(TNO) Cô gái 17 tuổi Victoria Duval đã được làng banh nỉ thế giới nhắc đến rất nhiều sau khi làm nên 'cơn địa chấn' ở giải Mỹ mở rộng 2013 bằng chiến thắng sốc trước hạt giống số 11 Samantha Stosur ở vòng khai màn. Nhưng để được góp mặt và tạo nên kỳ tích trước Stosur, Duval đã trải qua một tuổi thơ trong 'địa ngục'.
>> Giải Mỹ mở rộng 2013: Djokovic và Fererer khởi đầu suôn sẻ
>> Thắt chặt an ninh tại giải Mỹ mở rộng 2013
>> Vượt qua ung thư để dự giải Mỹ mở rộng
|
Tuổi đời non trẻ và mới bước vào đấu trường chuyên nghiệp ở vị trí 296 thế giới, giấc mơ làm nên chuyện ở Grand Slam gần như quá xa xỉ đối với Duval. Thế nhưng, cô gái trẻ người Mỹ lại làm được nhiều hơn thế khi trận thắng đầu tiên của Duval ở Grand Slam được thực hiện trước tay vợt nữ số 1 của Úc Stosur, người thường xuyên góp mặt trong top 10 thế giới và là cựu vô địch Mỹ mở rộng 2011.
Cuộc ngược dòng (với điểm số 5/7, 6/4, 6/4) của Duval không những mở ra một tương lai tương sáng, mà còn làm người hâm mộ thán phục khi cô gái này đã trải qua một tuổi thơ đầy những đau khổ.
12 tháng sau thất bại trước huyền thoại Kim Clijsters ở Mỹ mở rộng năm ngoái, Duval trở lại New York vẫn với khuôn mặt đầy thân thiện, cười khúc khích và lối chơi luôn thừa nhiệt huyết. Nhưng khi cô gái trẻ tuổi đánh gục Stosur, mọi người mới cảm nhận được những điều phi thường mà Duval đã vượt qua để được đứng ở Meadows Flushing mơ ước.
Duval được sinh ra ở Miami (Mỹ) nhưng tuổi thơ của cô phần lớn sống ở Port-au-Prince (Haiti) và chứng kiến những tội ác, nạn buôn bán người, bắt cóc, chết chóc ở quê hương…
Tuổi thơ của Duval cũng cuốn theo những nỗi đau khi năm lên bảy, cô gái trẻ này đã phải sớm hứng chịu cú sốc cận kề cái chết khi một một băng đảng tội phạm bắt giữ làm con tin.
Dường như Duval đã trải qua những điều tồi tệ nhất trong vụ bắt cóc nên khi được hỏi, cô gái trẻ buồn nói: “Đó là một ký ức tồi tệ mà tôi không muốn nhớ đến nữa và tôi đang cố gắng để quên dần nó đi”.
|
Quá lo sợ, mẹ Duval, bà Nadine (một vũ công ballet) đã ôm 3 đứa con chạy sang Atlanta, Georgia (Mỹ) kiếm kế mưu sinh, còn người cha Jean-Maurice ở lại Haiti. Tuy nhiên, cuộc sống và đam mê quần vợt của Duval chưa hết sóng gió khi năm 2010 cô tưởng như đã mất người cha trong trận động đất kinh hoàng ở Haiti khiến 250.000 người thiệt mạng. Cha chính là người hun đúc, ủng hộ cho niềm đam mê của Duval khi sớm gửi cô vào tập luyện ở một học viện quần vợt tại Haiti.
Trong trận động đất, ông Jean-Maurice bị chôn vùi dưới đống đổ nát của căn nhà, gãy xương sống, xương sườn, chân, tay và bị thủng một lá phổi. Biết sẽ khó qua khỏi, từ Haiti, ông đã mượn điện thoại xin được gọi nói lời từ biệt vợ và con.
Tuy nhiên, phép màu đã đến với gia đình Duval khi người thân, bạn bè và các tổ chức từ thiện ở Georgia quyên góp tiền để đưa cha cô sang Mỹ cấp cứu và sau đó thoát cơn nguy kịch. “Nếu không có họ, cha tôi đã không thể có mặt ở đây hôm nay để chứng kiến chiến thắng tuyệt vời của tôi. Không dễ gì mà một số người có thể bỏ ra 30.000 USD để thuê trực thăng đưa cha tôi sang Mỹ cấp cứu. Họ là những thiên thần của tôi”, Duval nói đầy cảm xúc.
Dù đi tiếp hay dừng lại trong cuộc đấu với Daniela Hantuchova (Slovakia) ở vòng 2, thì cô gái 17 tuổi vẫn được nhắc đến nhiều và sẽ chẳng ai quên được hình ảnh Duval gầm thét trên sân Louis Armstrong sau chiến thắng trước Stosur.
Tây Nguyên
Bình luận (0)