Cô gái gác bằng dược sĩ, đưa bánh dân gian Nam bộ 'xuất ngoại'

13/03/2023 14:48 GMT+7

Tốt nghiệp đại học ngành dược nhưng Trần Thị Lê Uyên (29 tuổi, ngụ P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) rẽ hướng với nghề làm bánh dân gian Nam bộ.

Góp phần làm thăng hoa hương vị quê nhà

Uyên kể từ thời sinh viên đã tự học làm bánh dân gian bán lấy tiền trang trải tiền học phí và sinh hoạt hằng ngày. Tốt nghiệp ngành dược Trường ĐH Tây Đô, Uyên có việc làm đúng chuyên ngành. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn, nhận thấy công việc không còn phù hợp nên Uyên quyết định rẽ hướng với nghề làm bánh dân gian Nam bộ. 

"Gia đình không có truyền thống làm bánh dân gian, nhưng vì đam mê nên tôi chọn lối đi riêng để góp phần làm thăng hoa hương vị quê nhà", Uyên chia sẻ.

Cô gái gác bằng dược sĩ, đưa bánh dân gian Nam bộ “xuất ngoại” - Ảnh 1.

Vợ chồng Uyên cùng làm chè trôi nước hoa sen

DUY TÂN

Năm 2017, Uyên đến Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) học làm bánh. Trong vô số loại bánh dân gian, Uyên chọn bánh khoai môn gân, sau đó học làm thêm bánh da lợn, bánh bò, chè trôi nước cách tân… 

"Ban đầu, tôi học cách làm bánh khoai môn gân từ một cụ bà. Sau thời gian lĩnh hội được cách làm, tôi tự mài mò công thức để cho ra những chiếc bánh hoàn thiện. Những loại bánh khác cũng phải tìm thầy để học, có khi một loại bánh phải học đến 2 - 3 thầy. Ngoài ra, tôi phải tự tìm tòi, học hỏi thêm để tìm ra công thức làm ra chiếc bánh ngon và hợp thị hiếu", Uyên cho biết.

Cô gái gác bằng dược sĩ, đưa bánh dân gian Nam bộ “xuất ngoại” - Ảnh 2.

Chè trôi nước được Uyên cách tân với hình hoa sen

DUY TÂN

Đến nay, Uyên đã làm hơn 20 loại bánh dân gian. Bánh ngon và bắt mắt từ kiểu dáng đến màu sắc. Đặc biệt, Uyên không dùng phẩm màu mà sử dụng màu "cây nhà lá vườn", như: bông đậu biếc, trái gấc, lá cẩm, lá dứa, củ dền…

Một trong những món được khách hàng ưa chuộng nhất là chè trôi nước cách tân (chè hoa sen) thường được Uyên làm những ngày rằm. Mỗi hộp có 6 bánh với tạo hình bông sen màu hồng, màu trắng cùng với gương, lá và búp sen. Tất cả đều làm từ màu tự nhiên, như màu xanh từ lá dứa, màu vàng từ trái dành dành, màu hồng từ củ dền.

Cô gái gác bằng dược sĩ, đưa bánh dân gian Nam bộ “xuất ngoại” - Ảnh 3.

Những mẻ chè trôi được cách tân với hình dáng, màu sắc bắt mắt

DUY TÂN

Đưa bánh dân gian Nam bộ "xuất ngoại"

Hiện tại, cơ sở của Uyên chủ yếu bán sỉ với số lượng lớn. Để đáp ứng đơn hàng của khách, Uyên còn liên kết với nhiều lò bánh ở các tỉnh, thành miền Tây để lấy đặc sản vùng miền như bánh tét Cần Thơ, bánh lá dừa Bến Tre, bánh ít Đồng Tháp, bánh khéo Cà Mau…

Cô gái gác bằng dược sĩ, đưa bánh dân gian Nam bộ “xuất ngoại” - Ảnh 4.

Uyên phụ trách công đoạn nhồi bột

DUY TÂN

Vừa qua, chị Uyên đã sáng tạo ra bánh da lợn ca rô. Bánh được kết hợp màu sắc lạ mắt và thêm khoai môn vào từng lớp bánh nhưng vẫn giữ được tinh túy từ hương thơm, độ béo, độ dai.

Ðặc biệt, hằng tháng sản phẩm bánh dân gian của Uyên được xuất bán sang thị trường ngoài nước như Úc, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Campuchia… theo dạng xách tay và chuyển phát quốc tế.

Cô gái gác bằng dược sĩ, đưa bánh dân gian Nam bộ “xuất ngoại” - Ảnh 5.

Chè trôi đem hấp trước khi bỏ vào hộp giao cho khách

DUY TÂN

Khởi nghiệp thành công từ công việc yêu thích, Uyên hiện là chủ của cửa hàng bánh mang tên Uyên Trần Food. Bình quân mỗi tháng cửa hàng có doanh thu gần 100 triệu đồng; riêng mùa tết doanh thu hơn 300 triệu đồng.

Cô gái gác bằng dược sĩ, đưa bánh dân gian Nam bộ “xuất ngoại” - Ảnh 6.

Những loại bánh dân gian tại cơ sở của Uyên

DUY TÂN

Nhiều lúc đơn hàng quá tải, vợ chồng Uyên phải làm suốt 2 ngày đêm để hoàn thành. "Tôi vui vì có chồng phụ. Lúc trước, anh ất làm nghề sửa xe, giờ chuyển qua phụ tôi luôn. Tay nghề rất khéo nên anh thường phụ nhào bột hoặc tạo hình bánh. Ngoài ra, tôi còn phải thuê thêm 2 thợ phụ mới đảm bảo tiến độ bánh làm ra", Uyên chia sẻ.

Hiện nay, lò bánh dân gian Nam bộ mang tên Uyên Trần Food thường xuyên đỏ lửa, thơm nức mùi bánh quê và là điểm đến của nhiều khách hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.