Thậm chí lan hồ điệp, vốn là thế mạnh của thủ phủ hoa Đà Lạt, trong lúc các nhà vườn đang than ngắn thở dài vì sức mua giảm mạnh thì số lượng hoa xuất xứ từ Trung Quốc còn nhiều hơn cả số lượng nhà vườn VN chuẩn bị cho tết này. Vậy thị trường nội địa có thể là nơi giải cứu cho hàng vạn tấn nông sản đang đợi chờ vô vọng ở các cửa khẩu biên giới phía bắc?
Câu hỏi này đã nhiều lần được đặt ra, không chỉ trong lần ùn ứ hiện nay mà từ nhiều năm trước mỗi khi thị trường Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung có biến động. Đáp án lần nào cũng giống nhau, thị trường nội địa hoàn toàn có thể là “điểm tựa” cho sản xuất trong nước ở cả những tình thế cấp bách và trong dài hạn. Thực tế trong quá khứ, “sân nhà” đã nhiều lần trở thành nơi giải cứu cho không ít lĩnh vực ngành hàng khi thị trường ngoài kia nổi sóng. Mới đầu năm ngoái khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều nước, phong trào “Yêu VN, du lịch VN”, “Người VN đi du lịch VN”... đã giúp hàng loạt điểm đến, hệ thống lưu trú, hàng không... phục hồi dù không có khách quốc tế. Hay giữa năm nay, nhiều công ty xuất khẩu thủy hải sản cũng thành công quay về “ao nhà” khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Hàng thập niên qua, thị trường bán lẻ VN luôn được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu thế giới. Năm nay cũng không ngoại lệ, theo các tổ chức UNIDO, WB, INCENTRA, UN CONTRADE và EU-Vietnam Business Network (EVBN), VN thuộc nhóm 30 quốc gia có tầng lớp tiêu dùng trung lưu lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN và trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Nói thế để thấy, thị trường tiêu dùng trong nước thực sự là mảnh đất hết sức màu mỡ. Chẳng thế mà hàng chục năm trước khi chúng ta thua hàng Trung Quốc giá rẻ nói riêng và hàng ngoại nhập nói chung ngay trên sân nhà, Bộ Chính trị đã triển khai chương trình “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” kéo dài đến hiện nay nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước. Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư) năm 2019 cho thấy, có 67% số người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Tác động của dịch Covid-19 càng làm xu hướng này gia tăng khi có đến 76% số người tiêu dùng VN chuộng hàng trong nước, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Nói như vậy không có nghĩa là ta đóng cửa tự sản tự tiêu. Mở cửa hội nhập để hàng hóa VN có thể bán sang các nước và ngược lại, người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều lựa chọn. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa từ chất lượng, giá cả, dịch vụ hậu mãi... Nhưng muốn vững tay chèo ra biển lớn thì trước hết phải vững chãi ở sân nhà. Đặc biệt trong đại dịch, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì sân nhà càng trở nên quan trọng với doanh nghiệp. Tiếc rằng, không ít doanh nghiệp trong nước vẫn chọn cách dễ nhất, gom mua nông sản đổ bán biên mậu bất chấp những khuyến cáo rủi ro; rất nhiều doanh nghiệp lớn cũng say sưa với xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa.
Với quy mô, sức mua và cả niềm tin của người tiêu dùng như nói trên, liệu “cỏ đồng bên có xanh hơn” hay ta vẫn đang tự làm khó mình khi cứ tiếp tục đi trên một lối mòn trong khi thế giới đã thay đổi?
Bình luận (0)