Tốt nghiệp khoa Mỹ Thuật Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội, Giang bỏ phố về quê, mở homestay và bắt đầu hành trình "chấp cọ" quảng bá du lịch, văn hóa Sa Pa.
Kho tàng văn hóa 'sống'
Sinh ra và lớn lên ở Sa Pa, Giang dành tình yêu đặc biệt với nơi này. Cô thường xuyên dành thời gian ghé thăm các bản làng, ngắm nhìn người dân sinh hoạt, từ đó ấp ủ hy vọng có thể quảng bá văn hóa Sa Pa bằng chính cọ vẽ của mình.
"Sa Pa là một điểm du lịch nổi tiếng nhưng vẫn còn rất nhiều nét đặc sắc chưa được khám phá, bảo tồn đúng cách. Nếu như mình có một cách tiếp cận phù hợp, gần gũi thì sẽ giúp du khách từ các nơi hiểu thêm và trân trọng hơn vùng đất xinh đẹp này", cô gái chia sẻ.
Vì lẽ đó, Giang chọn người cao tuổi thuộc dân tộc thiểu số làm nhân vật chính trong các tác phẩm. Theo lời cô, họ chính là kho tàng văn hóa "sống", phản ánh trọn vẹn tinh thần của vùng đất này qua bao năm tháng. Họ vẫn giữ được nếp sống theo phong tục tổ tiên, vẫn chỉn chu trong trang phục truyền thống từ cách phối đồ đến cách mang phụ kiện.
Để nâng niu những nét đẹp ấy, Giang đặc biệt tập trung vào thần thái và trang phục. Cô diễn giải: "Mắt người cao tuổi luôn có gì đó vừa trong trẻo vừa trải đời, nụ cười thì thì bình yên, hạnh phúc, đây là những cảm nhận tôi muốn đem lại cho người xem của mình. Bên cạnh đó, quần áo cũng rất quan trọng, cần phải tìm hiểu kĩ trước khi vẽ mới có thể quảng bá, tôn vinh nét đẹp trong trang phục dân tộc thiểu số Tây Bắc".
Từng nhân vật bước vào bức tranh của cô nàng 9X đều mang theo một câu chuyện, một nét đẹp riêng. Đôi khi cảm hứng chỉ đến từ những điều rất đỗi đơn giản nhưng lại khiến Giang dành trọn thời gian, công sức. Như người đàn ông H'Mông vui vẻ, nhiệt tình Giang từng gặp trong lúc leo núi. Ông mời Giang vào nhà nói chuyện và gảy đàn nhị tự làm cho cô nghe. Xúc động, Giang xin chụp ảnh lại và ông ấy trở thành nhân vật cho tác phẩm mới của cô gái trẻ chỉ sau vài ngày "múa cọ".
Yêu mọi thứ thuộc về Sa Pa
Thay vì vẽ trên chất liệu giấy thông thường, Giang cùng chồng rong ruổi khắp Sa Pa, đến nhà người dân tìm mua những đồ dùng cũ như mâm, thớt gỗ... Giang cho biết: "Tuy không được sử dụng nữa, những vật dụng này vẫn còn rất đẹp dù chỉ được chế tác đơn giản tại nhà. Tôi hy vọng tâm trí mỗi người sẽ được gợi nhắc về Sa Pa, về đời sống sinh hoạt của các dân tộc nơi đây".
Tuy nhiên, Giang cũng gặp một số thách thức khi vẽ trên chất liệu gỗ vì khó lên màu và phải xử lý qua nhiều công đoạn như làm sạch, phủ bóng, phơi khô... Cô nàng không bỏ cuộc, mỗi ngày đều học hỏi thêm nhiều kĩ năng để vẽ đẹp hơn, cải thiện tay nghề của mình.
Giang bắt đầu công việc này từ những bức vẽ ngẫu hứng tại nhà hai năm trước. Được nhiều người yêu thích và ủng hộ, cô gái quyết định mở mô hình homestay kết hợp trưng bày tác phẩm của mình để phát triển du lịch cộng đồng giữa núi rừng Tây Bắc. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động như workshop hướng dẫn vẽ tranh cũng được tổ chức, thu hút nhiều khách nước ngoài quan tâm đến đất nước và con người Việt Nam.
Đầu tháng 9 năm nay khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ, Giang đã bán một bức tranh gây quỹ với giá 10 triệu. "Thiên tai đã gây thiệt hại rất lớn ở nơi mình đang sống. Do đó, mình cũng muốn góp một phần nhỏ hy vọng xoa dịu đi phần nào những nỗi đau. Tác phẩm đó là bức chân dung của một người phụ nữ H'Mông, trong thời gian ngắn nhận được rất nhiều sự quan tâm và có khách liên hệ chốt đơn", Giang chia sẻ.
Valentina Cretu - vị khách người Đức ủng hộ bức tranh cho biết: "Lần đầu tiên nhìn thấy tôi đã vô cùng ấn tượng với nụ cười hiền từ của người phụ nữ trong tranh. Giang vẽ rất đẹp. Trùng hợp thời gian đó tôi cũng đang du lịch ở Việt Nam nên đã ngỏ ý mua ủng hộ vì muốn sở hữu tác phẩm và hỗ trợ phần nào cho người dân tại vùng đất xinh đẹp này".
Mặc dù đã về nước, Valentina Cretu vẫn không khỏi xúc động khi nhìn tác phẩm. Cô gái treo bức chân dung được vẽ trên thớt gỗ trong phòng khách để gợi nhớ khoảng thời gian tuyệt vời tại Việt Nam, cũng như giới thiệu về du lịch, văn hóa Sa Pa tới gia đình, bạn bè ở châu Âu của mình.
Bình luận (0)