Cô gái mê công nghệ tế bào gốc

02/02/2012 10:51 GMT+7

Miệt mài thí nghiệm suốt sáu tháng, Nguyễn Thị Mai (khoa công nghệ sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) đã nghiên cứu thành công mô hình ruồi giấm chuyển gen ứng dụng trong nghiên cứu cơ chế phát bệnh Parkinson.

Miệt mài thí nghiệm suốt sáu tháng, Nguyễn Thị Mai (khoa công nghệ sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) đã nghiên cứu thành công mô hình ruồi giấm chuyển gen ứng dụng trong nghiên cứu cơ chế phát bệnh Parkinson (*).

 
Say mê công nghệ sinh học, Nguyễn Thị Mai đã quyết định đi theo con đường nghiên cứu khoa học mà mình lựa chọn - Ảnh: Mai Vinh

Đề tài của Mai vừa đoạt giải đặc biệt tại Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần 13-2011.

Cô tân cử nhân loại giỏi ngành công nghệ sinh học này từng bỏ qua ngôi thủ khoa ngành tài chính ngân hàng, á khoa khoa kinh tế - luật (nay là ĐH Kinh tế-luật ĐHQG TP.HCM) để theo đuổi đam mê khoa học của mình.

Nhà Mai ở ngoại thành TP Đà Lạt, là con gái út trong gia đình có hai anh em. Suốt 12 năm học Mai luôn đạt học sinh giỏi. Cô thích thú với những nguyên tố, phân tử, các phản ứng hóa học ngay từ khi tiếp cận môn hóa học năm lớp 8. Năm lớp 12, Mai xuất sắc đoạt giải học sinh giỏi tỉnh môn hóa học. Đến mùa tuyển sinh 2007, vượt qua áp lực từ gia đình, Mai quyết định theo học ngành công nghệ sinh học. Rồi từ một lần tình cờ xem chương trình truyền hình “Người đương thời” đang giới thiệu thầy giáo Phan Kim Ngọc (giảng viên khoa sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG TP.HCM) trò chuyện về công nghệ tế bào gốc, Mai đã yêu thích ngành khoa học trẻ này từ hồi ấy.

Để thực hiện đề tài, Mai đã dành bốn tháng chỉ để đọc, nghiên cứu nhiều loại sách nước ngoài liên quan. “Đề tài này lần đầu mình thí nghiệm trên ruồi giấm nên khá vất vả, phức tạp hơn rất nhiều thí nghiệm trên vi khuẩn những lần trước. Thí nghiệm đòi hỏi phải đúng giờ và liên tục. Nhiều lúc đang đói cũng không được ra khỏi phòng thí nghiệm. Trong suốt quá trình nghiên cứu, hơn 15 lần thí nghiệm không cho ra kết quả, có khi nản muốn bỏ cuộc nhưng nhờ sự động viên của cô giáo hướng dẫn, mình đã vượt qua thất bại...”, Mai chia sẻ những khó khăn trong thời gian nghiên cứu.

PGS.TSKH Ngô Kế Sương - phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, chủ tịch hội đồng giám khảo lĩnh vực khoa học tự nhiên Euréka 2011 - đánh giá cao việc nghiên cứu thành công cơ chế phát sinh bệnh Parkinson của đề tài. Theo ông, tác giả đã vận dụng thành công quá trình chuyển gen và biểu hiện thành công protein gen người, bên trong mô não các dòng ruồi chuyển gen. Với ưu điểm dễ nuôi, chi phí đầu tư ít, tương đồng với bộ gen người, việc ứng dụng mô hình nghiên cứu ruồi giấm trong nghiên cứu bệnh đã cho thấy hướng đi mới, đầy tiềm năng trong nghiên cứu cơ bản ở VN.

Theo Tuổi Trẻ 

(*) Parkinson là một bệnh rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương làm suy yếu khả năng vận động, lời nói, và các chức năng khác. Bệnh phổ biến ở người già.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.