Nỗ lực này của Trafuco đã được ghi nhận bằng giải thưởng “Thương hiệu nổi tiếng ASEAN” được trao tại thủ đô Viêng Chăn vào trung tuần tháng 8.2013.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc mở rộng kinh doanh tại Lào có những thuận lợi lớn. Việt Nam - Lào đã có truyền thống quan hệ đặc biệt từ lâu và mối quan hệ đó được nhận định là “tài sản vô giá” của hai dân tộc. Về địa lý, Lào và Việt Nam nằm tiếp giáp nhau nên rất thuận tiện cho việc giao dịch, đi lại. Trong những năm qua, tăng trưởng GDP của Lào luôn đạt được tốc độ cao, khoảng 6,8%/năm.
Đó cũng là một trong những lý do khiến Cơ điện Trần Phú quyết định mở rộng thị trường sang đất nước triệu voi. Ông Nguyễn Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc mở rộng phạm vi hoạt động, nhất là ra các thị trường nước ngoài đặc biệt quan trọng. Hiện nay, thị trường Lào có thể nói, vẫn đang là một thị trường không lớn, nhưng chúng tôi đánh giá đây là một thị trường đầy tiềm năng. Bởi Lào có những ưu thế rất lớn trong việc phát triển thủy điện, và đang là một nước xuất khẩu điện trong khu vực.
Trong thời gian tới, theo tôi đánh giá, nhu cầu về các loại dây và cáp điện tại Lào sẽ tăng lên nhanh chóng. Chính vì thế, Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú chúng tôi đã và đang từng bước xây dựng và quảng bá rộng rãi thương hiệu Cáp điện Trần Phú tại Lào cùng các đối tác. Chiến lược này sẽ giúp chúng tôi ổn định được sản xuất khi tình hình kinh tế chưa thật sự khởi sắc tại Việt Nam cũng như chuẩn bị cho những bước phát triển, mở rộng thương hiệu sang các nước trong khu vực của Trần Phú trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, việc quyết định mở rộng kinh doanh sang thị trường Lào không phải bây giờ mới được Trần Phú triển khai. Ngay từ đầu những năm 2000, công ty đã hợp tác, chuyển giao công nghệ cho đối tác tại Lào để hoàn thành dây chuyền sản xuất dây cáp điện tại đây và sau đó là cung cấp dây và cáp điện bán thành phẩm cho thị trường này. Tính đến nay, Trần Phú đã xuất khẩu sang Lào khoảng 3.500 tấn cáp đồng - nhôm, đạt kim ngạch hơn 10 triệu USD.
Giám đốc Công ty dây cáp điện Watana, Viêng Chăn, Lào cho biết: “Tại thị trường Lào có rất nhiều nhà cung cấp nguyên liệu đồng và nhôm cho việc sản xuất dây điện đến từ Việt Nam, Thái Lan hay Myanma. Watana là doanh nghiệp duy nhất tại Lào sản xuất dây cáp điện với công suất mỗi năm hơn 500.000 tấn và chúng tôi đặt ưu tiên về chất lượng nguyên liệu lên hàng đầu. Chính vì vậy, trong gần 10 năm trở lại đây, Trần Phú luôn là đối tác duy nhất đảm bảo được chất lượng và được chúng tôi tin cậy nhập khẩu dây và cáp điện bán thành phẩm để phục vụ sản xuất”.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2013 kim ngạch xuất khẩu dây cáp điện của Việt Nam sang Lào đã đạt gần 15 triệu USD, tăng 311% so với cùng kỳ năm ngoái. Với 14 dự án thủy điện của Việt Nam đã được cấp phép đầu tư tại Lào tính đến thời điểm này, trong những năm tới, nhu cầu về mặt hàng dây và cáp điện tại Lào được dự đoán sẽ tăng cao. Chiến lược đầu tư sang Lào đang là một hướng đi đúng của Trần Phú nhằm vươn tới các thị trường lớn hơn như Thái Lan, Myanma...
Thành Công
Nguồn: Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú
Bình luận (0)