Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, trại hè san hô do Thành đoàn TP.Hội An (Quảng Nam) phối hợp với Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức đã tái khởi động trong mùa hè này. Chương trình dành cho học sinh THCS và THPT có niềm đam mê đặc biệt đối với sinh thái biển đảo, yêu thiên nhiên và môi trường.
Tại trại hè san hô, học sinh được tham gia các hoạt động tìm hiểu về hệ sinh thái biển, hoạt động bảo tồn biển, về giá trị của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm… và đặc biệt là lan tỏa tình yêu đối với hệ sinh thái rạn san hô đang được bảo vệ, gìn giữ và phục hồi suốt 2 thập niên qua tại Cù Lao Chàm.
HÀNH ĐỘNG VÌ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI BIỂN, ĐẢO
Lần đầu tiên tham gia trại hè san hô tại vùng biển đảo Cù Lao Chàm, Nguyễn Tuấn Kiệt, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, TP.Hội An, cho biết: "Ý nghĩa thiết thực của chương trình chính là ở hành động. Ngay khi chuẩn bị lên thuyền ra đảo, các thành viên đều được khuyến cáo không mang ni lông và nhựa ra đảo, chỉ dùng túi sinh thái, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần…".
Cũng tại trại hè san hô, Kiệt được gặp gỡ và giao lưu cùng các bạn có chung niềm đam mê với sinh thái biển, chung tình yêu với biển, đảo, đặc biệt là san hô. Kiệt kể mình không chỉ được trải nghiệm hoạt động bơi lặn ngắm san hô, mà còn trực tiếp xem chuyên gia thao tác tách, chiết và cố định khung ươm trồng san hô cứng dạng nhánh, dạng cành ở khu vực đáy biển bãi Nần.
"Có thể nhiều bạn được lặn biển xem san hô rồi, nhưng trải nghiệm xem các chuyên gia làm việc ở vườn ươm san hô ở khoảng cách rất gần, chỉ cách vài mét, thì không phải ai cũng có được. Đó thực sự là một trải nghiệm thú vị và quý giá", Kiệt khẳng định.
"Mình chỉ bơi và xem thôi đã thấy rất kỳ công, thấy rất mệt. Vậy mà các anh chị ấy làm việc chuyên nghiệp dưới nước để ươm trồng san hô, nên thực sự nể phục nỗ lực của các anh chị. Em và các bạn được hướng dẫn di chuyển hết sức cẩn trọng để tránh đến quá gần, tránh chạm vào san hô. Tận mắt nhìn những chồi san hô nhú lên mới thấy nỗ lực của các anh chị thật phi thường", Lê Hạ Ý Thơ, học sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, TP.Hội An, chia sẻ.
Cũng nhờ tham gia trại hè san hô, Ý Thơ và các bạn càng hiểu hơn tác hại của ni lông và nhựa đối với môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. "Việc giảm thải nhựa và ni lông là thực sự cấp thiết để cứu lấy môi trường sinh thái biển, để không phải đau thắt lòng trước hình ảnh các sinh vật biển như rùa, cá voi… phải chết khi vướng và nuốt phải nhựa, ni lông. Nhờ tham gia trại hè, em mới biết được phải đảm bảo môi trường biển sạch và ổn định để san hô không bị tẩy trắng và chết", Ý Thơ chia sẻ.
THƯƠNG HIỆU TRẠI HÈ SINH THÁI
Võ Hữu Hoài Anh, học sinh lớp 11 ở TP.Hội An, cho biết không chỉ được tham gia chương trình về sinh thái biển, đảo mà còn được thăm và tìm hiểu các làng nghề như nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, nghề làm bánh ít lá gai, tham quan mô hình phục hồi tài nguyên tại khu vực bãi Ông, mà cụ thể là xử lý và tái chế rác thải, dùng rác hữu cơ làm chế phẩm sinh học… "Từ đó, các bạn sẽ cùng nâng cao ý thức chung tay giữ gìn môi trường sinh thái biển đảo, giữ gìn cảnh quan thanh sạch, tươi mát, dễ chịu cho hòn đảo xanh Cù Lao Chàm trong tương lai", Hoài Anh tin tưởng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, chuyên viên tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP.Hội An, cho biết trại hè san hô được tổ chức với mong muốn truyền tải kiến thức về đa dạng sinh học, nỗ lực phục hồi san hô đến các học sinh. "Mong muốn phát huy hơn nữa vai trò của các bạn trẻ trong việc bảo vệ và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, nâng cao nhận thức của các em trong việc bảo vệ môi trường, thực hành lối sống xanh. Chúng tôi mong muốn cùng các bạn chia sẻ thông điệp về lối sống sinh thái, truyền cảm hứng về môi trường sinh thái biển, về tầm quan trọng của hệ sinh thái rạn san hô đến với các bạn trẻ", chị Thúy nói.
Anh Nguyễn Thanh Vũ, Bí thư Thành đoàn TP.Hội An, cũng bày tỏ kỳ vọng, từ chương trình thí điểm này, trại hè san hô sẽ được mở rộng và chuyên nghiệp để trở thành sân chơi dịp hè cho các bạn nhỏ không chỉ ở Quảng Nam mà các tỉnh lân cận khu vực miền Trung, Tây nguyên được tham gia. "Ở sân chơi này, các bạn sẽ được cùng lan tỏa tình yêu biển, đảo, chia sẻ đam mê tìm hiểu và tự hào về Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, về các hệ sinh thái biển, cùng chung tay bảo vệ san hô, bảo vệ môi trường biển…", anh Vũ kỳ vọng.
Các thành viên hướng dẫn trại hè san hô đều phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn về thiết bị bơi lặn, tiêu chuẩn bơi lặn, điều kiện y tế... Đặc biệt thành viên đồng hành, hỗ trợ trại sinh đều phải có chứng chỉ lặn quốc tế được cấp bởi Hiệp hội Lặn biển (PADI).
Bình luận (0)