Mukherjee cố vượt qua nghịch cảnh, tham gia chương trình truyền hình được nhiều người xem nhất Ấn Độ Kaun Banega Crorepati, một phiên bản của game show Ai là triệu phú?, và trở thành một triệu phú, theo AFP.
“Nếu ai đó có thể nhìn chằm chằm vào một cô gái đẹp, thì họ cũng có thể nhìn vào khuôn bị biến dạng do axít của tôi”, Mukherjee cho AFP biết từ quê hương của cô, thủ đô New Delhi.
“Những nạn nhân bị tạt axít có thể uống thuốc độc tử tự, nhưng tôi quyết tâm đứng lên gào thét và đấu tranh chống lại bạo lực”, Mukherjee nói.
Chín năm trước, Mukherjee là nữ sinh viên đầy triển vọng tại một trường đại học ở thành phố Dhanbad (Ấn Độ).
Nhiều nam sinh viên yêu mến muốn ngỏ lời cưới hoặc làm bạn trai của cô, nhưng Mukherjee đã từ chối để chuyên tâm vào chuyện học hành.
Hậu quả là, ba nam sinh viên cùng lớp đã đột nhập vào nhà Mukherjee lúc cô đang ngủ, tạt axít vào mặt cô. “Bọn họ không thể chấp nhận sự từ chối của tôi nên đã quyết định trả thù”, Mukherjee nói.
Dù đã trải qua 22 ca phẫu thuật, nhưng khuôn mặt của Mukherjee vẫn bị biến dạng và mù hoàn toàn do axít hủy hoại đôi mắt.
Cả ba nghi phạm đều bị bắt và ngồi tù vài tháng rồi được bảo lãnh tại ngoại, mức phạt đối với tội phạm tạt axít ở Ấn Độ được cho là quá nhẹ, theo AFP.
Theo Tổ chức vì nạn nhân bị tạt axít quốc tế có trụ sở ở London (Anh), mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 1.500 vụ tấn công bằng axít.
Nhưng ngày càng nhiều nạn nhân bị tạt axít tuyệt vọng, không dám báo cáo vụ việc cho chính quyền, và im lặng chịu đựng nỗi đau của mình.
Mukherjee cho biết gia đình đã phải bán căn nhà hai tầng, một miếng đất, và nhiều vàng để chạy chữa thuốc men, phẫu thuật cho cô.
Trong một lá thư xin hỗ trợ tài chính gửi chính phủ Ấn Độ, Mukherjee từng viết rằng cô muốn tự sát còn hơn sống trong đau đớn mỗi ngày.
Mặc dù rất tuyệt vọng, nhưng cuối cùng Mukherjee đã đăng ký tham dự Kaun Banega Crorepati, cuộc thi này từng được tái hiện trong phim Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột).
Xuất hiện trên game show Kaun Banega Crorepati hồi tháng rồi, Mukherjee trả lời đúng tất cả 10 câu hỏi, được nhận giải thưởng 2,5 triệu rupee (45.000 USD).
Số tiền thưởng này sẽ được dùng để trang trải chi phí phẫu thuật và thuốc men trong năm tới cho Mukherjee. Mukherjee cho biết cô rất hạnh phúc, nhưng số tiền thưởng này vẫn không đủ để cô trang trải thuốc men sau này.
“Tiền thưởng lớn nhưng tôi thật sự cần nhiều tiền hơn để điều trị”, AFP dẫn lời Mukherjee. Sự quyết tâm vượt lên chính mình của Mukherjee đã khiến cho nhiều khán giả xem chương trình phải bật khóc khi cô giành chiến thắng.
MC chương trình Kaun Banega Crorepati, huyền thoại Bollywood, ông Amitabh Bachchan cho rằng Mukherjee là một tấm gương sáng về ý chí không đầu hàng nghịch cảnh.
Theo AFP, Mukherjee đang thực hiện một chiến dịch vì những nạn nhân bị tạt axít, nhằm kêu gọi chính phủ Ấn Độ thay đổi luật hình sự, tăng cường hình phạt đối với tội phạm tạt axít.
Năm 2011, quốc gia láng giềng với Ấn Độ là Pakistan cũng đã tăng mức án đối với tội phạm tạt axít.
“Những kẻ tạt axít vào mặt tôi vẫn sống ung dung bên ngoài, nếu luật pháp nghiêm hơn thì bọn họ giờ đây phải đang ngồi tù”, Mukherjee nói.
Luật sư Aparna Bhatt (Ấn Độ), người đang đấu tranh cho một nạn nhân bị tạt axít khác, đã gửi đơn kiến nghị lên Tòa án tối cao Ấn Độ đề nghị chính phủ hỗ trợ thuốc men, điều trị miễn phí cho nạn nhân các vụ tạt axít.
Phúc Duy
>> Hai vợ chồng bị tạt axit ngay tại nhà
>> Người chồng tạt axít vợ ra đầu thú
>> Khởi tố vụ án chồng tạt axít vợ tàn nhẫn
>> Một phụ nữ Mỹ bị cha ruột tạt axít
>> Mặc quần jean sẽ bị tạt axít?
>> Tái tạo thành công mặt cho bệnh nhân bị tạt axít
>> Đang đi đường, bỗng dưng bị tạt axít
Bình luận (0)