Có gì trong 'Sài Gòn hay ta!' của biên kịch Bình Bồng Bột?

12/02/2023 16:50 GMT+7

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những chuyện Bình Bồng Bột kể không có gì to tát. Chỉ là chuyện anh xe ôm, cậu tài xế taxi, chủ quán ăn... Nó không to, nhưng nó... lớn. Vì nó gắn với con người, gắn với tình người... và đủ khiến ta cảm động, hơn thế khiến ta rưng rưng nghĩ ngợi...

Độc giả và khán giả có thể đã biết Bình Bồng Bột với vai trò biên kịch của những bộ phim điện ảnh nổi tiếng (Em và Trịnh, Tiệc trăng máu, Trạng Tí...), một dịch giả của những cuốn sách ấn tượng (Vẫy vùng giữa vũng lầy, Mike Tyson - Sự thật trần trụi, Tôi là Zlatan Ibrahimovic...) và là người chấp bút cho tự truyện của Công Vinh, Hoàng Thùy Linh. Độc giả cũng có thể đã biết họa sĩ Thăng Fly, tác giả của chú Pikalong đáng yêu và của những bức tranh sinh động, hài hước được theo dõi và chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.

Có gì trong Sài Gòn hay ta! của biên kịch Bình Bồng Bột? - Ảnh 1.

Bình Bồng Bột (cầm micro) trong buổi giao lưu ra mắt sách Sài Gòn hay ta! tại Đường sách TP.HCM ngày 12.2

Thiên Anh

Và lần đầu tiên, hai tác giả cùng xuất hiện trong một cuốn sách: Sài Gòn hay ta!

Sài Gòn hay ta! là tập tản văn kèm tranh vẽ mang đến những câu chuyện nho nhỏ mà cảm động về đời sống Sài Gòn - TP.HCM, về nơi chốn ta qua, về những con người ta gặp, về tốc độ sống vun vút và những biến đổi không ngừng ở thành phố.

Trong trang viết giới thiệu về Sài Gòn hay ta!, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng 'Sài Gòn như một cô gái chống lại quy luật: càng nhiều tuổi càng quyến rũ. Nét quyến rũ đó không bị thời gian làm cho phai nhạt đi mà được tháng năm âm thầm chưng cất để liên tục tỏa hương. Đã có rất nhiều tác giả viết về Sài Gòn, tiếp cận với nhiều cách nhìn khác nhau nhưng theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, "tựu trung lại, khi động bút đến đề tài này, điểm xuất phát vẫn là tình yêu dành cho Sài Gòn... Bây giờ tới lượt một chàng trai trẻ tên Bình say đắm Sài Gòn".

Có gì trong Sài Gòn hay ta! của biên kịch Bình Bồng Bột? - Ảnh 2.

Thầy giáo 9X Thái Dương - người được ái mộ qua các ca khúc viết về Sài Gòn - TP.HCM như Sài Gòn tôi sẽ, Thành phố gì kỳ, Bài ca tôi viết lần này... là khách mời của buổi giao lưu

Bình Bồng Bột viết gì khi viết về Sài Gòn? Để Sài Gòn hay ta! "sẽ không ế như chính người viết ra nó" ước mơ?

Bình luận về bánh mì, cơm tấm, hủ tíu, về "cây me Sài Gòn đáng yêu chính bởi sự ít-khi-nhận-ra của nó"... Bình nhập vai nhà tư liệu học để kể chuyện "con ma nhà họ Hứa" hay "thanh minh thanh nga" nhiều cụm từ cửa miệng mà không phải ai cũng hiểu gốc tích của nó. Bình cũng nhắc đến hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà, "Bình Thạnh ba mươi sáu phố phường" - nơi anh sinh ra và lớn lên. Bình kể chuyện Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom...

Và Bình kể chuyện Sài Gòn trong "mình, ta", mà như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhìn nhận "chuyện quanh mình thì ai cũng thấy, nhưng để lại những nghĩ ngợi, day dứt như Bình thì tâm hồn tác giả phải nhạy cảm như tơ, chỉ cần những mảnh đời khẽ chạm vào thì nó tự động ngân lên".

Đó có thể là chuyện Bình đi taxi ra sân bay trong tình cảnh sợ lỡ chuyến bay, trong túi còn 25 ngàn tiền lẻ và một tờ 500 ngàn đồng, trong khi cuốc xe giá 55 ngàn đồng. Bình hỏi tài xế nếu không có tiền thối, Bình sẽ đi đổi tiền để trả, nhưng cậu lái xe chỉ lấy 25 ngàn và nói: "Vậy đủ rồi, anh đi nhanh kẻo trễ chuyến bay".

Có gì trong Sài Gòn hay ta! của biên kịch Bình Bồng Bột? - Ảnh 3.

Sài Gòn hay ta! là món quà mà cả 2 tác giả: Bình Bồng Bột - Thăng Fly "dành tặng hai người mẹ của chúng tôi"

N.N

Chuyện về người đàn ông ngồi vắt vẻo trên thành cầu Sài Gòn mà Bình chợt nhìn thấy khi anh đi qua cầu, lẫn một người thanh niên đi xe wave phổ thông nửa muốn lao đến ngăn cản, nửa ngại ngùng vì không biết mình nên làm gì... Rồi đến lúc xong việc, Bình quay trở lại, lên cầu và thấy một cảnh tượng thật thú vị: anh thanh niên đi xe wave đang đeo tấm bảng sau lưng với dòng chữ "Mọi sinh mạng đều quý giá, hãy nghĩ về cha, mẹ và người thân trước khi làm gì dại dột" và đi bộ trên cầu...

Hay chuyện Bình đi đường gặp một anh xe ôm chở một anh khiếm thị bán vé số, khi anh bán vé số xuống xe đòi trả tiền thì anh xe ôm không lấy, anh bán vé số nói "chở không hoài ngại", anh xe ôm đáp lại: "ngại cục c..." rồi đi mất tiêu. "Một tiếng chửi mà làm bừng sáng cả một ngày của tôi", tác giả viết.

Cả những chuyện đẫm "vàng son vang vọng", những thanh âm mà theo Bình, "không biết Sài Gòn sẽ ra sao nếu không có tiếng hát của những người nghệ sĩ ấy"...

Cứ thế, những trang viết sống động và giàu cảm xúc, khi lãng mạn khi hóm hỉnh của Bình Bồng Bột về Sài Gòn, hòa với sắc màu rực rỡ tươi mới trong những bức tranh của Thăng Fly, đã khắc họa thật trìu mến một thành phố của đại lộ thênh thang và ngõ hẻm lắt léo, của nỗi hoài niệm quá khứ và cuộc chuyển mình hiện đại, của cái bất biến và sự đổi thay, nhưng trên tất cả, là của những con người ấm áp khiến ta tin vào điều tử tế trong cuộc sống này.





Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.