|
Kết quả này dường như không gây ngạc nhiên. Với chiều cao 1m68, nặng 52 kg, các số đo: 82-61-88; với một vẻ đẹp tròn trịa, hút hồn người khác từ vẻ mặt, ánh mắt, mái tóc, dáng người, kiến thức..., Nhung đã thuyết phục được tất cảc các thành viên trong ban giám khảo. Nhung năm nay 21 tuổi, là sinh viên năm thứ 3 khoa Quản lý văn hoá, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ước mơ của Nhung, như cô thổ lộ trong đêm chung kết, đã thể hiện trong sự lựa chọn ngành học: trở thành người quản lý văn hóa giỏi.
Cùng bước lên bục vinh quang với Nhung trong đêm chung kết, ở vị trí thứ nhì - Á hậu 1, là cô gái người dân tộc Khơme, đến từ tỉnh An Giang - Trương Thị May, 19 tuổi, sinh viên Trường Công nghiệp 4 TP Hồ Chí Minh. Niềm mơ ước của May thật giản dị nhưng cũng thật đáng quý - được tham gia nhiều vào công tác từ thiện. Còn cô gái người dân tộc Êđê đến từ tỉnh Đắk Lắk H’Rô Ni Buôn Yá cũng đã mang lại niềm hạnh phúc tự hào cho quê hương của mình với vị trí Á hậu 2. Cô gái có đôi mắt to, đẹp lạ lùng này mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Phổ thông trung học Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột) có ước mơ hơi khác bạn bè cùng trang lứa, cô muốn trở thành một nữ doanh nhân thành đạt.
Trước khi công bố 3 danh hiệu trên, Ban tổ chức cũng đã chọn ra 4 danh hiệu xuất sắc khác: giải Hoa hậu thân thiện được dành cho thí sinh Lâm Bảo Chân, dân tộc Hoa, đến từ tỉnh Kiên Giang; giải Hoa hậu miền sơn cước được trao cho thí sinh Kra Jan Jut Jui, dân tộc K'ho, tỉnh Lâm Đồng; giải Hoa hậu Du lịch được trao cho thí sinh Trần Thị Kim Hoa, dân tộc Kinh, đến từ tỉnh Long An và giải Hoa hậu tài năng thuộc về thí sinh Hoàng Thu Thảo, một cô gái người dân tộc Nùng.
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Hoa hậu cho các thí sinh. Ảnh Hải Hậu |
Ngoài ra, 10 trên tổng số 47 thí sinh đến từ 24 dân tộc khác nhau tham gia đêm chung kết tối qua cũng đã được lựa chọn để trao các danh hiệu người đẹp tương ứng với các loài hoa như: Giải “Người đẹp Mimosa” được trao cho người có nụ cười đẹp - thí sinh Bùi Thanh Hương, dân tộc Mường; danh hiệu “Người đẹp hoa Tuy líp” dành cho người có làn da đẹp là thí sinh Lò Thị Hà, dân tộc Thái... Tất cả đều nhận được sự tán thưởng của hơn 10.000 khán giả đến tham dự, chứng kiến đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam.
Đêm chung kết cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007” dù là lần đầu tiên được tổ chức, tuy còn có một số lúng túng nhất định nhưng bước đầu đã có thể nói là thành công. Đây là một cuộc thi thực sự khó do đa số các thí sinh là người dân tộc ít người, cuộc sống còn rất khó khăn. Nhiều thí sinh còn chưa từng đi ra ngoài tỉnh, chưa từng đi giày cao gót... Tuy nhiên, nếu ai đã từng chứng kiến các vòng sơ tuyển, bán kết thì đều có thể nhận thấy, các thí sinh tham dự cuộc thi đã tiến bộ một cách đáng ngạc nhiên. Trong đêm chung kết, không ai còn thấy sự ngượng ngùng, lúng túng trong những động tác thể hiện, biểu diễn của các thí sinh. Bên cạnh đó, người xem cũng thấy rất rõ những nét đặc trưng độc đáo, đầy bản sắc dân tộc trong cách ăn mặc, ứng xử, trong giọng nói... của nhiều thí sinh đến từ các làng, bản, từ nhiều vùng miền của Tổ quốc.
Trong ánh sáng tưng bừng, lộng lẫy của đêm pháo hoa, kết thúc đêm chung kết, nhiều người tham dự như có tâm trạng chung là mong lại thấy năm sau, cuộc thi khá độc đáo này còn được tổ chức, tốt hơn, với qui mô rộng hơn, nghĩa là không phải 24 mà đủ cả 54 dân tộc Việt Nam, với các thí sinh được tuyển chọn kỹ càng hơn, để giải hoa hậu này không chỉ là cuộc ganh đua sắc đẹp, tài năng giữa các cô gái đẹp nhất của các dân tộc, mà còn là một cuộc thi thể hiện sự giao lưu văn hoá, tình đoàn kết, hữu nghị thắm thiết giữa các dân tộc Việt Nam.
M.Q
Bình luận (0)