Năm 2017, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mỹ thuật Trường ĐH Đồng Tháp, chị Thảo đi dạy vẽ và làm bánh bán để nuôi dưỡng đam mê vẽ tranh. Đến năm 2018, có trong tay ít vốn, chị nhận làm những dòng tranh đa chất liệu như: tranh xé dán, tranh vải vụn, tranh sơn khắc, tranh sơn dầu… Chủ đề được chị Thảo chọn hầu hết là giới thiệu về con người, nét đẹp văn hóa, di tích lịch sử Việt Nam, đặc biệt là quê nhà Vĩnh Long.
Mong muốn tìm hướng đi mới và góp phần giữ giữ làng nghề truyền thống của quê hương, năm 2020, chị Thảo bắt đầu thực hiện ý tưởng vẽ tranh trên chất liệu gốm đỏ Mang Thít, với nhiều chủ đề như: phong cảnh, di tích văn hóa, lịch sử ở Vĩnh Long (chùa Ông, chùa Bà Thiên Hậu, Văn Thánh Miếu), sông nước miệt vườn… Đặc biệt, chị còn nhận vẽ tranh chân dung trên nền gốm và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng.
"Nghề làm gạch, làm gốm ở H.Mang Thít (Vĩnh Long) đã hơn 100 năm tuổi, nhưng thời gian gần đây dần mai một. Mong muốn gìn giữ làng nghề truyền thống, tôi quyết định chọn chất liệu gốm đỏ để sáng tạo nghệ thuật, quảng bá du lịch nói chung và làng nghề gốm đỏ nói riêng. Ngoài ra, Vĩnh Long cũng chưa có sản phẩm quà lưu niệm mang nét đặc trưng để du khách có thể nhớ đến nên tôi muốn đưa tranh vẽ vào để tạo ra sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của vùng đất quê mình", chị Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, việc vẽ tranh trên nền gốm không dễ dàng, sau nhiều lần thất bại, chị Thảo mới nghiên cứu ra công thức hoàn chỉnh nhất. Công đoạn vẽ cũng phức tạp, từ việc chọn địa danh sao cho đặc biệt đến phác thảo trên giấy rồi vẽ chồng lên nhiều lớp để ra màu sắc như ý… Mỗi sản phẩm mất khoảng từ 3 - 5 tiếng mới hoàn thiện.
"Cái khó của vẽ tranh gốm là phải vẽ chồng nhiều lớp mới ra màu sắc đẹp như mình mong muốn. Một bức tranh trên nền gốm đẹp là phải làm sao đưa hình ảnh phác thảo vào tranh để cân đối với kiểu dáng của gốm. Từng thử sức với nhiều thể loại tranh, nhưng đến cuối cùng dòng tranh gốm lại có sức hút đặc biệt để tôi gắn bó đường dài", chị Thảo chia sẻ.
Tranh gốm đỏ được bán với giá 250.000 - 400.000 đồng/sản phẩm. Mỗi ngày, chị Thảo hoàn thành 2 - 3 sản phẩm, thu nhập từ 500.000 đến hơn 1 triệu đồng.
Bên cạnh vẽ tranh, chị còn nhiệt tình hướng dẫn cho gần 20 học sinh các cấp vẽ tranh lên gỗ, đá cuội và chủ yếu là vẽ lên sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long. Hiện, chị còn mở lớp dạy nghề miễn phí cho những bạn trẻ có cùng đam mê vẽ tranh trên nền gốm đỏ.
Anh Trần Công Khánh, Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long, cho biết chị Thảo đã góp phần tiêu thụ sản phẩm gốm đỏ của quê hương, tạo việc làm cho sinh viên qua việc vẽ tranh. Qua những tác phẩm nghệ thuật trên nền gồm đỏ, chị đã làm nổi bật hình ảnh đời sống sinh hoạt, nét văn hóa, lịch sử của quê hương.
Bình luận (0)