|
Bị khuyết tật bẩm sinh nên đã 34 tuổi nhưng chị Hòa vẫn như đứa trẻ 3 tuổi, nặng chỉ hơn 10 kg, không ngồi và đi lại được. Thế giới của chị Hòa là chiếc giường rộng hơn 3 m2. Mỗi lần viết chữ, chị lại kê cằm lên một hộp giấy làm điểm tựa, bàn tay phải dị dạng quặp lấy chiếc bút rồi viết. Chị biết đọc chữ năm 19 tuổi, do em trai dạy; năm 2010, chị bắt đầu tập viết. Những ngày đầu rất đau tay nhưng chị Hòa đã rèn luyện mỗi ngày để chữ đẹp hơn.
Mọi sinh hoạt hằng ngày của chị đều phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân. Mỗi sáng thức dậy, vợ chồng ông Nguyễn Đình Nghĩa (bố mẹ chị Hòa) lại bê một chậu nước ấm, khăn mặt, bàn chải đặt ở đầu giường và đánh răng, rửa mặt cho con gái. Đến bữa ăn, chị được bế xuống và tự xúc cơm ăn.
Ông Nghĩa cho biết, vợ chồng ông đã từng khóc rất nhiều khi thấy đứa con không lành lặn lúc chào đời. Bế con gái đi khắp các bệnh viện với hy vọng chữa khỏi nhưng rồi ông đành chấp nhận số phận mang về nhà chăm sóc. Lớn lên, chị Hòa biết được khiếm khuyết của cơ thể nên rất tự ti vào bản thân mình. Mỗi khi nhà có khách, Hòa thường trốn trong chăn.
Sau một trận ốm tưởng chết, chị Hòa nhận thấy việc đọc chữ nhanh hơn nên đã nhờ bố mẹ đi mượn sách, báo về đọc. Ông Nghĩa, năm nay đã 60 tuổi, chia sẻ: “Lúc đầu cả nhà đều cho rằng tàn tật thì học cũng chẳng để làm gì. Thế nhưng sau đó thấy Hòa đọc sách báo vanh vách nên vợ chồng tôi đi mua sách tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học về cho con gái học”.
Một người hàng xóm biết chuyện cũng đã cho chị Hòa mượn cuốn Truyện Kiều. Phía cuối giường Hòa nằm là một giá sách nhỏ để sách vở, hộp bút, là góc học tập của cô gái khuyết tật. “Giờ mình đã tự học xong tiếng Việt lớp 5”, Hòa khoe.
Chị còn làm thơ, viết truyện ngắn. Trong một bài thơ, Hòa viết: “Cuộc đời có những giấc mơ/Thế gian có những bài thơ không lời/Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi/Mặc cho sóng biển đưa tôi theo dòng/Thuyền kia chẳng có ai mong/Như tôi cứ mãi long đong một đời/Ngày cười cho bớt đau thôi/Đêm về ôm gối ngậm ngùi xót xa/Thương người người chẳng nhớ ta/Hóa ra chỉ có mình ta nhớ người”.
Mấy tháng trước, một người hảo tâm tặng Hòa một chiếc máy tính xách tay cũ. Qua một vài lần hướng dẫn, chị đã biết gõ văn bản thành thạo và cũng có tài khoản Facebook để trò chuyện với những người cùng cảnh ngộ khắp nơi. Chị cũng để dành trợ cấp để mua một chiếc điện thoại để trò chuyện với bạn bè bốn phương.
Trong tự truyện Một ngày của nó, Hòa ngậm ngùi viết: “Còn nó lúc đó bắt đầu đi chơi. Nói là đi chơi cho oai thôi chứ thật ra nó cũng chỉ lang thang trên mạng... Nó chỉ vui với cái điện thoại mà thôi. Dường như điện thoại cũng vui khi nó vui, cũng buồn khi nó buồn. Nếu nó vui thì nó mở máy ra để chơi còn nếu nó buồn thì dường như điện thoại cũng nằm im lắng nghe giọt nước mắt chảy xuống đôi má gầy...”.
Hiện, hằng tháng chị Hòa được hưởng trợ cấp dành cho người tàn tật là 360.000 đồng.
Mọi sự giúp đỡ, bạn đọc liên hệ theo địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. ĐT: 0904.171.074 |
Vũ Ngọc Khánh
>> Giúp người trẻ rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp
>> Giúp người mù
>> Trợ giúp người nghèo đón Tết Nguyên đán
>> Bạn đọc Báo Thanh Niên giúp người dân Philippines hơn 100 triệu đồng
>> Giúp người học định hướng nghề nghiệp
Bình luận (0)