Cô gái 'bẻ lái' từ cử nhân quản trị kinh doanh sang chế biến dược liệu

Vũ Thơ
Vũ Thơ
18/05/2022 07:01 GMT+7

Với mong muốn lan tỏa lối sống xanh , Nguyễn Thị Thùy Dung đã bỏ việc lương cao ở Hà Nội về quê khởi nghiệp và chế tạo ra những bánh xà bông từ lá cây.

Xà bông từ cỏ cây hoa lá

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ở Học viện Tài chính, cô gái Nguyễn Thị Thùy Dung (xã Xuân Hòa, H.Nam Đàn, Nghệ An) đã đi làm ở công ty nước ngoài với mức lương cao. Tuy nhiên, Dung đã quyết định về quê khởi nghiệp. Từ tình yêu với môi trường và khát vọng làm ra sản phẩm từ tài nguyên bản địa, Dung tìm tòi, nghiên cứu chế tạo ra xà bông từ lá cây.

“Bản thân mình xuất phát từ miền quê có nhiều bài thuốc bằng thảo dược. Ngay từ nhỏ, mình đã được tắm các loại lá cây được trồng quanh nhà nên rất thích. Đến khi ra thành phố, phải tắm bằng xà bông công nghiệp nên da mình thường xuyên bị mẩn ngứa, dị ứng. Trong khi đó, nhiều loại thảo dược ở địa phương thường bị nhổ bỏ vì không dùng hết. Từ đó, mình nghĩ tại sao không chế biến để người dùng tiện dụng hơn và lại có sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thân thiện với môi trường. Và các sản phẩm xà bông thảo dược được ra đời như thế”, Dung chia sẻ.

Nguyễn Thị Thùy Dung với những sản phẩm được chế biến từ lá cây

NVCC

Những bánh xà bông xinh xắn đủ các sắc màu được làm từ các loại thảo dược đã được ra mắt thị trường vào năm 2017 và được khách hàng hào hứng đón nhận. Xà bông thảo dược bao gồm các loại: xà bông mướp đắng, xà bông tía tô, xà bông sả nghệ, xà bông bồ kết, xà bông các loại cao lá cây… với mỗi loại một công dụng riêng biệt.

Dung cho biết xà bông thảo mộc có thành phần là các loại dầu thực vật nhiều dưỡng chất cho da như dầu dừa, dầu ô liu, các loại tinh chất, tinh dầu thảo mộc làm thủ công. Xà bông thiên nhiên không chứa chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi mà thường sử dụng màu từ hoa lá thảo mộc tự nhiên, hương thơm tinh dầu thuần khiết mang lại khả năng trị liệu thư giãn tốt cho cả tinh thần và thể chất.

Hành trình lan tỏa sống xanh

Kể về hành trình “bẻ lái” từ cử nhân ngành quản trị kinh doanh sang chế biến dược liệu, Dung cho biết: “Ban đầu mình chỉ học theo cách làm các sản phẩm handmade chiết xuất từ thiên nhiên trên mạng và học hỏi bạn bè để làm sản phẩm dùng cho gia đình và bản thân. Dần dần càng nghiên cứu càng ham và quyết định khởi nghiệp từ công việc này”.

Để làm ra sản phẩm, Dung đã đi rất nhiều nơi học hỏi và tìm các thành phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên để sản xuất. Mùi thơm cho xà bông được Dung đặt hàng từ một đơn vị ở Quảng Trị chuyên sản xuất dầu cọ, dầu dừa, tinh dầu sả, bạc hà nguyên chất thiên nhiên. Vì vậy, hương thơm của sản phẩm khi sử dụng được giữ rất lâu trên cơ thể và tạo cảm giác sảng khoái cho người dùng.

“Nếu là mùi thơm từ hương liệu công nghiệp sẽ bay mùi rất nhanh, nhưng hương thơm từ thảo mộc thuần khiết thì sẽ lưu lại rất lâu và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đó là một trong những sự khác biệt của sản phẩm”, Dung tự hào cho biết.

Những sản phẩm xà bông được chế biến từ lá cây

Để có được sản phẩm hoàn hảo, Dung cũng trải qua không ít thất bại, bởi cô chưa từng học về chế biến. Với kiến thức hóa học từ thời phổ thông, Dung đã mang ra làm thử các phản ứng kết tủa. Ban đầu xà bông cũng đóng thành bánh nhưng rất nhanh tan chảy. Qua vài lần thử nghiệm, Dung vẫn thất bại. Nhiều người can ngăn cô đừng “hão huyền” theo đuổi lĩnh vực mà mình không có chuyên môn, nhưng Dung vẫn không nản chí. Bằng quyết tâm của mình và sự tìm tòi học hỏi từ các chuyên gia công nghệ, năm 2017 sản phẩm nghiên cứu của Dung đã thành công.

Xà bông thảo dược đang bán chạy trên thị trường, vì nhiều người có nhu cầu mua dùng và làm quà tặng. Tuy nhiên, cô gái trẻ cũng cho biết mục tiêu của mình là muốn lan tỏa lối sống xanh chứ không chạy theo lợi nhuận. Vì vậy, dù mặt hàng được rất nhiều người yêu thích, với đơn đặt hàng 1.000 bánh mỗi ngày, nhưng Dung cho biết cô vẫn không chuyển sang sản xuất công nghiệp mà vẫn tự tay làm sản phẩm. Bên cạnh xà bông, Dung còn chế tạo dầu gội, sữa tắm và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ thảo dược

“Theo các cuộc khảo sát về chất lượng sản phẩm thì hầu như các khách hàng dùng đều cho phản hồi tích cực, cải thiện sức khỏe làn da rất nhiều. Người dùng không còn phải tốn tiền mua kem trị mụn hay phải điều trị dị ứng, mẩn đỏ”, Dung chia sẻ.

Trong tương lai, cô mong muốn sẽ lan tỏa mô hình này cho thanh niên trên địa bàn. Vì vậy, cô đã tập hợp những người có chí hướng thành lập HTX để cùng nhau sản xuất, mở rộng thị trường. Các thanh niên trong vùng cũng được Dung tạo cơ hội việc làm từ tham gia bán sản phẩm, cho thu nhập mỗi người từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Mỗi bánh xà bông đến tay người tiêu dùng có giá 50.000 đồng, Dung chỉ thu về một chút tiền công, còn để lãi cho những người tham gia bán hàng.

“Mình chỉ mong có thu nhập đủ sống và tạo việc làm cho những thanh niên địa phương. Đặc biệt, sứ mệnh của mình là làm sao lan tỏa được lối sống xanh để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, cô gái trẻ tâm sự.

Với những sáng kiến của mình, dự án khởi nghiệp của Dung đã trở thành 1 trong 33 dự án xuất sắc trong Cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên nông thôn năm 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.