Bộ GD-ĐT vừa tổ chức trao giải thưởng tài năng khoa học trẻ dành cho các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều sinh viên vẫn còn rất mơ hồ trong việc nghiên cứu khoa học.
Tham gia ngay từ năm nhất
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, qua việc xét chọn giải thưởng, có thể thấy tỷ lệ sinh viên (SV) nghiên cứu khoa học (NCKH) ở trường ĐH, học viện chưa cao, nhất là các trường ĐH ngoài công lập. Công tác tổ chức hoạt động NCKH của SV một số trường chưa đồng bộ, nhất là khi chuyển sang học theo hình thức tín chỉ. Cũng theo đó, Thứ trưởng Quý cho biết sắp tới Bộ sẽ xuất bản tài liệu Phương pháp nghiên cứu khoa học giúp cho SV và giảng viên trẻ tiếp cận với các phương pháp này.
Việc xuất bản tài liệu NCKH này hoàn toàn cần thiết, bởi trong các trường, số lượng SV đầu tư NCKH còn rất ít. Nhiều SV còn không biết cách để NCKH như thế nào. Theo báo cáo của các trường thuộc khối Nông - Lâm - Ngư - Y, giai đoạn 2006 - 2010, có tổng số hơn 6.600 đề tài, dự án do SV thực hiện. Tuy nhiên, có trường ĐH vùng, trong số 40.000 SV chỉ có 150 đề tài NCKH.
|
Tiến sĩ Trần Minh Triết, Phó trưởng bộ môn công nghệ phần mềm, khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), người vừa hướng dẫn đề tài đoạt giải nhất trong cuộc thi Eureka và Tài năng khoa học trẻ Việt Nam, cho biết muốn khích lệ SV tham gia nhiều vào NCKH thì trong quá trình học, ở tất cả các môn học thầy cô cần tạo điều kiện cho SV mạnh dạn đăng ký các đề tài liên quan nội dung môn học. Điều này sẽ giúp SV tin tưởng, đi cùng với đề tài suốt trong quá trình học tập và nghiên cứu. Nếu có điều kiện, cần cho SV tham gia nhóm nghiên cứu ngay từ năm nhất để có kiến thức và kinh nghiệm từ thầy cô và các anh chị khóa trên. Qua thời gian, những SV này sẽ có thói quen tìm tòi ý tưởng và phương án sáng tạo.
Theo thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, để tạo được phong trào NCKH rộng rãi trong SV thì riêng bản thân trường cũng phải chủ động có nhiều hình thức khích lệ SV. Chẳng hạn, thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan doanh nghiệp cho SV để từ đó SV có thể tìm ra đề tài NCKH tốt cho mình.
Các yếu tố cần thiết
Trong các trường ĐH, CĐ đều có môn học “Phương pháp NCKH”. Tuy nhiên, theo nhiều SV, những kiến thức này mới là nền tảng và muốn NCKH hiệu quả cần phải có sự hướng dẫn kỹ càng hơn. Trước thực tế này, nhiều SV đã tự chia sẻ bí quyết của mình cho bạn bè để cùng tham gia nghiên cứu.
Hoạt động hiệu quả nhất hiện nay phải nói đến “CLB SV NCKH” (YRC) của SV Trường ĐH Ngoại thương. CLB này đã thành lập được gần 20 năm và có hẳn một website mang tên www.svnckh.com.vn. Ngoài việc chia sẻ rất nhiều bí quyết, kinh nghiệm để NCKH, CLB còn đứng ra tổ chức các hội nghị, tọa đàm, ra tập san… thúc đẩy SV tham gia nghiên cứu.
Theo chia sẻ của các SV đoạt giải cao về NCKH của CLB, đầu tiên cần phải lựa chọn được một đội nhóm phù hợp và từ đó thảo luận, tìm ra được một đề tài phù hợp. Cần sự cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh những đề tài hay nhưng lại quá sức hoặc dữ liệu cho đề tài đó không được công bố rộng rãi; hoặc lựa chọn những đề tài chỉ vì hay và có sẵn nguồn tư liệu nhưng thật sự không hứng thú. Những điều này dễ dàng dẫn người NCKH đến ngõ cụt trong quá trình làm, hoặc sẽ dừng cuộc chơi, hoặc hoàn thành chỉ để được nộp. Sau đó, cần phân chia nhiệm vụ theo thời gian yêu cầu để hoàn thành đúng tiến độ. Bên cạnh đó, điểm quan trọng nhất là “giữ lửa”, lạc quan, có trách nhiệm mới theo đuổi đề tài được đến cùng.
Tại buổi lễ trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, các SV đoạt giải cũng chia sẻ phương pháp cụ thể để NCKH có hiệu quả. Đầu tiên là tìm ý tưởng, có thể suy nghĩ, lục lại ý tưởng có sẵn trong đầu hoặc tham khảo nhiều nguồn (xem ti vi, nghe đài, internet, đến thư viện...). Sau đó, có thể lập đề cương theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhất thiết phải có phần đặt vấn đề và xác định đối tượng nghiên cứu, các khách thể liên quan. Tiếp theo là lập nhóm và tìm giáo viên hướng dẫn phù hợp với đề tài. Phần quan trọng cuối cùng là bảo vệ đề tài. Khi bảo vệ đề cương chỉ cần nói ngắn gọn, mạch lạc, tự tin, làm nổi bật ý tưởng để thuyết phục giám khảo. Trong phần bảo vệ chính thức, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về powerpoint với nhiều hình ảnh, biểu đồ… Khi trình bày, chỉ nói ngắn gọn về lý thuyết để đề cập nhiều đến vấn đề, thực trạng, giải pháp cũng như lường trước các câu hỏi để chuẩn bị trả lời mạch lạc.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, giáo viên hướng dẫn đề tài đoạt giải nhất của SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa qua, để NCKH có hiệu quả, SV phải có niềm đam mê với đề tài mình theo đuổi. Chưa kể, còn phải có lòng nhiệt huyết và trăn trở, ứng dụng những kiến thức mình đã và đang được học trong trường lớp vào vấn đề mình đang nghiên cứu. SV phải đưa được những vấn đề thực tế vào trong những nghiên cứu của mình, nếu không có giá trị thực tế thì những vấn đề nghiên cứu của SV không có giá trị gì nhiều.
Đăng Nguyên
>> Định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học
>> Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học
>> Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học
>> Khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học
>> Nhiều lực cản trong nghiên cứu khoa học - công nghệ
Bình luận (0)