Nạn nhân hay đồng phạm?

Quý Hiên
Quý Hiên
25/12/2021 06:25 GMT+7

Ngày 24.12, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với 10 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Đông Đô về tội “giả mạo trong công tác”.

Án tuyên của tòa là cái giá phải trả cho hành vi phạm tội của các bị cáo. Có hàng trăm người khác tuy không là bị cáo và không bị tuyên án nhưng vẫn chịu lời chỉ trích nặng nề của dư luận xã hội, đó là những người mua bằng.

Cụ thể, họ gồm 431 người đã được xác định họ tên, phần lớn là những người có nhu cầu lấy bằng nhanh để hoàn thiện đầu vào, đầu ra nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi công chức, thi nâng ngạch. Trong đó, 210 trường hợp đã được kiến nghị xử lý. Cơ quan công an cũng có văn bản kiến nghị xử lý đối với số công chức, đảng viên dùng bằng giả nói trên. Nhiều cơ sở đào tạo đã hủy kết quả hoặc không công nhận kết quả tuyển sinh với nghiên cứu sinh dùng bằng giả. Có người học xong thạc sĩ thì bị thu hồi bằng. Công chức thì bị miễn nhiệm chức vụ, hoặc bị xem xét kỷ luật… nhưng chưa một ai bị xử phạt. Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn về pháp luật, người mua bằng ngoài việc bị thu hồi bằng còn có thể bị xem xét xử lý hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong dư luận hiện nay vẫn có một số người cho rằng nhiều người mua bằng chỉ là nạn nhân bởi họ không biết Trường ĐH Đông Đô bán bằng giả, do đó thu hồi bằng là hình thức xử lý thỏa đáng. Tuy nhiên, đây là một lập luận khó chấp nhận. Theo quy định, để được đào tạo và cấp văn bằng 2, người học sẽ phải thi đầu vào, học đủ 71 tín chỉ, phải thi tốt nghiệp để được cấp bằng. Nhưng những người này không thi đầu vào, không học, mà chỉ chép bài thi (theo đề thi và đáp án trường phát cho) nộp cho trường để có điểm, nhằm hợp thức hóa việc được cấp bằng. Cá biệt, có trường hợp chẳng hề phải làm gì ngoài chuyện nộp hồ sơ và đóng tiền nhưng vẫn được cấp bằng. Như vậy, khi được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng, những người này hiển nhiên phải nhận thức được việc mình đã tham gia thực hiện hành vi gian lận để có bằng.

Quan điểm người mua bằng là nạn nhân cho thấy một thực trạng nhức nhối trong GD-ĐT bấy lâu nay, đó là nhiều người sẵn sàng thỏa hiệp với sự gian lận trong học hành, thi cử. Trong khi đó, các cơ quan hoạch định chính sách lại ban hành nhiều quy định có tính hình thức, lấy tiêu chí đơn giản là bằng cấp để làm thang đo, nhưng thiếu công cụ đảm bảo và giám sát chất lượng đào tạo, thiếu cả chế tài đủ mạnh nhằm chấm dứt tình trạng dạy học chỉ để có bằng.

Nếu vẫn còn cho rằng người mua bằng là nạn nhân nghĩa là vẫn thông cảm, chấp nhận và dung túng cho nhu cầu “mua bằng”, thì e rằng những vụ việc như đã xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô sẽ tiếp tục tái diễn. Bởi một khi trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm “mua bằng” là bình thường thì vẫn sẽ có nhiều kẻ sẵn sàng “cung ứng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.