Khác với một số người chỉ cần học để vượt qua rào cản ngôn ngữ, không ít cô dâu Việt lại chọn con đường học hành để nâng cao trình độ, khẳng định vị trí xã hội và tìm công việc tốt hơn.
Học từ thực tế cuộc sống
Từ lúc không biết một chữ cắn đôi, cô dâu Đào Duyên Hải (32 tuổi), người Hà Nội, dần dà học tiếng, trải qua vô số nghề để sinh sống. Được chứng kiến cảnh ngộ không may mắn của nhiều cô dâu Việt khác, Hải lại càng quyết tâm làm việc và khẳng định vị trí xã hội với mong muốn giúp đỡ được nhiều cô dâu Việt đồng cảnh ngộ. Cô được coi như thủ lĩnh tinh thần của các cô dâu Việt ở Vùng đô thị mới Đài Bắc (New Taipei City). Giờ đây, cô rất tự tin khi làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu sản phẩm may mặc và tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện. “Em thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hẳn vì được thử sức với rất nhiều việc, học được rất nhiều kinh nghiệm sống. Từ đó, ngôn ngữ của em cũng giỏi hơn, thấu hiểu dần phong tục tập quán và lối sống, sinh hoạt của người dân xứ Đài”.
|
Nhìn Hải hoạt bát tự tin đi lại trên đường phố Đài Bắc, di chuyển thành thạo bằng các phương tiện công cộng và giúp đỡ được nhiều người khác, ít ai biết rằng cô đã phải tự vượt qua những ngày tháng khó khăn nhường nào khi sống cảnh góa chồng, một mình trên đất khách. Sức chịu đựng và ý chí vươn lên của cô đã chinh phục cả gia đình bên chồng. Sau 6 năm ở lại làm dâu, hết lòng chăm sóc bố chồng bị trúng phong nằm liệt một chỗ, anh trai cả nhà chồng đã động viên cô nên đi thêm bước nữa. “Hãy coi gia đình này như gia đình mẹ đẻ của mình. Em hãy tìm một người đàn ông khác để nương tựa. Đừng ngại điều tiếng gì. Mọi người trong nhà đều rất thông cảm với em”, anh chồng nói.
Hải khoe hai chiếc túi hoa rất đẹp mà cô phải làm từ tối đến 3 giờ sáng để kịp đi tặng lãnh đạo Đài Loan. Thoạt đầu, cô học nghề thủ công này chỉ để cho vui và giết thời gian, nhưng nhờ khéo tay, sáng ý và tiếp thu nhanh, Hải mau chóng làm ra được nhiều sản phẩm thủ công tỉ mỉ và sắc sảo như dây tết thủy tinh đeo chìa khóa hoặc vật trang trí kết đá, kết cườm, giỏ đi làm, đi chợ, giỏ đựng cơm trưa... Với chứng chỉ nghề thủ công, giờ đây Hải đã đứng lớp dạy lại nghề cho các cô dâu Việt khác. Cô còn nhận một số đơn hàng thủ công mỹ nghệ về cho lớp để tăng thêm thu nhập cho các cô dâu hoặc làm hàng bán quyên góp từ thiện.
Miệt mài đèn sách
Không ít cô dâu khác như Phạm Thu Trang (32 tuổi, người Đồng Tháp), Hứa Thanh Hân (35 tuổi, người Bạc Liêu)... lại tìm đến con đường học tập như một cứu cánh trong cuộc đời. Được chồng là Trương Kim Tài làm nghề lái taxi hết lòng ủng hộ, sau khi vừa sinh con được 2 tháng, Trang đã liên tiếp học từ tiểu học, tới nay đã là lớp 10. Đây là một nỗ lực rất lớn mà không phải cô dâu nào cũng học được vì còn bận sinh con, chăm sóc gia đình và lo kiếm sống. “Mình có 2 con nhỏ, không hướng dẫn con cái bài vở được thì buồn lắm. Vì vậy cũng phải gắng học, vừa để mình có cơ sở tìm được công việc tốt, ổn định sau này, vừa biết kiến thức cơ bản để kèm cặp con cái”, cô nói. Tuy nhiên, để theo học được các lớp học buổi tối từ 18 - 20 giờ liên tục từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, cô phải tranh thủ làm xong mọi việc nhà, vừa phải chăm sóc má chồng đang bệnh. Trang hồ hởi cho biết học tiểu học không mất tiền, học phí trung học cơ sở khoảng 2.500 Đài tệ/học kỳ (nay được chính phủ Đài Loan ưu đãi, hạ xuống chỉ còn 1.000 Đài tệ/học kỳ), học phí trung học phổ thông khoảng 7.000 Đài tệ/học kỳ. Mỗi lớp học buổi tối có 30 học sinh, trong đó chỉ có 5 cô dâu Việt, còn lại đều là người bản xứ, nhưng phần lớn người Việt đều học hết tiểu học, đủ biết nói chuyện và võ vẽ dăm chữ là bỏ, không học lên tiếp, phần vì khó, không đủ kiên nhẫn, phần vì bận mưu sinh.
Không chỉ dừng ở việc học kiến thức cơ bản, nhiều cô dâu Việt còn chịu khó tham gia rất nhiều khóa học dạy nghề như thủ công, đan lát, may vá, vi tính, nấu ăn, tìm hiểu về luật pháp Đài Loan... Bản thân Trang cũng rất tích cực tham gia nhiều khóa học này và được nhận rất nhiều văn bằng chứng chỉ. “Em học nhiều lớp quá khiến chồng em có lúc cũng sợ vợ học nhiều quá sẽ bị khùng. Nhưng em cứ nghĩ học được nhiều càng tốt, có nhiều kiến thức, nhiều văn bằng, càng dễ xin việc tốt sau này. Vả lại không phải ai cũng được chồng tạo điều kiện cho ăn học như vậy, tội gì mà không học”, Trang thổ lộ. Tới nay, với vốn kiến thức và ngôn ngữ có được, Trang đang làm Đội trưởng Đội tình nguyện khu Tam Hiệp trực thuộc Hiệp hội Giáo dục tình nguyện gia đình Vùng đô thị mới Đài Bắc. Ngoài các hoạt động xã hội giúp ích cho các cô dâu Việt, cô còn nhận phiên dịch thêm...
Tạo điều kiện cho vợ ăn học Hỏi chuyện anh Trương Kim Tài, chồng chị Trang, anh vui vẻ tâm sự: “Tôi hơn Trang 18 tuổi, lấy nhau qua công ty môi giới hôn nhân. Tôi cũng biết vì cuộc sống gia đình cô ấy rất khó khăn, cô ấy mới chịu lấy chồng xa và già như tôi. Vì vậy tôi rất trân trọng cô ấy và luôn tạo điều kiện để vợ được ăn học, nhanh chóng và tự tin hòa nhập vào xã hội Đài Loan”.
|
Nguyễn Lệ Chi
Bình luận (0)