Có dòng suối nhỏ êm đềm nên thơ...

15/01/2017 04:00 GMT+7

1 Cho đến khi ngồi lên chiếc xe buýt số 8 từ Thủ Dầu Một đi Thanh Tuyền, tôi vẫn chưa hình dung Thanh Tuyền nằm ở đâu trên bản đồ tỉnh Bình Dương.

Chả là một hôm đi công việc ở Bến Cát, tôi thấy tuyến xe buýt này và từ đó cứ tơ tưởng mãi về nó, một địa danh trùng với tên mình, mà gần 60 năm cuộc đời chưa bao giờ tôi nghĩ có một địa danh như vậy!
Tôi bắt chuyện với tài xế, rằng Thanh Tuyền có lâu chưa? “Lâu lắm rồi chị ơi, có thơ luôn mà”. Xong, anh ta đọc một lèo bài thơ dài lắm mà tôi chỉ thuộc vội ba câu:
“Quê tôi ở xã Thanh Tuyền
Có dòng suối nhỏ dịu hiền nên thơ
Có sông nước chảy lững lờ... ”
Quả thật thú vị và tôi thấy như mình may mắn gặp hên vậy! Anh tài xế còn nói thêm rằng nơi đây có một dòng suối nhỏ rất đẹp, hai bên bờ toàn cây ăn trái, đặc biệt măng cụt ở Thanh Tuyền ngon nhất Bình Dương, hơn Lái Thiêu nhiều vì trái không bị sượng.
2 Nhìn trên bản đồ, con sông Sài Gòn ôm gần một nửa địa phận xã Thanh Tuyền thuộc H.Dầu Tiếng. Hôm ấy, tôi có bạn đến chở ra một quán bên bờ sông. Từ chỗ tôi ngồi nhìn xa xa thấy cái chóp đền Bến Dược, Củ Chi. Bạn tôi nói rằng, do vị trí địa lý gần hồ Dầu Tiếng nên nơi đây khí hậu mát mẻ hơn nhiều nơi khác của Bình Dương, cây cối phát triển tốt nhờ sự bồi đắp phù sa của dòng sông và ít bị lũ lụt hay ngập úng. Phía trong là rừng cao su. Song song với đường bộ, Thanh Tuyền còn có tuyến đường thủy tạo thuận lợi về giao thông và du lịch đường sông. Thời xưa có hai bến đò đối xứng để qua sông Sài Gòn là Bến Súc và Bến Dược.
Hôm đó, tôi có check-in và post mấy bức ảnh tôi chụp ở Thanh Tuyền lên Facebook. Có một người vào bình luận khá... dễ thương, như chìa khóa mở câu chuyện về cái tên: “Trước năm 1945 Thanh Tuyền là một làng nhỏ ven sông sung túc, trù mật với phố chợ, nhà việc, trường học, những đồn điền cao su cùng thời với hãng Michelin. Đây là quê ngoại tôi. Má tôi vẫn còn giữ bằng khoán điền thổ tại tòa Thudaumot ngày 26.3.1875 khi đó được khai là Bình An Huyện - Tổng Bình Thành Thượng - Thanh Trì Thôn. Má tôi sinh năm 1937, khai sanh được lập cùng ngày, sanh tại Thanh Tuyền - Thudaumot. Vậy có thể suy đoán làng Thanh Tuyền đã được xác nhận là đơn vị hành chánh sau năm 1875 và trước năm 1937”. Người ấy kèm theo hai hình chụp, một bản chữ Nho bằng khoán điền thổ và một Bản trích - Lục bộ Khai - sanh có ghi làng Thanh Tuyền, tỉnh Thủ Dầu Một, số hiệu 96 ngày 14 tháng 6 năm 1937 với tên, họ “đứa con nít” là Trần Kim Giao, gái, sanh tại Thanh Tuyền.
Sau những biến động thời cuộc, biết bao nhiêu văn bản, thư tịch mất mát, thất lạc khiến người đương thời đôi khi bị mù mờ, phân vân. Nhờ những kết nối qua màn hình máy tính mà kẻ hậu sinh là tôi được hiểu thêm đôi chút. Cuộc sống luôn có những điều quá thú vị, phải không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.