Sáng tạo nội dung để làm giàu cho quê hương
Từ bé đến lớn, Nguyễn Lâm Anh (20 tuổi, ngụ tại P.Đội Cung, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An, có quê gốc ở xã Nam Xuân, H.Nam Đàn, Nghệ An) chưa từng nghĩ mình sẽ tự tay xây gạch, cầm cưa, đục, đẽo…vì sống ở thành phố, mọi thứ đều được làm sẵn.
Lâm Anh kể, ở thành phố, cuộc sống của cô chỉ xoay quanh việc đi học, đi chơi cùng bạn bè và không có nhiều điều đáng nhớ. Chỉ những lần về quê thăm bà, được sống trong tình cảm của bà con hàng xóm, được hít hà những mùi vị thân thuộc, yên bình, Lâm Anh thấy mình suy nghĩ tích cực, yêu đời và biết trân trọng mọi thứ.
Mỗi lần về quê, Lâm Anh được thưởng thức rất nhiều món ăn dân dã do bà nấu. Mỗi món ăn gắn liền với một câu chuyện, là niềm cảm hứng để cô xây dựng nội dung, tái hiện những ký ức về cuộc sống thôn quê ngày xưa.
Để xây dựng kênh nội dung của mình, Lâm Anh quyết định thuê lại căn nhà cấp 4 cũ của người dân ở xã Nam Xuân H.Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cô cùng những người bạn chỉnh trang lại nhà, cải tạo vườn, trồng các loại rau, củ, quả để có bối cảnh chỉn chu nhất.
Tháng 8.2022, khoảng một tháng trước khi ghi hình cho kênh ẩm thực và văn hoá làng quê của riêng mình, Lâm Anh bắt đầu luyện tập những động tác làm nông đầu tiên, với sự chỉ bảo của các bác hàng xóm ở quê thạo việc.
“Để làm những nội dung này, theo mình, cần phải yêu thích và có đam mê. Lúc nào mình cũng muốn gửi đến người xem những thước phim chân thật nhất, nên dù là công việc gì, khó khăn hay mệt đến đâu thì cũng sẽ tự trải qua, dấn thân và làm bằng được”, Lâm Anh chia sẻ.
Xuống đồng cày cấy, lội ruộng bắt cua, bắt ốc, tay chân Lâm Anh ngày càng sần sùi, đầy sẹo. Bạn bè Lâm Anh thấy cô da đen hơn, trông lạ lẫm. Từ khi bắt tay vào xây dựng kênh riêng, cô nữ sinh có rất ít thời gian cho bản thân mình. Dù vậy, Lâm Anh vẫn nghĩ mọi thứ đều xứng đáng.
“Trong tương lai gần, mình muốn thông qua những video của mình quảng bá được thật nhiều hình ảnh con người, văn hoá và đất nước Việt Nam yên bình với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, mình cũng ấp ủ những dự án cộng đồng để có thể giúp đỡ xã hội tốt đẹp hơn”, Lâm Anh nói.
Với sự nỗ lực sáng tạo, Lâm Anh đã có cho mình hàng trăm ngàn lượt theo dõi. Nhờ sức ảnh hưởng đó, cô đã có thể tự tin hơn để đến gần hơn với mục tiêu phát triển quê hương.
Người làm nông cần sự hỗ trợ của người trẻ
Về quê, Lâm Anh nhận ra, hầu hết các bạn thanh niên đều đi làm ăn xa, nên trong làng phần lớn chỉ còn những người đứng tuổi và các em nhỏ. Nguồn thu nhập của mọi người chủ yếu trông cậy từ việc chăn nuôi, trồng trọt trong vườn hay đồng áng. Tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết. Biến đổi khí hậu làm nhà nông khó khăn hơn bao giờ hết.
Về xã Mường Lống, H.Kỳ Sơn, Nghệ An, Lâm Anh nhìn thấy mùa đông ở quê lạnh thấu xương, còn mùa hè nắng nóng, công việc làm nông thực sự rất vất vả. Thế nhưng, có những thứ nông sản ở đây vẫn không có đầu ra ổn định dù mất nhiều năm để canh tác. Giữa tháng 5.2023, Lâm Anh đã tìm cách hỗ trợ bà con bán mận.
Cô luôn tâm niệm rằng, trước khi muốn làm gì, bản thân phải là một người có giá trị và mang lại những điều tích cực cho xã hội. Nghĩ là làm, Lâm Anh chủ động vừa học, vừa làm việc nhà nông. Khó khăn lớn nhất đối với cô là chưa có nhiều kinh nghiệm để làm được tốt nhất.
Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, dù chương trình bán mận vừa rồi còn nhiều hạn chế nhưng Lâm Anh cũng cảm thấy vui khi đã hỗ trợ bà con tiêu thụ gần 2 tấn mận. “Khi giúp đỡ được bà con, thấy được nụ cười trên từng khuôn mặt của mọi người là mình quên hết mệt mỏi”, Lâm Anh tự hào chia sẻ.
Vì làm lần đầu chưa có kinh nghiệm, dù đã đóng gói cẩn thận nhưng vẫn có một số lượng mận bị hỏng khi vận chuyển. Lâm Anh đã dùng tiền riêng của mình để hoàn lại cho khách nhận mận hỏng. Còn tổng số tiền mận của các nhà nông, cô nữ sinh trao lại đầy đủ, khiến bà con phấn khởi.
Chị Lê Thị Vân, đại diện văn phòng UBND xã Mường Lống vẫn còn ấn tượng với sự nhiệt tình, dễ gần của Lâm Anh. “Lâm Anh đã đến tận vườn mận của người dân, cách xa nơi ở của em ấy gần 300km. Dù là người thành phố nhưng Lâm Anh có phong cách sinh hoạt rất dân dã. Mình nghĩ giới trẻ như Lâm Anh chính là động lực để thế hệ sau quay về quê hương để xây dựng và phát triển”, chị Vân chia sẻ.
Chị Vân cho biết thêm sau khi Lâm Anh truyền thông cho nông sản xã Mường Lống, có nhiều bạn trẻ đã không ngại đường xa tìm đến để ủng hộ bà con nông dân. Dù người dân nơi đây đã trồng mận 20 năm, nhưng đến bây giờ mới có nhiều người biết đến và quan tâm tới.
Không ngừng nghỉ, ngày 3.6, Lâm Anh kết hợp với UBND tỉnh Nghệ An quảng bá sản phẩm nông sản mới như: bánh đa gạo lứt, gạo thảo dược, mì hạt sen… Với tinh thần lời nói đi kèm với hành động, cô nữ sinh tuổi 20 tiếp tục hoàn thành những dự án giúp đỡ nhà nông liên tiếp không ngừng.
“Mình mong ước rằng sẽ đóng góp một phần nhỏ bé giúp bà con nông dân đưa những sản phẩm chất lượng đến cả nước. Để được vậy, mình cần hoàn toàn tập trung làm việc và cố gắng hơn nữa”, Lâm Anh tự tin nói.
Bình luận (0)