Cô gái Mường ở Quảng Nam tốt nghiệp Đại học Sư phạm phải đi làm công nhân may vì xin mãi không được việc, nhưng một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho là ‘còn may hơn những em khác'.
Bùi Thị Kiều: 'Em đi xin việc nhiều nơi nhưng chưa nơi nào chịu nhận - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh |
Diễn đàn gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với cán bộ đoàn viên - thanh niên do Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức sáng nay, 22.3, có vài kiến nghị có cảm giác “lạc đề” khi tranh thủ đánh tiếng xin việc. Nhưng tìm hiểu kỹ, lại thấy câu chuyện việc làm của ngành sư phạm là mối lo chung.
Ý kiến của Bùi Thị Kiều, cô gái Mường ở xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My), được hội trường vỗ tay động viên. “Em tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quảng Nam đã một năm, đi xin việc nhiều nơi nhưng chưa nơi nào chịu nhận, phải đi làm công nhân may”, Kiều kể.
Quang cảnh diễn đàn đối thoại sáng nay 22.3 - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
|
Tốt nghiệp tháng 6.2015 ngành sinh học, nhưng hiện Kiều đang đầu quân cho Công ty may Hòa Thọ ở huyện Phú Ninh. Để được đối thoại, cô gái Mường đã phải xin phép công ty cho nghỉ làm một buổi.
Hoàn cảnh này quá khác biệt so với thời điểm cô mới vừa thi đỗ đại học, hồi năm 2011. Lúc đó, Kiều là học sinh đầu tiên của Trường phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa (huyện Bắc Trà My) bước chân vào đại học. Nhưng mọi chuyện ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi người cha bất ngờ qua đời hồi năm 2014. Gia đình người dân tộc thiểu số nằm trong diện hộ nghèo này giờ chỉ có 3 mẹ con đùm bọc lẫn nhau.
“Vẫn còn may hơn nhiều em khác!”
Nhiều người dự khán chờ nghe ý kiến trao đổi của đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, xung quanh trường hợp của cô gái Mường. Nhưng không có gợi ý nào mới khi ông Lê Văn Chính, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhận xét: “Đi may ở Phú Ninh là vẫn… còn may hơn nhiều em khác!”.
Giải thích thêm với Thanh Niên về “nhận xét” này, ông Chính khẳng định rất chia sẻ với hoàn cảnh của Kiều, nhưng câu chuyện việc làm trong ngành sư phạm quả thực là một bài toán khó. “Rõ ràng là so với những sinh viên tốt nghiệp khác, Kiều vẫn may mắn hơn khi kiếm được một việc làm”, ông Chính nói.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Văn Chính: 'Đi may là vẫn… còn may hơn nhiều em khác!' - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh
|
Sẽ là bài toán khó nữa, khi ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam chính thức giao chỉ tiêu cho Tỉnh đoàn phải “xóa nghèo” cho 4.500 thanh niên trong vòng 2 năm.
Chưa rõ liệu cô gái Mường và nhiều sinh viên thất nghiệp khác có phải “gia nhập” lực lượng cần xóa nghèo hay không, nhưng trước mắt tình trạng này rất đáng quan ngại.
Sáng nay, một đại biểu thanh niên của Trường đại học Quảng Nam khiến hội trường cười ồ khi so sánh: ngành sư phạm thu hút sinh viên theo học nhiều nhất, nhưng cũng chịu cảnh thất nghiệp nhiều nhất. Thậm chí ngay cả khi xin được việc cũng chưa hẳn đã suôn sẻ.
Sáng nay, một đại biểu thanh niên của Trường đại học Quảng Nam khiến hội trường cười ồ khi so sánh: ngành sư phạm thu hút sinh viên theo học nhiều nhất, nhưng cũng chịu cảnh thất nghiệp nhiều nhất. Thậm chí ngay cả khi xin được việc cũng chưa hẳn đã suôn sẻ.
Bình luận (0)