Cỏ dại

18/12/2011 00:40 GMT+7

Những tiếng ngáy ngắt quãng, nặng nhọc phát ra từ căn buồng đầu hồi đã khiến tôi đứng phắt ngay lại ở ngưỡng cửa. Quái! Nhà này, trước nay chỉ có tôi và mẹ tôi, chả ai có tiếng ngáy thô lỗ như thế. Ngáy đã to lại rộ lên rền rã từng đợt, cuộn lại như nhai nghiến, nuốt chửng ruột gan mình rồi lại hầm hè nhả ra.

Những tiếng ngáy ngắt quãng, nặng nhọc phát ra từ căn buồng đầu hồi đã khiến tôi đứng phắt ngay lại ở ngưỡng cửa. Quái! Nhà này, trước nay chỉ có tôi và mẹ tôi, chả ai có tiếng ngáy thô lỗ như thế. Ngáy đã to lại rộ lên rền rã từng đợt, cuộn lại như nhai nghiến,  nuốt chửng ruột gan mình rồi lại hầm hè nhả ra.

- Ai ngủ trong buồng nhà mình thế, mẹ?

Đáp lại câu hỏi của tôi, mẹ tôi lắc đầu chép miệng, chẳng muốn trả lời. Thì vừa lúc ấy, trong căn buồng nọ có tiếng đấm thình thịch và tiếp đó tiếng Quỳ, em trai tôi: “Dậy! Dậy! Hấn, dậy ra chào chị Tân đi!”. Và thế là tôi hiểu. Quỳ, em trai tôi đã hết hạn nghĩa vụ quân sự, trở về cùng với một phụ nữ, tức em dâu tôi.

Em dâu tôi. Nó đã dậy, đi từ trong buồng ra, vừa ngáp vừa dụi mắt, hiển lộ một thân hình thiếu nữ măng tơ mới lớn. Cái áo sơ mi xanh cũn cỡn hếch hai vạt, chật ních vì khuôn ngực nhô cao. Cái quần âu xanh sĩ lâm, phùng hai đầu gối, ngắn ngủn như quần đi mượn của trẻ con.

Nó bước liêu xiêu, qua cửa, gặp con Mực nằm chắn đường, quát: Tiên sư lỏi, rồi thuận chân đá đánh púp một cái vào bụng con vật. Chẳng chào hỏi ai lấy một câu, nó đi thẳng ra sân, vục gáo vào bể nước, đưa lên miệng, ngửa cổ súc òng ọc, nhổ đánh toẹt, rồi quay vào nhà, lanh lảnh: “Anh Quỳ! Khăn mặt đâu?”.

Đón cái khăn tôi đưa, nó chẳng hé răng nói một lời cảm ơn, đã cúi xuống cái chậu đồng, vỗ nước tàm tạp vào mặt.

Hừ, cũng không đến nỗi nào. Tôi thầm đánh giá nó. Nét hoang dã thể hiện ở mái tóc sém nắng hung đỏ, dài vừa đủ để buộc thành túm đuôi gà sau gáy. Hàm răng trắng nhờ nhợ và hai bên mép thàm làm ăn bợt trắng. Tuy vậy, vẻ nặng nề của vóc người nở nang xổng xểnh quá độ tự nhiên và nét hoang sơ được giảm nhẹ nhờ gương mặt tròn, mỏng, có hai con mắt lớn sít nhau, bóng sáng.

Người khôn con mắt đen sì. Nó đâu có phải là đứa ngu si đần độn. Mẹ tôi nói vậy, nhưng vẫn không giấu nổi nỗi buồn phiền. Buồn phiền vì có một cô con dâu mà chẳng có lễ ăn hỏi cưới xin. Buồn phiền vì bảo Quỳ rằng: “Ừ thì mày nói chúng mày đã đăng ký, tổ chức lễ cưới ở đơn vị rồi thì tao cũng biết là thế, nhưng đã đem nhau về đây cũng phải làm mấy mâm cỗ để trình với họ hàng nội ngoại, bạn bè xóm giềng chứ”, thì nó gắt toáng lên: “Cụ chỉ vẽ vời lễ nghĩa, còn phải kiếm sống cái đã”.

Quỳ phải trở về xí nghiệp cũ. Đang mùa thu mua đào lê táo mận sơn tra để sản xuất rượu vang. Nó là thợ sửa chữa cơ khí. Máy móc già cỗi hỏng hóc liên tùng tục. Lăn lóc ở xí nghiệp tối ngày, nó để ở nhà một thiếu nữ quá non trẻ, ngây dại, chưa thành người đã thành vợ.

Chưa thành người đã đóng vai người vợ. Phải, vợ Quỳ là thế. Là suốt ngày ru rú ở trong buồng, không động chân động tay cất nhắc việc gì. Cơm đến bữa là vác miệng ra ăn. Ăn xong là ngủ. Ngủ thì ngáy rầm rầm. Đẫy giấc mới trở dậy. Dậy là tắm gội, kỳ chân, sửa móng tay, rồi bật ti vi xem chèo tuồng, ca kịch cải lương. Sống trong nhà với mẹ và chị chồng mà còn quá người dưng. Không ra e thẹn, không ra cao ngạo, lúc cau cảu, khi khinh khỉnh, ăn nói đã trống không, ngô ngọng, lại cộc cằn, chỏng lỏn.

Chết thôi. Chỉ hay ăn không hay làm. Nghề ngỗng không. Vốn liếng không. Cứ nồng nỗng ngây ngây dại dại như thế thì lấy gì mà ăn.

Không hiểu có phải vì nghe mẹ tôi than phiền với xóm giềng như thế không mà sáng ấy, nó, vợ Quỳ em trai tôi, đã từ trong buồng, lắt lẻo nói hắt ra rất xấc xược: “Này, hay ăn hay uống là tướng trời sinh. Con này có dại có ngây cũng chẳng thèm ăn bám con già con trẻ nào nhé!”. Và ngay sau đó, nó cắp cái làn, đẩy cửa, ưỡn ngực, vênh mặt, đánh tay đi ra ngõ, không thèm nói với ai một lời.

Ra là vậy, cô em dâu tôi, cái Hấn, nó đã chạm tự ái, nó đã ra khỏi nhà để xông vào môi trường lập thân kiếm sống.

Thành phố là chốn chạ người. Người này sống được vì đáp ứng được nhu cầu của người kia. Hơn nữa, sự sống vốn có cái bẩm sinh khôn ngoan của nó và hoang dại có cái tinh khôn của sự sống hoang dại. Nghĩ vậy về Hấn nên mẹ tôi và tôi phần nào cũng thấy yên lòng.

Nào ngờ, nó mới cắp làn đi đi về về được hai hôm, đã có một anh công an hình sự mò đến nhà tôi. Bất ngờ nhận ra tôi là cô giáo dạy con anh, anh liền dịu giọng: “Mời cô ra đồn công an bảo lĩnh cho em dâu cô, không đồn họ giữ qua đêm thì khổ”. Thì ra em dâu tôi mấy ngày qua ra ga xe lửa tập tọng vào nghề mua bán vé giả, bị công an bắt, nó còn tụt quần ra đập túi bụi vào mặt họ để tháo chạy.

- Đứa nào bảo tao là bụi đời, con phe, tao nhét d. vào mồm nó!

Tôi dắt nó từ đồn công an về, đến cửa, nó đã quay lại, chửi toang toang một chặp rồi mới bước vào nhà. Lát sau lại thấy nó ngáy như mọt nghiến gỗ rầm rĩ cả nhà.

- Quỳ à, người ta nói bán gia tài mua danh diện. Còn con Hấn nó bôi gio trát trấu vào mặt tao. Mày phải bảo vợ mày thế nào chứ, ê chệ quá con ạ.

Sáng sau, nghe mẹ nói vậy, Quỳ lầm lầm, mím môi, rồi phì một hơi: “Thôi, để con bảo nó dần dần vậy”.

Chiều ấy, mẹ tôi dân dấn nước mắt, bảo tôi: “Khổ, số kiếp thế nào mà lại rước phải con vợ tai quái. Hay là trót ăn xôi chùa rồi đành phải ngậm miệng”.

Chưa kịp an ủi mẹ, đã nghe ầm ầm ào ào ở ngoài ngõ. Và nhìn ra, đã thấy nó và một đứa con gái tên Thêm nổi tiếng chua ngoa, chuyên nghiệp phe vé ở ga tàu hỏa đang túm tóc bứt tai cào xé nhau.

Kéo được hai đứa ra khỏi cuộc xâu xé nhau, con kia chưa chịu, còn nhổ pịt pịt, nhảy chồm chồm xỉa xói:

- Tiên sư con đĩ ngựa! Mày không nôn ra đây cho bà năm sọi nữa thì bà móc họng mày ra.

Con em dâu tôi ưỡn ngực, vênh mặt:

- Tao đ. trả đấy, con đĩ trăm thằng kia, mày có giỏi thì vào đây tay bo với tao.

Thì ra hai đứa chung nhau một phi vụ làm ăn, chia chác không đều nên sinh chuyện. Thôi thì rấp chuyện cho nó xong đi. Dài dòng lý lẽ giảng giải mà làm gì.

Tôi bỏ ra năm chục nghìn trả cho cái Thêm, rồi bảo nó: “Thôi về đi. Bận sau mày đừng dính dáng gì với nó nữa”. Cái Thêm lầm bầm: “Ranh con mà đã gian. Lần sau còn thế bà đấm bỏ mẹ mày”.

Quỳ đi làm về đúng lúc đó. Hiểu chuyện, dựa cái xe vào bức tường hoa, quay lại, túm ngay lấy tay con vợ, một tay giữ chặt, một tay dang thẳng cánh, tát cho nó một cái vẹo mặt.

Vằng ngay ra khỏi tay chồng, con em dâu tôi xắn ngay hai ống tay áo, nắm chặt hai bàn tay, giơ lên ngang mặt như võ sĩ quyền anh vào trận, hầm hè xông lại trước chồng:

- À, mày dám đánh bà, hả? Đ. mẹ, bà phải cho mày ra bã, cho mày biết tay.

Sức nó tuy vậy chỉ là sức con bọ ngựa so với sức Quỳ vốn to khỏe lại được tập rèn kỹ thuật đánh bắt trừng trị bọn bất lương thời ở bộ đội biên phòng. Chỉ một cái gạt tay của Quỳ, nó đã ngã lăn quay. Nhưng vừa chạm đất nó đã vùng dậy, ngửa mặt lên trời tru tréo:

- Thằng Quỳ khốn nạn kia. Mày ăn no giờ mày bỏ tro vào l. bà. Mày dỗ ngon dỗ ngọt bà, đưa bà về đây để bà khổ bà sở thế này à. Mày nhớ nhé. Tối nay mày đừng có hòng ngủ với bà. Con yêu ma quỷ sứ nào nó đẻ ra mày mà mày độc ác thế, hả Quỳ ?!

Đỏ văng mặt, Quỳ chạy vào nhà vác con dao phay ra, quát:

- Im mồm, đi vào nhà ngay! Không tao cho một nhát, rồi tao đi tù.

Con em dâu tôi thôi tru tréo, bò dậy, ôm đầu đi vào nhà, miệng vẫn rên rỉ: “Ứ ừ, tối nay cho mày ngủ với con chó, đừng có hòng mà ngủ với bà”.

Suốt tuần ấy, em dâu tôi đeo bộ mặt giận dỗi, nhưng không còn dám gây sự. Có lẽ từ đây nó sẽ tu tỉnh. Tôi nghĩ vậy.

Nhưng buồn thay, cuối tuần ấy đi dạy về, đã lại thấy mẹ tôi gọi Quỳ lại, mắt rân rấn nước, than van:

- Thật tao chẳng hiểu nó là người thế nào nữa. Sáng nay nghe bà Thọ hàng xóm gọi, chạy ra ngõ, đã thấy nó đang ôm con chó bông Nhật của nhà bà ấy, vẫy gọi xích lô. Cùng chạy đến còn có mấy người. Hóa ra nó ăn cắp chó của người ta đem đi bán nhiều lần rồi. Khám cái túi nó đeo bên sườn, còn thấy cái áo len của cô Xuân hàng xóm vừa mới đem phơi còn ướt.

Em trai tôi nghe xong chuyện, mặt tím sậm, chạy vào buồng, dựng vợ dậy, quát tháo, hạch tội ầm ĩ. Nhưng con em dâu tôi lúc này cũng chẳng vừa. Nó cãi bay biến. Nó sưng sỉa, chửi lại người nào đó dựng chuyện xấu cho nó. Xô đẩy, mắng mỏ, chửi bới nhau, hai đứa làm náo loạn cả căn buồng. Cuối cùng nghe thấy tiếng con em dâu tôi gào như thách thức: “Về thì về. Mày cần bà chứ bà cần đ. gì mày!”.

Như cây cỏ dại tự gieo hạt tự lớn. Như hòn sỏi bong ra từ đất đá. Chưa biết lý tình phải trái, còn hoang rợ thô sơ lắm. Đó là cô em dâu tôi, kẻ đã gây bao phiền hà cho chúng tôi.

“ Mày là cái tội cái nợ của tao”. Định nghĩa sau cùng của thằng chồng nó dẫn đến một hệ quả tất nhiên là sáng ấy, nó dựng phắt con bé dậy, lôi xềnh xệch ra ga, ủn lên tàu, đưa trả về quê.

Vùng quê của cái Hấn xa lắm. Tàu tới ga V, còn phải đi xe buýt hơn trăm cây số nữa, tiếp đó là năm chục cây số xe ôm xóc như ngựa chạy nước kiệu, rồi đi bộ hơn chục cây số nữa mới tới.

Miền biên viễn, mây phủ mù mịt như thuở trời đất chưa phân đêm ngày, chưa chia thiên địa, một cõi mông lung. Nghèo xác xơ, bữa cơm là củ rừng ăn với mắm cá suối. Bánh mì là món quà thượng hạng. Không đài, không báo chí, không tin tức.

Ông bố Hấn bảy mươi tám tuổi, già lụ khụ, làm nghề đốt than, ngơ ngẩn điếc lác, gọi cán bộ là quan, gọi chủ tịch huyện là ông tri huyện. Không có trạm y tế. Đẻ con tự cắt rốn lấy. Đau bụng, uống nhựa cây xoan rừng. Không có trường học. Năm thằng anh trai làm thuê cho bọn sơn tràng và Hấn gái út mười sáu tuổi, đều không biết chữ.

Qua lại nơi này thi thoảng mới có bộ đội biên phòng, còn thuần là bọn sơn tràng, lâm tặc, đám buôn lậu thuốc phiện. Bọn này, coi tất cả đàn bà ở đây là gái điếm, là nô tì, thê thiếp. Một chục ngàn, giá một lon bia, mua được một đêm vần vũ thỏa thích với một gái non. Đàn bà tơ lỡ còn rẻ hơn.

Một bận đi tuần tra, Quỳ bắt được một ổ lâm tặc đang vây hãm, ve vãn Hấn và giải thoát được nó. Bài học đầu tiên anh bộ đội biên phòng dạy cô gái hoang dã là bài học về phẩm giá đàn bà, về quy tắc quan hệ nam nữ trong xã hội văn minh.

“Em tưởng nó là của em thì em cho bọn chúng lúc nào chả được”. Hấn nói sau khi bám theo anh bộ đội biên phòng, người khai sáng nó, đến cư trú tại đồn biên phòng. Hấn ở lì trong đồn và học bài học thứ hai là phải làm việc. Nó giúp việc anh nuôi, kiếm củi, nấu ăn, trồng rau, cắt cỏ ngựa. Lửa gần rơm, tình cảm ban sơ lâu ngày dày kén, dẫn đến quan hệ hôn nhân bằng một lễ cưới đơn sơ và họ trở thành vợ chồng.

Lạ cái là Hấn đi rồi, căn nhà bỗng trở nên vắng vẻ khác thường. Có điều gì như bất chợt vừa mất đi khiến mình thấy trống trải hẫng hụt quá.

Tình cảnh ấy, cũng còn là do thái độ của Quỳ. Từ hôm đưa Hấn về quê, trả cho bố Hấn, trở về, Quỳ ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Đi làm buổi đực buổi cái. Ngày lầm lì không nói một câu. Đêm nằm vật mình vật mẩy, trằn trọc không yên. Rõ ràng là còn đang vấn vương trong lòng một nỗi hồ nghi và ân hận. Còn chúng tôi  thì có cảm giác vừa để lỡ tay, vừa để một điều gì đó không phải xảy ra. Và bây giờ thì áy náy, thậm chí có lúc xót xa.

Im lặng đã dồn nén tới mức bất nhẫn, cho đến một hôm mẹ tôi bật tiếng chép miệng, nghẹn ngào bảo tôi: “Khổ, bỏ thì thương, vương thì tội. Hay là con ơi, con chịu khó lặn lội đi đón cái Hấn về vậy, hả con?”.

Trong trạng thái tinh thần dang dở ấy, chúng tôi đã nhảy bổ ra cửa buổi sáng ấy khi nghe thấy tiếng còi tàu hụ ở ngoài ga với vẻ bồn chồn khác thường và sau đó là tiếng gõ cửa gấp gáp.

Mẹ tôi ngồi lặng, để yên hai dòng nước mắt lăn qua gò má và thở ra một hơi thật dài. Con tàu đã đem trả Hấn về cho chúng tôi.

Hấn, con em dâu tôi đã trở về. Hai cánh tay trần, chân đất, một chiếc nón lá rách úp trên bộ ngực căng nở, nhìn chồng bằng hai con mắt to ậng nước, thương mến và khát khao.

Trong giây phút, tôi tưởng Quỳ sẽ xô tới như vồ lấy vợ. Nỗi nhớ căng nhức cả người nó rồi. Chung quy quan hệ đàn bà và đàn ông vẫn là dựa trên cái tình.

Nhưng, không thể ngờ, nó chụp cái mũ lên đầu, đi qua mặt vợ, thình lình đứng lại, quát to một câu: “Cô ở đây thì tôi đi”, rồi rảo bước ra cửa.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Ôi, cái cuộc đời còn quá lắm éo le này!

Tôi đưa Hấn vào buồng, bỗng thấy nó như đứa trẻ thơ dại, cần phải dỗ dành săn sóc. Nấu mì cho nó ăn, rồi tôi bảo nó ngủ đi cho lại sức. Ngủ đi, ngáy thật to vào cho thoải mái em à. Tôi nói mà rưng rưng nước mắt.

***

Ba hôm sau, thấy Hấn đã lại sức, tôi ướm hỏi: “Mẹ bán hàng ở chợ, em có thể ra phụ giúp mẹ được không?”. Hấn gật đầu, đứng dậy đưa mắt tìm cái đòn gánh, rồi giúp mẹ tôi gánh và bê từng thúng hàng lên chiếc xích lô đến đón như thường lệ ở ngoài ngõ.

Mẹ tôi có một cửa hàng đồ khô ở chợ phường. Sau một tuần, cho Hấn quen với cảnh chợ búa, mẹ tôi mua một cái bếp lò, nhóm lửa, đốt than rồi đặt lên một cái chảo.

- Hấn à, con có biết rán đậu không?

- Sao mà không biết!

Nghe nó đáp chỏng lỏn, mẹ tôi cố nhịn cười. Với nó, giận thì giận mà thương thì thương lắm. Để ý theo dõi, thấy nó biết việc, xắt miếng đậu rất khéo, để ráo nước, đợi mỡ trong chảo sôi lăn tăn mới bỏ vào. Thì có hồi nó chẳng đã là cấp dưỡng ở đồn biên phòng của Quỳ là gì!

- Mẹ ơi, ông này ông ý mua đậu.

- Để mẹ bán cho. Lần sau con phải chào hỏi khách chứ. Bác mua mở hàng cho cháu nó đi!

 Chảo đậu sôi lạch tạch. Miếng đậu nở phồng, vàng rộm, nổi lềnh phềnh, bốn cạnh sủi bong bóng. Nhìn Hấn nhấp nhổm, nhíu mày bên chảo đậu, thấy ngồ ngộ, nhưng yên lòng.

Cuộc sống là một tổ chức khổng lồ, nhưng người nào việc nấy. Kẻ văng ra khỏi guồng máy, chân không đến đất, cật không đến trời, là cái mầm bất ổn. Hư hỏng, sa đọa cũng từ đấy mà ra. Sĩ, nông, công, thương, binh, ai cũng phải có một nghề, con ạ. Nghe mẹ nói, Hấn gật đầu lia lịa.

Ngày đầu trôi qua yên ả. Ngày thứ hai cũng vậy. Nhưng, sáng ngày thứ ba, chảo đậu đang sôi, có khách đến mua, mẹ tôi ngoảnh lại, đã không thấy nó đâu. Lo quá, nhưng chưa kịp gửi hàng chị em bạn, chạy đi tìm, đã thấy Hấn trở về, tay cầm quả khế xanh cắn dở, miệng xớt nước: “Mẹ ơi!”. Chưa kịp hỏi đã thấy nó gọi vào trong lều, đứng sau quầy hàng, tốc hai vạt áo lên, ưỡn hai bầu vú thây lẩy trắng nhẫy, kêu nghèn nghẹn: “Mẹ ơi, con có chửa thật rồi! Mẹ xem này!”.

“Ừ, thế thì mẹ mừng cho con, cho các con!”. Mẹ tôi lập bập. Gái có con như bồ hòn có rễ. Ôi, từ người vợ trở thành người mẹ là bước nhảy nước đại của người phụ nữ.

Cảm động quá, mẹ tôi sa hai hàng lệ, sụt sịt:

- Hấn, con à. Nhà mình là nhà lao động. Bố con, hồi còn sống làm nghề cơ khí. Chồng con giờ cũng thế. Mẹ xưa làm thợ cầu đường. Chị Tân con làm nghề dạy học. Con mới ra đây, còn non người trẻ dạ. Vốn liếng không một chinh một chữ. Nghề nghiệp không. Cả nhà sẽ giúp con. Cần là con phải chịu khó, cơ chỉ làm ăn. Còn bây giờ có thai rồi, phải giữ gìn cẩn thận, con nhé.

Hấn gật gật đầu, ngồi xuống, xúc động tay đảo chảo đậu liên tục.

Không ngờ món đậu rán sẵn lại đắt hàng. Ngày bình thường cũng lãi được chục nghìn. Lễ hội, chủ nhật còn hơn. Mẹ tôi cho Hấn tất, bảo nó giữ làm vốn.

Cái thai là vàng bạc châu báu, phát tỏa lên mặt Hấn niềm vui sáng láng. Nó hít hà, sung sướng. Đêm nằm ngáy o o. Sớm dậy tíu tít giục mẹ ra chợ. Ra tới chợ là vội vã cọ chảo, nhóm lò, rán mỡ.

Ngày thứ năm, chảo mỡ đang phập phềnh ràn rạt khói, ngẩng lên, Hấn bỗng réo vang: “Ơ, cái Thêm”. Thêm để tóc kiểu usi, giống con trai, mắt tô tím, môi láng son tươi màu huyết, mặc váy đen dài khía bên, hở tận đùi non, nách cặp ví đầm.

- Ngồi xuống đây mày. Tao biếu mày chục đậu. Mười ngàn đấy. Tao xin lỗi mày nhé.

- Chuyện tẹp nhẹp, xưa rồi, quên đi.

- Này, Thêm ơi, tao sắp có con rồi đấy.

- Có con với ai?

- Chồng tao chứ còn ai vào đây. Lão ấy gấu lắm, mày ơi. Có hôm, lão làm tao lộn lạo cả ruột gan lên ấy, mày ạ.

Cái Thêm phẩy tay, vừa tránh khói, vừa ra ý coi thường chuyện nọ, ngồi dịch vào, ghé tai Hấn. Nó nói cái gì mà Hấn bỏ đũa, quay lại, hai mắt sáng như hai ngọn đèn.

“Kìa, cô Thêm, sao lâu mới gặp thế?”. Mẹ tôi quay lại, chen vào, dụng ý muốn gián cách hai đứa, chỉ cái ghế con bên cạnh, mời cái Thêm ngồi. Nhưng, con em dâu tôi lại ôm gối giữ rịt con này lại, và giục giã: “Mày nói nốt đi. Thế, được những từng ấy cơ à”. Rồi đứng dậy, hớt hơ hớt hải, kêu: “Mẹ ơi, mẹ trông chảo đậu hộ con, con đi đằng này với cái Thêm một tí”. Mẹ tôi can thế nào cũng không được.

Số kiếp một con người sao mà mong manh thế. Nó có thể là thế này, lại có thể là thế khác, mà có khi chỉ vì những cái ngẫu nhiên li ti rất vô nghĩa.

Thở ngắn than dài với tôi, mẹ tôi lo lắm. Con người thì non dại mà xung quanh thì đầy cạm bẫy. Thành người tốt thì khó, chứ hư hỏng chỉ một sớm một chiều thôi.

Thì đêm đó, như có linh giác mách bảo, Quỳ phóng xe từ xí nghiệp về. Nghe chuyện tôi kể, Quỳ trụt cái mũ vải, vò trong tay, sùng sục đi vào buồng, kéo vợ ra.

- Ơ kìa, bỏ ra. Tay gì như sắt nguội thế. Đau bỏ cha người ta đây này!

- Tôi hỏi cô, con Thêm nhỏ to với cô cái gì?

- Anh lấy quyền gì mà hỏi tôi?

- A, nghe lời con Thêm, hả? Nó là con ca ve, con điếm, con đượi, con bớp. Định theo nó, hả?

Nghe đến đó, Hấn lập tức chồm lên, nắm hai tay đấm túi bụi vào ngực chồng, miệng gào nức nở:

- Ai bảo ông đi biền biệt. Ông không thèm ngó ngàng gì đến tôi. Ông bỏ tôi ở nhà một mình. Ông không về, tôi nói trước, tôi sẽ đi đấy. Mà ông có biết tôi hiện giờ thế nào không?

- Thế nào?

- Tôi sắp có con rồi. Tại ông đấy. Bắt đền ông đấy! Hư hư...

Tôi và mẹ tôi cùng chạy ra.

Nhìn cảnh Quỳ to lớn, đứng ngây mặt, lúng ta lúng túng đưa tay đỡ những quả đấm của vợ tới tấp nện vào ngực vào mặt mình, mà trào nước mắt. Hấn đang ở vào thời kỳ tự ý thức được về mình, đang đòi hỏi hoàn thiện bản thân. Cái thai và đứa con tương lai đánh thức Hấn, đánh thức bản năng sinh tồn, bản năng làm mẹ của Hấn.

Làm mẹ, cả một công cuộc lớn lao. Vì chả phải là con người ta trước nay thường tốt đẹp lên bởi con cái họ đó sao. Cái thai, thêm một bài học nữa Hấn đã tự học được, bài học làm người.

Sáng hôm sau,  ghi đông ngoắc cái chảo, Quỳ đèo vợ ra chợ. Xe lăn chầm chậm. Qua mỗi cái rãnh y lại xuống xe, dắt xe, cố lò dò đi qua.

Và vợ y ngồi yên ở sau xe cho y dắt thì cố tình phưỡn cái bụng cho nó lồ lộ thêm ra, trong khi sự thật là ở tháng ấy, con so, đàn bà chửa chưa hề nổi bụng…

8.2011

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.