Chỉ hơn một năm, Đoàn Thị Thanh Vinh đã có tới 5 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
|
26 tuổi, Đoàn Thị Thanh Vinh vừa tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ công nghệ sinh học tại Trường ĐH Quốc tế TP.HCM với điểm 8,73. Trong đó, luận văn tốt nghiệp về Nghiên cứu khả năng mang thuốc trị ung thư của một số chủng Lactobacillus (do tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khuê Tú, giảng viên ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế hướng dẫn) cũng được đánh giá loại xuất sắc với 92,2/100 điểm. Và trong hai năm 2012 và 2013, Thanh Vinh cùng một số tác giả khác đã có tới 5 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế liên quan đến những nghiên cứu từ đề tài này.
Về những nghiên cứu của mình, Thanh Vinh chia sẻ: “Nghiên cứu này nhằm tạo ra những hạt nano có khả năng tạo nguồn vận chuyển phân phối thuốc và đóng gói với các loại thuốc trị ung thư. Đặc biệt, các hạt này có nguồn gốc sinh học, không độc hại nên không làm ảnh hưởng đến các tế bào bình thường khác trong cơ thể người bệnh nhằm tiết giảm các tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư”. Tuy nhiên, Thanh Vinh cho biết thêm, hiện nghiên cứu này mới qua giai đoạn tổng hợp để chuẩn bị bước sang giai đoạn thử nghiệm. Để tiến tới việc sản xuất sản phẩm còn cần một quá trình dài với rất nhiều thử thách.
“Không hề dễ dàng” là câu trả lời của Vinh khi được hỏi về việc viết bài gửi đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Minh họa cho nhận định này, Thanh Vinh dẫn dụ bằng một loạt những chờ đợi: “Một bài viết hoàn chỉnh gửi tạp chí phải đợi mất cả năm mới có bản online, sau đó có khi phải mất thêm 6 đến 12 tháng mới được xuất bản thành tạp chí giấy. Đó là chưa kể rất nhiều lần chỉnh sửa bài viết theo yêu cầu của hội đồng kiểm duyệt”.
Tác giả trẻ này chia sẻ thêm những kinh nghiệm từ bản thân: “Để có bài báo khoa học quốc tế, chìa khóa trước hết là tiếng Anh chuyên ngành. Tuy nhiên, yếu tố quyết định việc bài báo được đăng tải chính là những thành quả nghiên cứu trước đó”. Riêng bí quyết về vốn tiếng Anh chuyên ngành, Thanh Vinh tâm sự: “Mình đã tích lũy được vốn tiếng Anh này nhờ vào quá trình học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh tại trường. Bên cạnh đó, nhờ thường xuyên tìm đọc những tạp chí khoa học quốc tế nên mình mới học hỏi thêm được nhiều vốn từ vựng và cách diễn đạt trong một bài báo khoa học”. Tuy nhiên, với Vinh, trên hết tất cả chính là niềm đam mê với nghiên cứu. Khi thực hiện đề tài này, Vinh và các đồng sự đã có không ít đêm thức trắng tại phòng thí nghiệm của trường. “Có không ít lần mình có ý định bỏ cuộc khi kết quả nghiên cứu không như mong muốn. Nhưng nhờ niềm đam mê nghiên cứu mãnh liệt từ cô giáo hướng dẫn truyền qua nên mình mới đi đến được hôm nay”.
Sau thời gian dài nghiên cứu và viết lách, cái được nhiều nhất với Vinh là đã biết cách truyền đạt ra bên ngoài những kết quả nghiên cứu của bản thân. Rồi từ một học sinh lười biếng theo lời tự thú, Vinh đã trở nên chăm chỉ và nền nếp, biết cách quản lý thời gian nhờ quá trình dấn thân vào nghiên cứu, một hướng đi rất tình cờ chỉ bắt đầu bằng sự ngưỡng mộ của Vinh với các thầy cô của mình. Hiện Vinh đã hoàn tất chương trình thạc sĩ nhưng vẫn chưa quyết định đi làm ngay vì mong muốn dành thêm thời gian để hoàn tất việc nghiên cứu. Nhưng dù đi theo hướng nào, Vinh vẫn muốn được tiếp tục làm công việc liên quan đến nghiên cứu bằng tất cả niềm đam mê cháy bỏng.
Hà Ánh
>> 20% học viên cao học có bài báo khoa học
>> Trải nghiệm viết bài báo khoa học
>> Lại thêm một bài báo khoa học sao chép
Bình luận (0)