(iHay) Trước ngày bay sang Ấn Độ, Võ Thị Mỹ Linh (cô gái Việt 'gây bão' trên cộng đồng mạng khi sống sót kỳ diệu sau cơn bão tuyết trên dãy núi Annapurna (Nepal) ngày 14.10 vừa qua) nhắn tin mời tôi cà phê chia tay bởi cô sẽ đi 6 tháng sau mới về.
>> Cô gái Việt thoát chết trong cơn bão tử thần ở Nepal
|
Tưởng “dọa”, ai ngờ Linh đã quyết định nghỉ việc để 'chu du thiên hạ'. Linh giải thích ngắn gọn là để biết thế giới bên ngoài rộng lớn thế nào. Linh thuộc tuýp con gái cũng thích màu mè, có chút kiểu cách nhưng bộc trực, thẳng tính và sẵn sàng bộc lộ bản năng của mình một cách mạnh mẽ nhất.
Về lý do quyết định bỏ làm đi du lịch, Linh kể do luôn có ước mơ được đi du học nhưng nhà không có điều kiện, rồi lớn lên phải lao vào làm lụng để kiếm tiền trang trải cuộc sống nên cũng dần từ bỏ giấc mơ
Nghỉ ngơi sau chuyến leo núi, sức khỏe đã hồi phục song hai cánh tay Linh tróc da một lần rồi nay vẫn còn sạm đen do bị bỏng lạnh nặng. Linh kể bác sĩ bảo cô bị hoại tử nhẹ một số vùng da tay nên khó trắng trở lại như trước. Linh vừa trò chuyện về những chuyến đi, vừa tình cờ mở lòng về đề tài “trinh tiết” một cách nghiêm túc chứ không hề “chém gió”.
* Trong một status viết sau khi thoát chết trở về từ cơn bão tuyết, bạn nói chẳng có gì vĩ đại đằng sau việc bạn đã vượt qua và trở về an toàn. Nhiều người bảo bạn chảnh chọe đó?
Thoát chết, cũng chẳng vui hơn hay buồn đi. Thực sự là đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mình trở thành anh hùng trong mắt mọi người. Có một anh bạn bảo anh ngưỡng mộ tôi vì tôi dám chinh phục độ cao còn anh già rồi nên rất sợ. Nhưng nếu ai đó ngưỡng mộ chỉ vì vậy thì tôi có một câu dành tặng cho họ: “Nguy hiểm là có thật. Nhưng sợ hãi chỉ là sự lựa chọn. Nỗi sợ của con người đều do trí tưởng tượng mà ra.”
Còn lại, tôi chỉ là một cô gái tầm thường, đi leo núi với mục đích tầm thường, sống sót sau cơn bão cũng là chuyện tầm thường. Hàng trăm người khác vẫn sống sót như tôi đấy thôi. Tôi cũng đọc báo về cơn bão, thấy có những người xả thân cứu hàng trăm người khác, cũng có người vì cứu bạn rồi cuối cùng chết vì kiệt sức. Tôi nghĩ đó mới là những anh hùng thật sự.
|
Và những người phụ nữ, những cô gái Việt Nam ở quê nhà, họ cũng xứng đáng là những anh hùng. Vì khi đi thế này, tôi nhận ra thế giới là một bức tranh đẹp tuyệt vời để khám phá, nên chẳng thể ngừng nổi những chuyến đi. Nhưng những người phụ nữ ở quê, họ sẵn sàng từ chối bức tranh đẹp tuyệt vời đang vẫy gọi đó vì hai chữ chồng con. Tôi chịu, chả cao thượng để hy sinh như họ.
|
* Trong cơn bão tuyết ấy, Linh có sợ chết không? Trong khoảnh khắc sinh tử ấy, điều gì khiến bạn tiếc nuối nhất khi có tình huống xấu xảy ra?
Tôi không tiếc nuối cũng không sợ chết. Vì tôi nghĩ đời người ai cũng phải chết, chết trước thì có người khóc tiễn đưa mình, tính ra cũng vui. Còn chuyện tiếc nuối, sao tôi phải tiếc nuối khi tôi chết vì thực hiện mục tiêu của đời mình chứ không phải buồn chán leo núi mà chết.
Trước khi đi tôi có gặp vài người bạn làm hướng dẫn viên du lịch. Một trong số này có anh bạn tên Bikram. Anh nhìn tôi một hồi từ trên xuống dưới và bảo: "Tướng cô chắc không leo Annapurna Circuit được đâu, cô sẽ chết đấy, tôi không nói đùa". Nên trước khi đi, tôi dự trù khả năng mình chết...
Thật ra, không phải ai cũng có cơ hội lâm vào đường cùng giống trường hợp tôi vừa trải qua nên họ không biết trong con người họ luôn tiềm ẩn khả năng sinh tồn thế nào. Cứ ví như việc hàng ngày bạn đi thôi cũng chậm, nhưng nếu có con chó dại rượt đuổi, trước mặt có bức tường cao cả mét, họ vẫn có thể nhảy qua.
* Lúc rời Việt Nam quyết định đi Ấn Độ và sau này là Nepal, bạn mang theo “cả gia tài” là khoảng bao nhiêu?
3.000 USD. Nhưng tôi dành ra 1.000 USD để mua vé máy bay. 2.000 USD còn lại thì chia ra 1.000 USD sống ở Ấn Độ và 1.000 USD ở Nepal. Nhưng ở Ấn Độ, vì tôi phải chi trả chi phí cho việc học tiếng Anh, yoga, thiền... lại bị hai cô bạn cùng phòng lừa nên cuộc sống rất chật vật, ngày nào cũng ăn trứng với bánh mì để sống.
* Ở Ấn Độ, Linh có đi làm thêm không?
Không vì ở Ấn Độ người nghèo nhiều, nhân công thừa nên rất khó để kiếm một công việc làm thêm và có thuê họ cũng thuê người bản địa cho khỏe chứ người nước ngoài thì bất đồng ngôn ngữ. Những người trong khu ổ chuột đi làm giúp việc được trả công thấp lắm, làm cả tháng chỉ được 30 USD thôi.
Ôm khư khư bảng “tiết hạnh” rồi cũng chẳng ai ghi công
* Trên Facebook, Linh hay đề cập hay nói đúng hơn là “than vãn” về tình trạng còn trinh của mình. Bạn quan niệm thế nào về trinh tiết với con gái thời nay?
Tôi không đánh giá nhân cách của người phụ nữ qua việc còn trinh hay mất trinh. Bạn yêu, sống hết mình với tình yêu, cho đi tiết hạnh thì tôi gọi đó là sự can đảm. Bạn không dám sống hết mình với tình yêu thì đó là sự thận trọng vì bạn tôn thờ tình yêu. Cái nào cũng đáng trân trọng. Như có dạo tôi nghe có cô bạn bảo, yêu mà gặp ai cũng sex thì khác gì loài thú đâu. Một cô bạn khác của tôi đáp lại, yêu mà không biết sex thì còn thua cả cầm thú vì thú còn biết sex cơ mà. Tôi thấy ai cũng có lý cả. Quan trọng là bạn muốn gì, chọn lựa rồi thì đừng hối hận.
Đôi khi tôi thấy buồn cười và thương các bạn trai Việt Nam. Là vì hàng ngày lên Facebook, tôi thấy rất nhiều cô gái đăng chửi bạn trai kiểu như anh là thằng khốn nạn, anh làm tôi có bầu mà anh trốn trách nhiệm thế nọ thế kia. Nhưng ngoại trừ trường hợp bị cưỡng hiếp ra thì tôi nghĩ chẳng anh chàng nào có thể làm cho một cô gái có bầu được nếu họ không đồng ý.
Thế nên tại sao họ lại đổ lỗi cho người đàn ông khi một phần lỗi cũng từ phía họ. Nó cũng tựa như chuyện, thầy giáo ra một bài toán, nếu bạn làm sai đáp án thì phải đổ lỗi tại bạn kém thông minh trước chứ không thể đổ lỗi là ông thầy ác.
* Linh Xù “gai góc” là thế mà sao không dám yêu hết mình nhỉ?
Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình nên tôi hèn nhát không dám yêu.
* Mà này, đi du lịch bụi nói như ông bà ta là lang bạt kỳ hồ, cũng từng phải rơi vào hoàn cảnh ngủ vạ ngủ vật, cũng từng có cảm giác cô độc khi nhớ nhà… giữ mình nguyên vẹn e khó nhỉ?
Nhìn mặt tôi thì tin liền mà, vì tôi đâu phải gái xinh (cười lớn). Nói chung tôi thuộc dạng sợ làm một bài toán nhanh thì cho sai kết quả nên cứ phải ngâm cứu thật lâu. Chỉ thế thôi.
* Vậy bạn có định hạ bảng “tiết hạnh” của mình vào ngày đẹp trời nào đó?
Tất nhiên, vì ôm nó khư khư cũng không ai ghi công mình. Nhưng hiện tại đến giờ thì vẫn chưa có người khiến tôi muốn hạ bảng tiết hạnh đó. (cười lớn)
* Nhưng đã từng hôn rồi chứ?
Rồi. Nhưng chỉ với một người thôi.
* Tiết lộ một chút về tình yêu đầu đời của bạn?
Tôi không kể ở đây đâu. Ai quan tâm thì đọc hồi ký của tôi vậy. (cười)
* Nếu chỉ dùng một câu để tự nhận xét về mình, bạn sẽ nói thế nào?
Chưa đến một câu đâu, hai từ thôi “xù và xấu”. Xù là tóc tôi xù và tôi cũng hay xù lông, gai góc. Xấu là tôi thấy mình xấu, xấu mọi mặt. Chỉ thế thôi.
* Sau cơn bão tuyết, chắc bạn có nhiều bạn và những lời mời hấp dẫn?
Có nhiều người mời tôi đi đây đó để học hỏi lắm. Như một bác người Việt ở Mỹ, dù xa quê nhưng bác vẫn quan tâm đến đời sống người Việt. Bác bảo bác mất niềm tin vào nhiều người trẻ Việt, vì họ không chịu ra ngoài để mở mang kiến thức. Nên khi đọc được bài báo về tôi, bác muốn tài trợ vé máy bay cho tôi sang Mỹ chơi vài tháng, để biết được người Mỹ họ sống thế nào, làm kinh doanh ra sao.
Hoặc có một anh có công ty ở Trung Quốc cũng ngỏ lời mời tôi sang Bắc Kinh để khám phá. Người chị kết nghĩa của tôi thì bảo, có muốn đi Tây Tạng không, chị tài trợ tiền. Và rất nhiều bạn bè khác, lo tôi không có tiền để sống, nhắn tin hỏi, còn tiền không, họ gửi cho.
Tôi cảm ơn tất cả những tấm lòng đó. Nhưng tôi thấy mình không xứng đáng. Và trên tất cả, tôi muốn tự đi bằng tiền của mình, tự trang trải cuộc sống bằng đôi tay mình. Có như thế thì bạn mới cảm nhận được giá trị chuyến đi của bạn, và cuộc sống của bạn mới thêm phần ý nghĩa.
Nguyên Nga
(Thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
>> Nepal - núi và phật
>> Rong ruổi Nepal
>> Nepal - điểm đến thiên đường
Bình luận (0)