Cổ đông lớn thay đổi diện mạo ngân hàng

04/11/2024 14:13 GMT+7

Xuyên suốt lịch sử của ngành ngân hàng Việt Nam, có thể thấy một quy luật tất yếu, mỗi ngân hàng muốn thực sự lột xác trở nên lớn mạnh và phát triển bền vững đều trải qua những quyết định mang tính bước ngoặt. Để có được điều đó, không thể thiếu vắng bóng dáng của cổ đông lớn.

Tăng vốn điều lệ, cải thiện hệ số CAR

Từ năm 2003 đến 2008, nhiều ngân hàng nông thôn với vốn điều lệ từ 150 - 500 tỉ đồng đã chuyển mình thành ngân hàng đô thị. Họ đã mở rộng địa bàn hoạt động và tăng cường thị phần, thu hút sự chú ý của cổ đông lớn. Đây là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự thay đổi của hệ thống ngân hàng với chỉ số CAR được cải thiện, vốn điều lệ tăng mạnh. Sự phát triển này đem lại nhiều cơ hội mới cho thị trường tài chính.

Trong số những ngân hàng đó, phải kể đến những điển hình thành công như Ngân hàng nông thôn Nhơn Ái chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sau khi nhóm cổ đông T&T Group tham gia vào HĐQT; Ngân hàng nông thôn An Bình chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) sau khi nhóm cổ đông Gleximco tham gia vào HĐQT; Ngân hàng nông thôn Đà Nẵng chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) sau khi nhóm cổ đông Việt Phương Group tham gia HĐQT; hay Ngân hàng nông thôn Sông Kiên chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Nam Việt, rồi sau này là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) sau khi có sự xuất hiện của cổ đông lớn.

Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định mức vốn pháp định của một ngân hàng thương mại là 3.000 tỉ đồng. Quy định này buộc các ngân hàng thương mại phải tìm mọi cách để tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng quy định, trong đó phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư lớn gần như là lựa chọn bắt buộc.

Cổ đông lớn thay đổi diện mạo ngân hàng- Ảnh 1.

Cổ đông lớn đóng vai trò quan trọng trong cải thiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng

ẢNH: TN

Các ngân hàng cũng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao vốn tự có, từ đó cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) để có thể mở rộng phát triển kinh doanh.

Thống kê tại thời điểm giữa năm 2017 cho thấy, toàn hệ thống có 4 ngân hàng đạt mức vốn điều lệ trên 20.000 tỉ đồng, 9 ngân hàng có vốn điều lệ từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng, 12 ngân hàng có vốn điều lệ từ 5.000 - 10.000 tỉ đồng và 10 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có trên 20 ngân hàng đạt quy mô vốn điều lệ trên 10.000 tỉ đồng, trong đó có 5 ngân hàng có vốn điều lệ trên 50.000 tỉ đồng và 10 ngân hàng có vốn điều lệ trên 20.000 tỉ đồng.

Việc một ngân hàng có cổ đông lớn tham gia quản trị ngân hàng đã giúp cho các ngân hàng có những bước tiến rõ rệt trong quản trị cũng như mở rộng thị phần. Ngoài 3 ngân hàng quốc doanh (VietinBank, BIDV, Vietcombank) và VPBank có cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài, có thể kể đến một số ngân hàng cũng đã rất thành công khi có sự đầu tư của cổ đông lớn trong nước, điển hình TPBank sau khi có cổ đông lớn là Tập đoàn DOJI.

Hay như NCB, kể từ khi có cổ đông lớn, nhà băng này đã đẩy mạnh tái cơ cấu và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và giải pháp công nghệ với các dự án chuyển đổi số có tính phức tạp cao. Qua đó, NCB đang từng bước mang lại cho khách hàng và nhà đầu tư một phiên bản hoàn toàn mới song song với việc quyết liệt thực hiện giải pháp tổng thể phương án cơ cấu lại.

Cổ đông lớn thay đổi diện mạo ngân hàng- Ảnh 2.

Lợi nhuận nhiều ngân hàng quý 3/2024 vẫn trên đà tăng trưởng

ẢNH: SHB

Mở rộng thị phần, kinh doanh hiệu quả

Những ví dụ trên cho thấy, mỗi ngân hàng sau một giai đoạn nhất định đều cần có một cú hích lớn để phát triển. Điều quan trọng là HĐQT có được sự thống nhất cao về tầm nhìn chiến lược, vì mục tiêu ổn định lâu dài, bền vững.

Đơn cử như tại Eximbank, nhà băng này cũng đang được kỳ vọng vào một sự lột xác toàn diện sau khi Tập đoàn Gelex trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ 10% cổ phần. Khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Eximbank cũng đang kỳ vọng nhà băng này sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim sau thời gian dài thượng tầng chưa thể tìm được tiếng nói chung cho tương lai của ngân hàng.

Eximbank từng là "một thế lực lớn" trong ngành cách đây khoảng 10 năm. Thậm chí năm 2011 nhà băng này xếp thứ tư toàn ngành về lợi nhuận, chỉ sau VietinBank, Vietcombank, và BIDV. Tuy nhiên, những năm sau đó Eximbank thường chỉ được nhắc đến nhiều với những câu chuyện "lục đục" của các cổ đông.

Kể từ năm 2024, Eximbank đã bắt đầu có những sự thay đổi, bắt đầu từ việc đầu tư vào công nghệ và tư duy mới về tiếp cận khách hàng và thị trường. Eximbank tuyên bố đang tăng tốc để trở thành "Ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam dẫn dắt bởi tính chuyên nghiệp và liêm chính". Sự hiện diện của các cổ đông lớn giúp kết quả kinh doanh của ngân hàng cải thiện rõ rệt, báo cáo quý 3/2024 của Eximbank cho thấy, lợi nhuận trước thuế của EIB đạt 904 tỉ đồng, tăng 11% so với quý 2 và tăng gần gấp 2 lần (hơn 597 tỉ đồng) so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ an toàn vốn CAR luôn ở ngưỡng 12 - 14% (cao hơn so với ngưỡng 8%, theo quy định Ngân hàng Nhà nước).

Tại TPBank, lợi nhuận 3 quý của ngân hàng này cũng đạt hơn 5.460 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 30.9, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III (chuẩn mực quản trị rủi ro chặt chẽ và toàn diện nhất trong ngành ngân hàng hiện nay) của TPBank là 13%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu của Basel III (10,5%).

Sau 9 tháng 2024, lợi nhuận trước thuế lũy kế của SHB đạt 9.048 tỉ đồng, thực hiện 80% kế hoạch năm 2024. Hệ số CAR của SHB trên 11,8%, cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn và duy trì sự ổn định bền vững cho hoạt động của ngành ngân hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.