Có được mời thừa phát lại lập vi bằng, khi làm việc với cơ quan nhà nước?

Ngân Nga
Ngân Nga
14/08/2023 04:26 GMT+7

Người dân không được mời thừa phát lại lập vi bằng, chứng kiến khi đang làm việc với cơ quan nhà nước, nhưng có thể quay phim, chụp ảnh lại rồi yêu cầu lập vi bằng.

Nhà tôi bị nhà hàng xóm lấn chiếm hơn 50 m2 đất từ nhiều năm nay, nên hai bên thường xảy ra căng thẳng. Tôi khiếu nại ra ủy ban yêu cầu xác định lại ranh đất cho nhà tôi, để tôi xây tường rào. Tuy nhiên, bên lấn chiếm đất nhiều lần gây gổ với gia đình tôi và không hợp tác với cơ quan chức năng khi họ xuống làm việc.

Sắp tới cán bộ địa chính sẽ xuống đo đạc, để phòng hờ nếu nhà hàng xóm manh động, tôi có thể mời thừa phát lại đến lập vi bằng chứng kiến toàn bộ buổi làm việc được không? Ngoài ra tôi cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Bạn đọc Vũ Kim.

Chuyên gia tư vấn

Có được mời thừa phát lại lập vi bằng, khi làm việc với cơ quan nhà nước? - Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Thúy Hằng (phải), người dân không được mời thừa phát lại đến lập vi bằng khi đang làm việc với cơ quan nhà nước

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Hằng Nguyễn (Tây Ninh), tư vấn:

Tại khoản 3 điều 36 Nghị định 08 năm 2020 của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại) quy định: "Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật".

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định 08.

Các trường hợp không được lập vi bằng: Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ... (khoản 7 điều 37 Nghị định 08).

"Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì bạn không thể mời thừa phát lại đến lập vi bằng chứng kiến khi cơ quan chức năng xuống làm việc", bà Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, trường hợp hàng xóm liền kề chống đối việc đo đạc thì cán bộ địa chính lập biên bản, có người chứng kiến xác nhận để cơ quan có thẩm quyền can thiệp kịp thời và xử lý theo quy định.

Ngoài ra, trong quá trình đo đạc, nếu chủ nhà đất liền kề có thái độ tấn công, chửi bới nhằm xúc phạm danh dự hay làm nhục, vu khống bạn thì bạn có thể dùng thiết bị điện tử ghi hình có âm thanh (điện thoại di dộng, máy ghi hình…) quay clip lại.

Sau đó, bạn có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận nội dung clip đang tồn tại trong điện thoại của bạn, bằng cách trích xuất dữ liệu là đoạn clip mà bạn đã quay được. 

Từ đó, bạn có thể dùng vi bằng này nhằm mục đích cung cấp chứng cứ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu xử lý hành vi vi phạm (khoản 2 và khoản 3 điều 95 bộ luật tố tụng Dân sự).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.