Với mong sở hữu đôi môi căng mọng, quyến rũ nên chị H. đến một cơ sở thẩm mỹ tiêm chất làm đầy (tiêm filler) vào môi. Tuy nhiên sau 2 ngày, môi của chị sưng phù. Đến ngày thứ 3, chị cảm giác đau nhức vùng môi nên đã đi thăm khám.
Ngày 19.7, tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết người bệnh đến khám trong tình trạng môi bị biến chứng áp xe, sưng to, căng bóng, kèm chảy mủ, được chẩn đoán bị áp xe môi do nhiễm trùng. Sau khi khám, bác sĩ nhận định tình trạng chảy mủ ở người bệnh vẫn đang diễn ra nên chưa thực hiện kỹ thuật rạch lấy mủ mà ưu tiên xử lý tình trạng nhiễm trùng.
Người bệnh được uống thuốc kháng sinh liều cao trong khoảng 1 tuần để tiêu viêm. Trường hợp mủ không tiêu, bác sĩ phải dùng đến biện pháp hút mủ, thậm chí rạch ổ áp xe để mủ thoát ra. Tuy nhiên quá trình này cần thực hiện tỉ mỉ, đúng kỹ thuật để vi khuẩn không lây lan theo đường máu và gây viêm những bộ phận khác. Hệ quả của việc rạch ổ áp xe có thể để lại sẹo nhưng chỉ là một đường nhỏ, khó nhận ra.
Người bệnh đến khám tại khoa Da liễu trong tình trạng môi sưng to |
bvcc |
Theo bác sĩ Bích, tiêm filler môi (hay còn gọi là tiêm môi HA collagen) là kỹ thuật sử dụng chất làm đầy tạo hình dáng môi trái tim, môi cười, môi tròn,… hoặc môi căng mọng mà không cần phẫu thuật.
Tuy nhiên, để tránh những biến chứng không may xảy ra như tình trạng nhiễm trùng, áp xe,… người bệnh nên chọn những cơ sở có đội ngũ kỹ thuật viên thực hiện được đào tạo, chọn loại filler đảm bảo chất lượng.
Theo bác sĩ Bích, nguyên nhân gây nhiễm trùng sau tiêm filler có thể do không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, sát trùng không đúng cách hoặc chưa được sát khuẩn môi khiến vi khuẩn xâm nhập vào chỗ vết tiêm; cũng có thể do việc chăm sóc sau tiêm chưa đúng cách do cơ sở tiêm không hướng dẫn kỹ; do loại chất làm đầy; kỹ thuật tiêm chưa đúng cách...
Bình luận (0)