(iHay) Bhutan, quốc gia nằm trên sườn dãy núi Hymalaya, vùng đất của những ngọn núi cao quanh năm tuyết phủ, thiên nhiên xinh đẹp nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Đến với Bhutan không chỉ là đến với vùng đất của đời sống tâm linh và những ngôi chùa cổ kính mà còn để cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của những người dân nơi đây.
|
Bumthang mùa hoa đào
Tạm biệt Jakar Dzong, một tu viện nằm ở Trongsa - nơi được mệnh danh là “lâu đài của những chú chim trắng” (trong tiếng Tạng, Dzong có nghĩa là pháo đài và ở Bhutan bao giờ bên cạnh pháo đài cũng là một tu viện), chúng tôi lên đường đi về Bumthang, vùng đất mang nét đẹp đặc trưng đậm chất Bhutan. Đường ở đây khá nhỏ, hẹp, một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Những tàn cây đỗ quyên nở rực cả một góc trời.
|
Với diện tích 47.500 km2, dân số hơn 700.000 người, nhà cửa ở những vùng thôn quê của Bhutan khá thưa thớt. Những ngôi nhà đa phần làm bằng gỗ, đời sống của người dân không giàu có nhưng trông rất chỉnh chu, sạch sẽ. Thỉnh thoảng, trên vách phía trước một vài ngôi nhà, tôi bắt gặp hình vẽ những cái linga to tướng, sắc màu rất sống động và phồn thực. Theo quan niệm của người dân địa phương, những hình ảnh gợi cảm này không chỉ là để trang trí mà nó còn là ước vọng của sự sinh sôi và đặc biệt họ tin rằng nó có tác dụng trừ tà vô cùng hữu hiệu!
Tôi đến Bumthang lúc thời tiết khá ấm áp. Đó đây vài vạt hoa Primula tím cả một góc trời, Primula là loài hoa thường nở đầu tiên khi mùa xuân về. Rồi chợt thấy, ven đường có vườn hoa cải nhà ai đang nở rực. Dừng lại, chúng tôi tiến về phía ngôi nhà. Chợt có một cụ già đi về phía chúng tôi. Trên vai cụg mang một chiếc giỏ tre. Sự xuất hiện của cụ già làm cho cảnh vật thêm phần sống động.
Chúng tôi ùa đến xin chụp hình. Ông lão mỉm cười với khuôn mặt phúc hậu trước những cái nắm tay, bá vai của những vị khách lạ. Tiếng máy chụp ảnh tách tách chớp sáng liên hồi. Mười lăm phút trôi qua, chợt có người phát hiện: bên trong chiếc giỏ tre mà cụ mang trên vai là những viên đá to rất nặng. Cụ đang đi vác đá, trên đường về bị chúng tôi “túm” lại chụp hình tơi bời nghiêng ngả. Vậy mà cụ vẫn không hề tỏ vẻ khó chịu. Những ánh mắt nhìn nhau, bối rối, chúng tôi người lấy bánh, kẻ lấy kẹo và có chị lấy chút tiền biếu cụ làm quà thay cho lời xin lỗi.
Người đàn ông vô danh ấy với chiếc gùi thồ đá đã gửi đến chúng tôi một thông điệp sáng ngời về tấm lòng nhẫn nại vị tha của người dân Bhutan.
Tuyết ở Gangtey
Trước mắt chúng tôi là thung lũng Phobjikha, một trong những thung lũng có độ sâu vào hàng bậc nhất ở Bhutan. Phía bên dãy núi cao là vườn quốc gia Bhutan. Hàng năm có rất nhiều con chim sếu cổ đen di cư từ Tây Tạng đến trú đông. Chúng tôi vào thăm tu viện Gangtey. Đây là một tu viện khá cổ xưa, được xây dựng từ năm 1613, là một trong số rất ít tu viện thuộc dòng truyền thừa theo phái Ninh Mã nằm ở phía tây Bhutan.
Các tu viện ở Bhutan khá thanh tịnh và ít du khách. Chúng tôi tiến về phía những đứa trẻ có bộ quần áo nhà tu màu đỏ bã trầu phất phơ bay trong gió. Các chú tiểu có đôi má ửng hồng vì bỏng lạnh đang phơi lúa ở phía trước sân tu viện. Những đôi mắt một mí với khuôn mặt bầu bĩnh và mái tóc húi cua đầy cá tính. Dẫu là ở nơi chốn tu hành, nhưng các chú tiểu vẫn cứ là các chú tiểu với nét hồn nhiên, đáng yêu của những đứa trẻ bình thường.
Trở về khách sạn, sau buổi ăn tối trời dần trở lạnh. Ngồi bên nhau trong một khách sạn làm bằng gỗ, chúng tôi nhâm nhi cốc bia mừng sinh nhật cậu em trong đoàn. Bầu trời Gangtey lành lạnh, những bông hoa tuyết đang lất phất bay ngoài khung cửa sổ. Ánh nến bập bùng, lửa tí tách kêu. Đêm về, ai nấy có giấc ngủ thật ngon sau một ngày rong ruổi ở thung lũng đẹp như tranh.
Trời hừng sáng, những cơn gió lạnh buốt mơn man trên má làm tôi tỉnh hẳn. Khung cảnh buổi sáng hôm ấy của Gangtey hoàn toàn thay đổi. Dụi mắt, tôi ngỡ mình đang mơ. Mới chiều qua, khi đến đây ánh nắng trời chiều hãy còn rực rỡ, cả một góc trời xanh màu lá. Vậy mà sau một đêm, tuyết đã phủ đầy cả một vùng thung lũng trắng xóa tựa cảnh bồng lai.
Tu viện Taktsang
Tu viện Taktsang cũng được xem là một trong những thánh địa thiêng liêng nhất của các tín đồ Phật giáo. Được xây dựng vào năm 1692 trên một sườn núi ở độ cao 3.120 m so với mực nước biển, Taktsang nằm cách Paro khoảng 10 km.
|
Từ bãi đỗ xe, muốn leo lên ngọn núi có tu viện Taktsang phải đi qua đoạn đường dài 4,2 km. Mất ít nhất khoảng từ 2-3 giờ. Chúng tôi quyết định trả 20 USD để thuê ngựa đi lên Taktsang. Với cách này chúng tôi đỡ mất sức cho hai phần ba khoảng đường leo núi. Nhiều lần ú tim khi các chú ngựa lách mình qua các con dốc hẹp. Một bên là vách núi, một bên là vực thẳm sâu hút. Một bước lỡ chân thì chắc chắn cả người và ngựa sẽ được hóa kiếp.
Lại tiếp tục phải leo lên 700 bậc thang mới đến Taktsang. Một phép thử không nhỏ cho sức khỏe và lòng kiên trì. Lê bước chân ở độ cao lớn, nhịp thở của ta càng thêm phần gấp gáp. Tôi thầm thán phục cho những người xưa đã từng kiên trì vác đá xây tu viện Taktsang.
Từ chính điện, ta có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thung lũng Paro bao la xanh mướt. Bên trong gian phòng nhỏ, hàng trăm ngọn nến đang tỏa sáng, tâm thức tôi như lạc vào nơi chốn xa xôi. Nơi có sự thiền định của những bậc thiện tri thức và những tâm hồn thoát tục cầu an. Ranh giới giữa cõi thiền và đời thực đã hòa làm một. Tôi thả hồn nghĩ về cuộc sống.
Bhutan là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, nhưng không phải cứ đến đó là mình hạnh phúc. Hạnh phúc không thể kiếm tìm và vay mượn ở bên ngoài. Cũng như vật chất, tiền tài, địa vị cũng sẽ mãi mãi chẳng phải của riêng ta. Hạnh phúc có lẽ cũng chỉ giản đơn là những trải nghiệm mà thôi.
Trần Văn Trường
>> Hàn Quốc vào thu
>> Khung cảnh trời mây, non nước tuyệt đẹp ở chùa Cái Bầu
>> Độc đáo 'vương quốc' xương rồng trong vườn Quốc gia Ba Vì
>> Ngắm thảm hoa lục bình trên đồng quê
Bình luận (0)