Để đến được với "làng đu dây", không bằng con đường nào khác, tôi cũng phải liều mạng đu dây qua sông Pô Kô, giống như người dân nơi đây. Được một thanh niên kẹp chặt, tôi bay vèo một cái theo dây cáp từ bên này qua bên kia.
Không có tên thôn, tên làng nên 21 hộ dân (trên 60 nhân khẩu) bên kia sông được gọi tạm bằng cái tên "Tiểu khu 154" thuộc địa bàn xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum).
Lập làng
Bắt đầu từ năm 1985-1986, quân nhân Nguyễn Văn Nhị (quê ở Nghệ An), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự quyết định ở lại mảnh đất Tây Nguyên để sinh sống. Anh chọn xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) để dựng cơ nghiệp. Do có mối quan hệ bà con với anh Nhị, năm 2007, ông Trần Khắc Chín (48 tuổi) và người thân lần lượt rời quê (xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) vào mua đất, trồng cây công nghiệp. Mảnh đất mà họ chọn thuộc tiểu khu 154 thuộc xã Đăk Ang, cách xa trung tâm xã chừng 14 km.
Do không có đường từ xã Đăk Ang đến tiểu khu này, việc đi lại của người dân đều phải qua sông bằng cách treo mình lên dây rồi cho trượt qua bên kia sông là đường Hồ Chí Minh và thuộc xã Đăk Nông. Sau có thêm nhiều hộ dân từ Nghệ An vào lập nghiệp. Rồi những đứa trẻ được sinh ra tại đây. Sau đó, cả người Xê Đăng bản địa cũng gia nhập làng, mà đứng đầu là ông A Khao. Ông A Khao cho biết: "Gia đình mình ở làng Đăk Giá 1. Mình từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đăk Ang trên 10 năm. Hai năm nay mình xin nghỉ và quyết định đưa vợ con xuống khu vực này làm nhà tạm và ở cùng với anh em người Nghệ An".
Như vậy, đến nay ngoài 21 hộ gia đình người Nghệ An, khu vực "làng đu dây" còn có thêm 14 hộ gia đình người Xê Đăng đến từ làng Đăk Giá 1 và 20 hộ ở rải rác dọc triền sông Pô Kô thuộc làng Long Jôn.
Không hộ khẩu
Ông Trần Khắc Chín ngán ngẩm: "Mình tìm đường vào đây cũng chỉ vì mưu sinh, nhưng hóa ra lại giống như những người bị bỏ rơi, sống bất hợp pháp vì đến nay tất cả các hộ gia đình đều không có hộ khẩu cũng như các quyền lợi công dân khác. Không có hộ khẩu, dẫn đến khổ đủ đường, nhất là khi gặp ốm đau đến bệnh viện mọi chi phí không được miễn giảm, mặc dù các hộ hiện nay hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo".
Năm 2008, chị Nguyễn Thị Loan sinh cháu Trần Thị Sen. Vợ chồng chị đi gõ cửa nhiều nơi nhưng đến nay cháu Sen vẫn chưa có được tấm giấy khai sinh. Rút kinh nghiệm từ chị Loan, hai phụ nữ đang mang bầu là Nguyễn Thị Huyền (vợ anh Trần Khắc Châu) và Nguyễn Thị Thao (vợ anh Nguyễn Văn Cầu) đến gần ngày sinh nở đã quyết định xách khăn gói về quê. "Về ngoài quê Nghệ An để được chăm sóc về y tế và còn mong con có được tấm giấy khai sinh", anh Châu chua chát nói.
Để được sống hợp pháp, những gia đình này đã nhiều lần trở về quê xin cắt hộ khẩu để chuyển nhập vào huyện Ngọc Hồi. Mỗi lần về quê, chính quyền địa phương lại yêu cầu phải có giấy tiếp nhận của địa phương nơi cư trú. Vậy là họ lại khăn gói trở vào, lên UBND xã Đăk Ang xin giấy tiếp nhận, rồi lại không được giải quyết và đến nay cũng chưa được trả lời về lý do.
Không đường giao thông, "làng đu dây" còn phải chịu cảnh không điện và đủ mọi thứ không kèm theo, dù bên kia sông là những ngôi làng trù phú của người Giẻ Triêng.
Con đường học bị chặn
Gặp chúng tôi bên bờ sông, em Nguyễn Thị Nhung (16 tuổi) giọng như mếu: "Cháu phải nghỉ học buồn lắm chú ơi! Cháu tốt nghiệp THCS đủ tiêu chuẩn để học lên THPT ở huyện Ngọc Hồi, nhưng đến khi người ta kiểm tra phát hiện gia đình cháu không có hộ khẩu, họ không cho cháu học. Bây giờ phải đi làm rẫy cùng gia đình. Hè này cháu trở về quê Nghệ An để ôn thi, hy vọng được đi học tiếp".
Cùng cảnh với em Nhung còn có em Trần Thị Ngân. Mẹ em Ngân bảo: "Tui đã đi xin khắp nơi, mà không ai cho học dù cháu ham học lắm! Bây giờ cháu nó cứ nhất quyết bằng mọi cách để được đến trường. Nhưng gia đình tui cũng không biết làm sao…". Nói đến đây, mẹ em Ngân giọng nghèn nghẹn, nước mắt chực trào ra.
Chia tay "làng đu dây", tôi lại liều mạng lần nữa treo mình lên cáp và vút một cái, trở về bên này sông. Chỉ tích tắc, tôi đã trở về với cuộc sống nhộn nhịp, còn sau lưng tôi, là một cộng đồng người đang sống vất vưởng, "vô thừa nhận"...
Trùng Dương
Bình luận (0)