tới tuổi trung niên, pha lê thể dày lên và co lại, tạo thành những cục hoặc những sợi bên trong. Khi bị co kéo, pha lê thể sẽ bong ra khỏi thành nhãn cầu và gây bong pha lê thể, là nguyên nhân thông thường nhất gây hiện tượng ruồi bay.
Vẩn đục dịch kính do lão hóa không cần điều trị và không gây ra biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, với nguyên nhân thứ hai, tất cả các trường hợp đục dịch kính do bệnh lý cần được đi khám chuyên khoa mắt ngay để có thể điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến thị lực, thậm chí có thể gây mù lòa.
Người bình thường không thể nào xác định được đâu là “ruồi bay” do lão hóa và đâu là hậu quả của bệnh lý để quyết định điều trị hay không điều trị. Do đó, lời khuyên của bác sĩ Lee Shu Yen là mỗi khi phát hiện hiện tượng có những “bóng đen bí ẩn” vờn bay trước mặt, nên đến khám tại bác sĩ chuyên khoa mắt để có được lời khuyên và cách xử trí thích hợp. Khi mắt bị bong võng mạc, bệnh võng mạc tiểu đường, chấn thương hay phẫu thuật tại mắt, viêm màng bồ đào... thì “khổ chủ” cũng thường gặp hiện tượng “ruồi bay”. Nếu “ruồi bay” do bệnh lý cần điều trị các bệnh này ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm cho cửa sổ tâm hồn.
Nếu bị biến chứng nặng làm sao để điều trị ?
Theo bác sĩ Lee Shu Yen, tại SNEC, các trường hợp tổn thương võng mạc nặng như em V. có thể can thiệp làm tiêu dịch kính bằng YAG laser đem lại hiệu quả phục hồi thị giác cao. Bệnh nhân sẽ được bắn tia laser tập trung vào các đốm tích tụ để làm bay hơi và làm tiêu các sợi collagen bên trong để phục hồi được thị giác mà ít xâm hại và ít biến chứng.
Ngoài ra, nếu bệnh đã trở nặng, phẫu thuật cắt bỏ dịch kính có thể giúp ngăn chặn nguy cơ mù lòa. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được cắt và hút dịch kính, sau đó bơm bổ sung huyết thanh mặn để duy trì áp suất của nhãn cầu, tránh được việc để sót các tích tụ và bong dịch kính phía trước, bảo vệ được võng mạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.