Chỉ có 30 video đăng tải trên mạng xã hội nhưng kênh Thôn nữ của Lâm Anh đã thu hút hàng triệu người theo dõi. Cư dân mạng thích thú với món cá trắm kho riềng hay cháo lươn đặc sản xứ Nghệ khi có gần 2 triệu lượt xem và vô vàn lời khen.
DÁM THỬ THÁCH BẢN THÂN
Lâm Anh là sinh viên năm 2 ngành kế toán, Trường ĐH Vinh. Theo cha mẹ lên TP.Vinh sinh sống từ bé nên cô không quen việc làm nông. Tuy nhiên, cô muốn phát triển kênh chuyên về ẩm thực vì luôn nhớ cuộc sống yên bình, những món ngon vườn nhà mà ông bà nội nấu khi về thăm quê ở H.Hưng Nguyên. Ngoài những món ăn đặc trưng Nghệ An, Lâm Anh cũng nấu nhiều món đặc sản mọi miền đất nước.
Tự nhận không giỏi nấu nướng nên Lâm Anh phải học hỏi nhiều công thức, thử nấu nhiều lần. Ngoài ra, những công việc như trộn hồ xây tường, xây bếp, cưa tre làm chuồng gà…, cô tự mình làm hết. Trên hình, nhiều người trầm trồ bởi nét đẹp trong trẻo của cô gái, nhưng ít ai biết rằng tay chân Lâm Anh chai sần đi nhiều, vết sẹo cũng chi chít. Những video đầu tiên, các thao tác của cô còn chậm, người xem tinh ý nhận ra để lại những bình luận góp ý và đó là động lực để cô trau dồi mình hơn.
Lâm Anh chủ động về thời khóa biểu nên có thể vừa học vừa sản xuất video và đặt mục tiêu tốt nghiệp đại học, chinh phục thêm nhiều tấm bằng khác nữa. "Cuộc sống hiện đại khiến nhiều người mải chạy theo guồng công việc. Em mong video của mình có thể mang đến cho mọi người những giây phút thư giãn nhẹ nhàng, cảm nhận cuộc sống yên bình vẫn quanh ta", Lâm Anh chia sẻ.
Vốn sống ở thành phố, Lâm Anh phải mượn căn nhà của người quen ở H.Nam Đàn để làm bối cảnh. Cô cũng đi khảo sát, chọn những địa điểm quay phù hợp để giới thiệu thêm nhiều cảnh làng quê yên bình. "Nông thôn VN bây giờ đã phát triển, thay đổi rất nhiều nên việc tìm bối cảnh gợi không gian, ký ức xưa đôi khi mất nhiều thời gian. Có video, riêng quãng đường đi về gần 600 km", cô chia sẻ.
Muốn những điều tốt đẹp lan tỏa nhiều hơn
Khi làm kênh Thôn nữ, Lâm Anh không nghĩ nội dung của mình được đón nhận nhanh đến vậy, nhất là khi đã có những kênh nổi tiếng về ẩm thực. Cô đúc kết, cùng một món ăn nhưng ở mỗi địa phương, thậm chí là từng nhà, đều có cách chế biến khác nhau, tạo nên sự phong phú của ẩm thực Việt. "Càng nhiều người làm thì những điều tốt đẹp của VN sẽ được lan tỏa nhiều hơn", Lâm Anh nói.
Hiện tại, cô gái có kế hoạch xây dựng những chương trình giúp đỡ cộng đồng, các em nhỏ khó khăn. "Theo em thì trước khi muốn làm điều gì đó cho bản thân, mình phải là người sống có trách nhiệm với xã hội đã", Lâm Anh nói. Mới đây, khi đến Kỳ Sơn, một huyện miền núi phía tây của Nghệ An, để quay cảnh vườn mận, Lâm Anh được bà con nhờ hỗ trợ bán mận. Dù chưa từng có kinh nghiệm bán hàng online nhưng cô vẫn nhận lời. Lần đó, chỉ sau một giờ livestream trên kênh Tiktok Thôn nữ, Lâm Anh đã giúp bà con chốt đơn được gần 2 tấn mận.
Trong vườn của Lâm Anh trồng rất nhiều rau củ quả, ngoài việc phục vụ quay video, tới thời điểm thu hoạch cô gửi tặng phần lớn cho bếp ăn 0 đồng ở TP.Vinh, Nghệ An để nấu những bữa ăn ngon cho bệnh nhân.
Anh Mai Tú (32 tuổi), người lập bếp ăn 0 đồng ở gần BV Đa khoa TP.Vinh, cho biết cứ khoảng 1 tuần Lâm Anh lại gửi rau củ quả đến. Để đảm bảo độ tươi ngon nên anh chỉ nhận vừa đủ cho 2 ngày nấu cơm. "Rau củ nhà trồng nên đảm bảo tươi, sạch. Bếp ăn 0 đồng sẽ duy trì được lâu hơn nhờ nhận được sự hỗ trợ từ những nhà hảo tâm như Lâm Anh", anh Tú chia sẻ.
Bình luận (0)