Một lần nữa hình ảnh phụ nữ Việt lại bị bôi nhọ khi bị rao bán với giá 9.998 nhân dân tệ (gần 35 triệu đồng)/cô dâu trên mạng mua sắm danh tiếng Taobao.com, nhân ngày lễ độc thân 11.11.
Mẩu rao bán cô dâu Việt với giá 15.000 tệ trên Taobao.com - Ảnh: chụp màn hình |
Câu like quảng cáo mất nhân tính
“Cơn sốt mua sắm vợ Việt Nam nhân ngày Song thập nhất nào. Chỉ cần 9.998 tệ, có ngay một cô vợ xinh đẹp” là nội dung quảng cáo được đưa lên mạng Taobao lúc 16 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 11.11, thu hút rất đông đảo cư dân mạng Trung Quốc (TQ) bình phẩm và đặt hàng, theo tờ South China Morning Post.
Để thêm phần ăn khách, mẫu quảng cáo này còn đăng cả hình ngôi sao danh tiếng đại lục Chương Tử Di, cùng nội dung khẳng định 98 “món hàng cô dâu” trên sẽ được chở từ tỉnh Vân Nam, TQ tới bất kỳ địa chỉ nào mà khách đặt mua ở nước này.
Theo thống kê của Taobao, cửa hàng đồ lưu niệm Vương Tiểu Tây - đơn vị phát đoạn quảng cáo trên - đã bán được 2.568 mặt hàng trong 30 ngày qua, trong đó phổ biến nhất là các đôi tất chỉ với giá 1,6 tệ/đôi (5.600 đồng/đôi). Tuy nhiên đoạn quảng cáo này cùng các cụm từ dính líu tới “cô dâu Việt Nam” hiện đều bị gỡ bỏ khỏi Taobao. Và tung tích của tiệm tinh phẩm Vương Tiểu Tây cũng tự khắc bốc hơi khỏi Taobao.
|
Trước ngày 11.11, một tiệm khác trên Taobao cũng đã đăng bán cô dâu Việt với giá 15.000 tệ (52,5 triệu), “giảm giá rất hời” so với giá gốc 28.888 tệ, với hiển thị 305 giao dịch thành công. Trong đó tiệm này còn cung cấp số đo 3 vòng cùng nhiều hình ảnh cô dâu Việt trong trang phục cưới truyền thống TQ, cũng như thông tin miễn phí vận chuyển các địa danh Hàng Châu, Tô Châu, Chiết Giang... nếu khách hàng chuyển khoản thanh toán trước khi nhận hàng. Chiêu trò này đã nhận được không ít bình phẩm gây tranh cãi trên các diễn đàn nước này như: “Taobao thật vạn năng quá, ngay cả cô dâu cũng có thể mua được. Đàn ông độc thân mau đi đổi đời thôi!”, “Ngoại ngữ không thông có thể ở cùng nhau được không nhỉ? Có phải đi học tiếng Việt trước không?”, “Đây có phải là mua bán phi pháp không?”, “Nếu mua về mà cô dâu chạy mất thì phải làm sao? Bắt Taobao đền trả lại tiền được không?”...
Đây không phải là lần đầu các cô dâu Việt bị oan ức trở thành món hàng bất đắc dĩ trong chiêu trò thu hút mua sắm của Taobao cũng như các mạng mua sắm khác của TQ hằng năm.
Nguyên do là các đơn vị thuê gian hàng trên Taobao thường lợi dụng các đợt khuyến mãi khủng nhân các ngày lễ lạt mua sắm lớn nhất trong năm, đặc biệt là Ngày Độc thân (11.11) để “câu like” và hút người mua.
Cần kêu gọi sự cảnh tỉnh của cộng đồng
Hằng năm tại TQ cứ trước Ngày Độc thân ít nhất 1 tuần, các sản phẩm trên các trang bán hàng trực tuyến, đặc biệt trên Taobao đều giảm giá cực mạnh với nhiều chiêu khuyến mãi không giống ai. Nhân dịp mua sắm trong ngày này năm 2013, mạng xã hội Tencent từng quảng cáo bán điện thoại tặng cô dâu Việt giá 0 đồng và bị không ít cư dân mạng TQ chê cười.
|
Cũng năm 2013, trang bán hàng trực tuyến 55tuan.com tung ra hạng mục mua theo nhóm “miễn phí sang Việt Nam tìm tình yêu thực sự” với hình thức bốc thăm trúng thưởng miễn phí. Theo nội dung quảng cáo, khách hàng nào trúng thưởng sẽ có cơ hội được sang Việt Nam tìm vợ với chi phí trọn gói lượt đi lượt về hết 20.000 tệ (khoảng 70 triệu đồng). Sau khi kết hôn với cô dâu Việt, khách sẽ được nhận giấy hôn thú nước ngoài. Trang này còn ra sức quảng cáo: “Các cô dâu Việt đều biết tiếng Trung đơn giản, rất trung thành với chồng và gia đình chồng. Lấy vợ Việt chi phí thấp. Cô dâu Việt không đòi hỏi nhà cửa xe cộ, chỉ cần làm vài mâm ở Việt Nam là lấy được vợ...” khiến không ít nam độc thân bị mắc lừa.
Đã đến lúc cần kêu gọi sự cảnh tỉnh của cộng đồng để không bị rơi vào chiêu mỹ nhân kế bất lương trên các mạng xã hội và trang ảo, cũng như chiêu trò mất nhân tính sử dụng hình ảnh cô dâu Việt như một món quà khuyến mãi.
Bình luận (0)