Những khóa kỹ năng hè giúp con trưởng thành:

Trải nghiệm một lần, về năn nỉ bố mẹ cho đi nữa

01/07/2023 06:00 GMT+7

Đến khóa Học kỳ quân đội do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (thuộc T.Ư Đoàn) tổ chức tại Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 22, thuộc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, chúng tôi gặp cậu học trò lớp 11 đã lần 3 tham gia học kỳ quân đội trong dịp hè này .

Lần đầu vì em bị gia đình ép đi, còn 2 lần sau là vì thích quá, và mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn nên tự động xin ba mẹ đăng ký để tham gia. Cậu học trò ấy bảo: "Sau khi tham gia Học kỳ quân đội, em như trở thành một con người khác, và em thích con người của em ở hiện tại: tự tin, hòa đồng, dễ nói chuyện với bạn bè và có thể tự giải quyết được nhiều vấn đề".

PHÙ HỢP VỚI ĐỘ TUỔI CỦA TRẺ

5 giờ 15, nghe tiếng chuông báo thức là tất cả các cô cậu học trò đang say giấc ngủ cũng tự giác bật dậy và tiến hành gấp xếp chăn màn theo đúng quy định trong quân ngũ, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị ăn sáng và bắt đầu vào buổi huấn luyện vào lúc 8 giờ.

Hôm chúng tôi đến là ngày thứ tư trong khóa học kỳ quân đội 8 ngày, và hôm ấy các em sẽ huấn luyện nâng cao chinh phục vật cản. Dù còn sớm đã bắt đầu huấn luyện, nhưng gương mặt của em nào cũng tươi tỉnh và không một biểu hiện nào của sự lười biếng. Thay vào đó là sự chăm chú, hào hứng dõi theo các anh chị đội mẫu thực hiện trước, để sẵn sàng vào nhiệm vụ ngay sau đó.

Trải nghiệm một lần, về năn nỉ bố mẹ cho đi nữa - Ảnh 1.

Một buổi chinh phục vật cản trong Học kỳ quân đội

Thượng úy Nguyễn Quý Cường, Trung đội trưởng Trung đội 2, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 22, người trực tiếp tham gia huấn luyện, cho biết trước mỗi chuyên đề sẽ có một đội mẫu của đơn vị thực hiện động tác, sau đó cán bộ của đơn vị sẽ hướng dẫn, phân tích để các em hiểu rõ và nắm được các động tác. Tiếp đến là chia về cho các tiểu đội để các tiểu đội trưởng hướng dẫn các em luyện tập.

Mỗi em sẽ cùng tiểu đội của mình vượt qua các vật cản rào vướng chân, tường 1,8 m, bục mấp mô, tường 1,2 m leo dây ngang, hàng cọc luồn lách, leo lưới, rào chui và sau đó vượt qua tường 1,1 m là kết thúc.

Trải nghiệm một lần, về năn nỉ bố mẹ cho đi nữa - Ảnh 2.

Dẫu mồ hôi chảy ướt khắp mặt và lưng, nhưng em nào cũng cười tươi tít mắt vì được trải nghiệm vượt vật cản, những cảm giác mà đa phần các em đều lần đầu biết đến.

Khó nhất với các em có lẽ là vượt tường 1,8 m và leo lưới. Nhưng bằng tinh thần đồng đội, đây cũng là yêu cầu hàng đầu khi các em huấn luyện các nội dung, cộng với sự theo sát và hướng dẫn của cán bộ chiến sĩ, điều phối viên thì tất cả các em cũng vượt qua được giới hạn của bản thân.

"Trong quân đội các vật cản sẽ khó hơn, vì thế mình phải chỉnh sửa và cải biên lại cho phù hợp với vóc dáng và thể trạng của các bé. Như tường 1,8 m, trong quân đội 1 người sẽ bật qua được, nhưng đối với các cháu sẽ có 4 người hỗ trợ để vượt qua (2 người đỡ lên, 2 người đỡ xuống). Hay với vật cản cầu độc mộc, trong quân đội các chiến sĩ sẽ trèo lên và chạy qua cầu độc mộc rất cao, nhưng với các em thì khá nguy hiểm, nên trung tâm đã thiết kế lưới để các em leo qua", thượng úy Cường chia sẻ và cho biết dù đã cải biên lại để phù hợp với độ tuổi của các bé nhưng trong quá trình tập luyện vẫn luôn có người theo sát, bảo đảm an toàn cho các em.

Hỗ trợ nhau vượt tường 1,8m

NỮ VƯƠNG

"TRƯỚC ĐÂY EM NHÁT LẮM…"

Là một thành viên trong tiểu đội 4, tiểu đội xung phong thực hiện vượt vật cản đầu tiên của ngày hôm đó, Đặng Ngọc Thiện, học sinh lớp 11, Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hào hứng nói lý do "cố vấn" cho đội xung phong thực hiện trước là do đã có kinh nghiệm, nên muốn thực hiện trước cho đỡ nắng.

Nghe vậy, chúng tôi hỏi: "Em đã tham gia nhiều năm rồi nên có kinh nghiệm?", Thiện chia sẻ: "Năm nay là năm đầu tiên, nhưng lại là lần thứ 3 em tham gia trong mùa hè này rồi".

Ngạc nhiên, chúng tôi lại thắc mắc: "Vì sao em tham gia đến 3 lần trong 1 mùa hè?, cậu học trò cười rất tươi và đáp lại: "Vì em thích ạ. Hơn nữa em muốn đi để lấy kinh nghiệm, kỹ năng sống rồi sau này đi nước ngoài còn có thể tự lập được. Vì em định đi du học ở Úc".

Những nội dung trong buổi vượt vật cản tại học kỳ quân đội

NỮ VƯƠNG

Thiện hài hước kể thêm: "Lần đầu là em bị ép buộc tham gia, còn từ lần 2 là em tự nguyện xin ba mẹ để được đi. Vì lần đầu thì lúc đó em ở nhà chơi game thoải mái mà tự dưng ba mẹ "bắt" vào đây (học kỳ quân đội - PV), em chán. Nhưng sau khi vào đây rồi, có anh em, bạn bè nói chuyện vui vẻ, và được trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ nên em rất thích ở trong này".

Thiện cho biết trước đây em rất thích chơi game, có khi em chơi nguyên đêm, nên lên trường đi học mà người cứ kiểu lơ mơ: "Ba mẹ thấy em ở nhà chỉ biết cắm đầu vào máy, ngủ không đúng giờ giấc, cứ sống theo… giờ Mỹ, nên cho em tham gia học kỳ quân đội để được rèn luyện".

Cùng nhau tự giặt đồ, rửa chén

NỮ VƯƠNG

Kể về những thay đổi của mình, cậu học trò từng rất mê game, chia sẻ: "Lần đầu tham gia thì em thấy mệt, với lại không quen giờ giấc ngủ. 2 - 3 ngày đầu cứ tối đến là em nhớ ba mẹ, nhưng mấy ngày sau quen được rồi thì em chỉ thích ở lại. Các khóa học kỳ quân đội đã giúp em có kỹ năng hơn, chẳng hạn như tính kỷ luật, nền nếp vì em hay đi ngủ trễ và thức dậy trễ, mà vào đây cứ 4 giờ 30 là em dậy. Về nhà cũng vậy, nên ba mẹ cũng thấy lạ".

Ngoài tính kỷ luật ra, Thiện còn thấy mình tự tin hơn: "Trước đây em nhát lắm, nhưng giờ em thấy mình thay đổi rất nhiều, giống như thành một con người khác vậy đó, và em thích con người của mình ở hiện tại: tự tin, hòa động, dễ nói chuyện với bạn bè… Mà như thế mới dễ sống khi qua nước ngoài, chứ nếu cứ sống nội tâm như trước đây sẽ không ai giúp đỡ mình".

Mặc dù mồ hôi nhễ nhại sau lúc tập luyện, nhưng Trần Vũ, học sinh lớp 6 Trường quốc tế Á Châu (Q.3, TP.HCM) vẫn chia sẻ: "Con thấy vui chứ không mệt lắm. Ở nhà thì buổi chiều con đi bơi hoặc chạy vòng vòng ở công viên thôi, vào đây thì tập luyện nhiều hơn nhưng con chỉ mất sức một tí thôi, vì có giờ nghỉ trưa và buổi tối được sinh hoạt nữa nên con thấy vui và thích nhiều hơn mệt".

MÔI TRƯỜNG THỰC TẾ ĐỂ TRẢI NGHIỆM

Một ngày cùng các em trong học kỳ quân đội, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Sau giờ huấn luyện, đi về phòng mỗi em một việc và như đã thành nề nếp từ rất lâu trước đây mà không cần phải nhắc nhở, mặc dù hôm đó mới là ngày thứ tư các em vào khóa huấn luyện.

Em thì quét nhà, nhóm thì cùng nhau đi giặt áo quần. Và thật ngỡ ngàng với những bàn tay còn vụng về nhưng rất đáng yêu của các cậu nhóc lần đầu giặt đồ. Suốt cả thời gian này, tiếng cười nói cứ rôm rả, vì dù làm bất cứ công việc gì, các em cũng rất thích và hào hứng.

Các em đều rất thích thú khi được trải nghiệm trong mùa hè

NỮ VƯƠNG

Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (thuộc T.Ư Đoàn) là nơi khởi nguồn chương trình Học kỳ quân đội, sau đó nhân rộng ra các Tỉnh, Thành đoàn và các Trung tâm thanh thiếu niên cả nước.

Nguyễn Quốc Huy, học sinh lớp 7 Trường THCS Ngô Gia Anh, Q.Bình Tân, chia sẻ: "Con không thấy mệt mà vui, mặc dù ở nhà con chưa bao giờ giặt đồ vì nhà có máy giặt. Lúc đầu em không biết giặt nhưng xem mấy anh chị làm và em bắt chước theo. Em nghĩ từ nay về nhà em sẽ tự giặt đồ".

Anh Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, cho biết mỗi khóa Học kỳ quân đội sẽ có 8 ngày và mỗi ngày được thiết kế các nội dung hoạt động phù hợp. "Đây như là một chương trình để các bé trải nghiệm thực tế, được trải qua thời gian tạm thời rời xa gia đình để tự lập, đương nhiên là tự lập trong môi trường có người hướng dẫn. Bên cạnh đó là cảm nhận được sự gian khổ, vì mục tiêu từ đầu của học kỳ quân đội là huấn luyện, chứ không phải vào quân đội để chơi. Sáng thì các bé sẽ được huấn luyện, chiều học các kỹ năng, hoạt động bổ trợ, tối thì các hoạt động sinh hoạt, văn nghệ…", anh Khánh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.