Trải nghiệm viết bài báo khoa học

04/05/2013 03:25 GMT+7

Có một bài báo đăng trên tạp chí khoa học thế giới là niềm mơ ước của những người làm khoa học. Với sinh viên, việc thực hiện ước mơ này càng không dễ dàng. Dưới đây là trải nghiệm của chính các tác giả trẻ.

Hơn một năm nghiên cứu

Đặng Bảo Trung đã có bài báo khoa học đăng trên tạp chí Chinese Journal of Catalysis khi còn là sinh viên năm cuối ngành kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Bài báo có tiêu đề Suzuki reaction of aryl bromides using a phosphine-free magnetic nanoparticle-supported palladium catalyst (tạm dịch: Nghiên cứu thực hiện phản ứng Suzuki sử dụng xúc tác phức palladium cố định trên chất nano từ tính), theo Trung được nằm trong danh sách ISI các tạp chí có hệ số tham khảo cao, có uy tín.

 Nghiên cứu khoa học thực thụ là nền tảng quan trọng cho việc hình thành bài báo khoa học
Nghiên cứu khoa học thực thụ là nền tảng quan trọng cho việc hình thành bài báo khoa học
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chia sẻ về kết quả này, Trung cho biết điều quan trọng nhất tạo nên bài báo này chính là một công trình nghiên cứu thực nghiệm. Trung cho biết: “Tính từ thời gian nghiên cứu, tìm tòi, tham khảo tài liệu đến khi cho ra kết quả mất hơn một năm. Do em chưa quen với việc nghiên cứu khoa học nên việc tiếp cận với công việc này không hề dễ dàng. Kết quả đó có được là nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy hướng dẫn”.

Tiền thân của bài báo này chính là một đề tài nghiên cứu khoa học của Trung. Đề tài này đã từng nhận được giải nhất cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam năm 2011. Trung chia sẻ thêm: “Kết quả nghiên cứu thực nghiệm là nền tảng cơ bản cho một bài báo khoa học thành công. Trong đó, bài báo cần phải chuyển tải được những điều mới mẻ - cái mới đó có thể nhiều, có thể ít nhưng đủ làm thay đổi cục diện vấn đề so với các nghiên cứu trước đây”. 

Là sinh viên năm cuối ngành cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Đặng Minh Nhật đã có bài báo khoa học được duyệt để tham dự hội nghị quốc tế về điều khiển, tự động hóa và hệ thống (ICCAS) vào năm 2011 diễn ra tại Hàn Quốc. Từ sự hướng dẫn của giảng viên, Nhật đã triển khai đồ án tốt nghiệp thành một bài báo khoa học để gửi đi tham dự hội nghị quốc tế. Nhật bật mí: “Thực hiện đồ án tốt nghiệp trước đó mất cả năm nhưng chuyển từ đồ án tốt nghiệp thành bài báo khoa học cũng mất thời gian không kém. Tiếp đó là thời gian gửi bài, chờ đợi sự phản biện của ban tổ chức trước khi được duyệt để tham dự báo cáo và trả lời chất vấn trước toàn thể hội nghị”.

Tiếng Anh chuyên ngành là chìa khóa

Theo các sinh viên, một trong những yếu tố để viết bài báo khoa học là có kiến thức tốt về tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành. Nhật cho biết: “Viết một bài báo khoa học rất khó, nhất là phải sử dụng tiếng Anh học thuật và chuyên ngành. Sự xúc tích và khoa học cần đặt lên hàng đầu. Một bài báo có thể gói gọn trong 4 - 5 trang giấy, nhưng phải chuyển tải được toàn bộ các phần: giới thiệu cấu trúc bài báo và tổng quan vấn đề, phần nội dung chính về lý thuyết nêu ra và thí nghiệm chứng minh vấn đề”. Nhật tâm sự thêm: “Mỗi loại tạp chí khoa học, hội nghị khoa học sẽ có những yêu cầu không giống nhau. Nếu muốn tham gia viết bài cho tạp chí, hội nghị nào đó cần phải tìm hiểu kỹ trước đó về các yêu cầu”.

Còn Trung nói thêm: “Nếu chỉ biết tiếng Anh giao tiếp hoặc chỉ tham khảo được tài liệu bằng tiếng Việt là chưa đủ. Chìa khóa của vấn đề ở đây là tiếng Anh chuyên ngành, người viết phải tham khảo được các tài liệu bằng tiếng Anh. Nên đọc thêm sách tiếng Anh chuyên ngành để vừa mở rộng được kiến thức vừa có thêm vốn từ ngữ chuyên ngành cũng như học hỏi cấu trúc câu và cách diễn đạt theo lối khoa học”. Trung lưu ý: “Khi trích dẫn tài liệu tham khảo, phải rất chú ý đến vấn đề bản quyền. Mọi trích dẫn đều phải được chú thích rõ ràng. Với số liệu nghiên cứu, bản thân mình chỉ có thể trung thực với số liệu do mình làm ra”.

Về cách thức nộp bài, Trung chia sẻ: “Không phải khi đã nộp bài là mọi việc hoàn tất, mà những người phản biện sẽ xem xét và yêu cầu chỉnh sửa rất nhiều cho phù hợp với nội dung tạp chí. Do vậy, cần phải chuẩn bị tinh thần để tiếp tục ở những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, nếu có sự tìm hiểu kỹ trước đó về yêu cầu của tạp chí, khả năng được đăng bài sẽ cao hơn và việc chỉnh sửa cũng ít hơn”.

Dưới góc độ một giảng viên trẻ, PGS-TS Từ Diệp Công Thành - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng: “Với sinh viên, việc viết một bài báo gửi đăng tạp chí khoa học quốc tế là cực kỳ khó. Nếu có mục tiêu, sinh viên nên tập dượt bằng những bài báo gửi đăng tạp chí khoa học của trường, tiếp đó tiến tới cấp quốc gia, tới hội nghị khoa học quốc tế rồi mới tới tạp chí khoa học quốc tế. Qua mỗi lần tham gia, hãy tự học hỏi và rút kinh nghiệm để quen dần cách viết và hiểu được hàm lượng khoa học trong một bài báo”.

Hà Ánh

>> Có chế độ hỗ trợ thanh niên nghiên cứu khoa học
>> Cần nhấn mạnh quyền tự do nghiên cứu khoa học
>> Nhà khoa học VN được trao tặng giải thưởng nghiên cứu khoa học của Đức
>> Báo cáo 33 chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học trong điều trị
>> Giúp sinh viên nghiên cứu khoa học hiệu quả
>> Quá ít giảng viên nghiên cứu khoa học
>> Những công trình nghiên cứu khoa học bị thu hồi năm 2012
>> Định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học
>> Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 5: Thay đổi tư duy tận gốc
>> Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 4: Phải chấm dứt cơ chế xin - cho
>> Vật vờ nghiên cứu khoa học- Kỳ 3: Quá nhiều trói buộc
>> Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 2: Nhiều tiến sĩ, ít phát minh
>> Vật vờ nghiên cứu khoa học
>> Cảnh giác nghiên cứu khoa học của Trung Quốc
>> Bài báo khoa học bị rút khỏi tạp chí quốc tế vì đạo văn
>> Nature Magazine viên ngọc làng báo khoa học
>> Lại thêm một bài báo khoa học sao chép
>> Cần có bài báo khoa học bác bỏ đường lưỡi bò

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.