Sau khi học xong lớp cắt may cơ bản ở Hà Nội, Lan tự tin bước ra khỏi vùng an toàn. Cô không ngại chia sẻ hình ảnh bản thân với chiều cao chỉ 1,25 m, chiếc lưng gù lên mạng xã hội. Hành trình thay đổi bản thân, sống có ích nhờ nghề may của Lan được cộng đồng mạng nhắn gửi nhiều lời động viên, cảm phục.
Chưa muộn để bắt đầu
Hơn 10 năm cất tấm bằng cao đẳng trong tủ, Lan từng nghĩ đời mình không còn mục tiêu gì để phấn đấu. Cô tự ti về ngoại hình, chưa từng chia sẻ hình ảnh bản thân lên mạng xã hội. Khi thấy bản thân không đỡ đần được gia đình, trong khi ba mẹ ngày càng già đi, Lan từng nghĩ mình yếu đuối, vô dụng. Để thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực đó, Lan thường xem những video truyền cảm hứng. Tuy nhiên, trở thành người lan tỏa nhiều năng lượng tích cực trên mạng xã hội là điều cô chưa từng nghĩ.
Duyên đến với nghề may của Lan bắt nguồn từ nhu cầu bản thân. Vì cơ thể không cân đối như người bình thường, Lan muốn học may để tự thiết kế cho mình những bộ đồ phù hợp. Sau khi chị gái sinh con, Lan tìm mua rập quần áo em bé về may đồ tặng cháu, ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang nhen nhóm.
Đầu năm nay, Lan tìm đến lớp học cắt may của anh Nguyễn Duy Long ở Hà Nội xin học nghề. Ngày chở con gái đến đăng ký học, ông Vũ Công Thụy (65 tuổi) chỉ gửi gắm thầy giáo một điều: "Mong thầy giúp cho cháu cái nghề để kiếm cơm". Thấy sự quyết tâm của Lan, ngoài giảm đến 70% học phí, anh Long hỗ trợ chỗ ăn, ở miễn phí cho học trò.
Tạo điều kiện cho học viên đặc biệt, anh Long hạ thấp bàn may, đồng thời nâng chiều cao ghế để Lan ngồi làm việc một cách thoải mái. Thân hình nhỏ con, tay lại yếu nên công đoạn trải vải cắt rập khiến Lan thấy vất vả nhất.
"Lan là một học viên thông minh, tiếp thu nhanh và rất chịu khó. Lan thường tham gia đủ các lớp trong ngày của tôi, học từ 8 - 18 giờ. Ăn cơm tối xong, nghỉ ngơi được chút xíu lại thấy bạn ấy lọ mọ vẽ rập, thiết kế mẫu…", anh Long chia sẻ.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Tốt nghiệp lớp cắt may trang phục nữ cơ bản sau hơn 3 tháng, Lan về quê, khởi nghiệp ở tuổi 34. Ngày ra nghề, bạn học viên tìm mua cây kéo cắt vải loại nhẹ nhất tặng Lan làm vốn. Nhận được nhiều sự giúp đỡ từ thầy giáo và những người bạn mới quen, Lan cảm thấy bản thân may mắn. Cô gái nghĩ: "Mình vẫn được nhiều người yêu thương, cớ gì phải tự ti về bản thân".
"Chỉ là những cảnh quay lại quá trình làm việc của mình quanh bàn may, mình không ngờ nhận được vô số lời động viên từ cộng đồng mạng", Lan chia sẻ. Cũng từ đó, nhiều mẹ bỉm sữa nhắn tin đặt Lan may đồ cho con. Mới khởi nghiệp, chỉ dám nhận may đồ cho người thân, hàng xóm… Lan vỡ òa khi một ngày nhận đến gần 50 tin nhắn đặt hàng, tuy nhiên cô chỉ dám nhận đơn trong khả năng. "Vừa vui, vừa hồi hộp", Lan bày tỏ cảm xúc khi nhận được nhiều yêu thương và tin tưởng từ người lạ.
Lan quan niệm, không chỉ nghề may mà bất cứ nghề nào cũng cần trau dồi kỹ năng bằng việc thực hành từng ngày. Ngoài việc học theo các mẫu có sẵn, Lan thích tự tay thiết kế những mẫu mới của riêng mình. Lúc rảnh, Lan vẫn tham gia các lớp online của thầy Long để học thêm các mẫu khó.
Thấy con gái thay đổi, ba mẹ Lan cũng an tâm hơn. Ông Thụy không giấu được niềm vui khi thấy con đã có trong tay cái nghề, kiếm được thu nhập từ sức lao động của mình. "Là ba mẹ dù thương con đến mấy cũng không thể đi theo và bao bọc cho con cả đời", người cha xúc động nói.
Giờ đây, Lan thấy không còn ngại ngùng khi nói về khiếm khuyết bản thân. Ngược lại, cô gái mong từ câu chuyện của mình, nhiều người sẽ có niềm tin theo đuổi ước mơ. "Tuy chưa biết nghề này sẽ đem lại thành công như thế nào nhưng hiện tại được làm công việc yêu thích, với mình đã là một hạnh phúc", cô gái chia sẻ.
Bình luận (0)