Khởi nghiệp để không còn chuyện 'giải cứu' thanh long

01/03/2023 07:00 GMT+7

Sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận, chứng kiến cảnh gia đình và người dân địa phương thất thu vì được mùa mất giá, chị Trần Thị Kim Lĩnh (30 tuổi) quyết tâm khởi nghiệp với các sản phẩm làm từ trái thanh long tươi để giải quyết đầu ra ổn định cho loại trái cây này.

Cuối năm 2009, nhiều hộ nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, trong đó có gia đình chị Lĩnh, phải đổ bỏ thanh long rất nhiều vì giá bán chỉ 200 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. Nhà nghèo, bố bị bệnh, mẹ chị Lĩnh gồng gánh chăm lo gia đình và nuôi hai chị em ăn học bằng thu nhập chính từ trái thanh long. Vì thế, chị Lĩnh khao khát được làm một việc gì đó để giúp mẹ và những người nông dân tỉnh nhà giảm bớt áp lực tiêu thụ thanh long tươi.

Khởi nghiệp để không còn chuyện “giải cứu” thanh long   - Ảnh 1.

Sau nhiều năm nghiên cứu, chị Kim Lĩnh đã cho ra 13 sản phẩm chế biến từ thanh long

NVCC

Thế là cô gái 9X bắt tay vào nghiên cứu, chế biến sản phẩm nước giải khát từ trái thanh long khi đang là sinh viên năm nhất ngành công nghệ sau thu hoạch của Trường CĐ Cộng đồng Bình Thuận. Sau 6 tháng nghiên cứu, chị đã "trình làng" sản phẩm đầu tay là nước ép thanh long lên men tự nhiên. Nhưng không có điều kiện để phát triển sản phẩm, chị tiếp tục vừa học vừa thực hành, kết hợp bán sản phẩm thô cho các đơn vị nghiên cứu khác để có thêm thu nhập chi trả chi phí ăn học.

Không ngừng nỗ lực, đến tháng 9.2019, cơ sở Bảo Long Bình Thuận ra đời với dòng sản phẩm chính là nước ép thanh long lên men tự nhiên. Sau 10 năm nghiên cứu, chị Lĩnh đã cho ra 13 sản phẩm chế biến từ thanh long như nước ép, kẹo dẻo, rượu đế… Đặc biệt, chị chuẩn bị ra mắt một số dòng sản phẩm mới như mạch nha, thạch, kombucha và kẹo chip thanh long.

Hiện tại, ngoài việc tiếp tục cung cấp sản phẩm thô cho các đơn vị khác, mỗi tháng cơ sở sản xuất của chị Lĩnh cung ứng 12.000 lít tương đương 24.000 chai nước ép thanh long lên men tự nhiên. Chị tập trung phân phối sản phẩm đến các đại lý, với chi phí chiết khấu là 75.000 đồng/chai, riêng giá bán lẻ là 125.000 đồng/chai. Nguồn nguyên liệu được chị Lĩnh sử dụng là thanh long tươi từ vườn nhà trồng và chọn từ các hợp tác xã thanh long hữu cơ trên địa bàn.

Mô hình khởi nghiệp của chị Lĩnh không chỉ đóng góp một phần vào thúc đẩy kinh tế của tỉnh Bình Thuận, giảm áp lực tiêu thụ thanh long cho người trồng, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện cơ sở kinh doanh của chị Lĩnh có hơn 20 công nhân là chị em phụ nữ của tỉnh Bình Thuận.

Xây dựng thương hiệu với tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng chất bảo quản, không chất tạo màu, sản phẩm nước ép thanh long lên men tự nhiên do chị Lĩnh sản xuất được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao năm 2021; được Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP.Hà Nội trao giải "Thương hiệu Việt được tin dùng năm 2022"; đạt giải nhất cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bình Thuận năm 2022"; là "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022"…

Anh Nguyễn Trọng Tùng, quyền Trưởng ban Phong trào, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Thuận, nhìn nhận: "Kim Lĩnh là một bạn trẻ có tình yêu và tâm huyết lớn với trái thanh long của địa phương. Khởi nghiệp với nhiều khó khăn, trải qua một quá trình dài nhưng bạn không hề chùn bước mà luôn cố gắng và đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Lĩnh cũng được tỉnh mời tham gia nhiều triển lãm sản phẩm nông nghiệp trên toàn quốc để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm. Hy vọng không chỉ các sản phẩm từ thanh long, các bạn trẻ có thể cố gắng phấn đấu tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch khác".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.