Thiên đường ở quanh ta?

09/01/2023 07:21 GMT+7

Chẳng biết trong ý nghĩ những bạn đọc trẻ tuổi có chợt bùng lên một câu hỏi tương tự như tôi khi đọc xong cuốn Những người hàng xóm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay không? Tôi tin là có. Và cũng tin rằng nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi này sở dĩ có được một lượng bạn đọc khổng lồ đến như vậy chính là nhờ những trang viết đầy ân tình, những trang viết đầy niềm tin và trách nhiệm với tuổi trẻ .

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi ra mắt sách Những người hàng xóm

Lê Đức Trung

Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là nhà văn duy nhất dành trọn vẹn sự nghiệp của mình cho văn học thiếu nhi ở Việt Nam. Một sự nghiệp khá đồ sộ. Chỉ để nhớ hết được tên tác phẩm của ông đã là một chuyện khó. Một sự nghiệp khá bền bỉ. Chỉ đơn giản ví dụ như gia đình tôi đã có đến ba thế hệ đọc sách của ông. Tôi là bạn ông, dĩ nhiên đọc. Con gái tôi đọc ông suốt thời đi học, giờ cháu 43 tuổi rồi vẫn đọc. Và thằng cháu ngoại năm nay 18 tuổi thì lần nào ông Ánh ra sách mới cũng đều ký tặng.

Những người hàng xóm là cuốn sách mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành vào những ngày cuối cùng của năm 2022, đã đến tay bạn đọc cả già lẫn trẻ trong cả nước. Đó là một cuốn sách có cấu tứ lạ. Tác giả không dùng đến những câu chuyện của đất nước mình, những câu chuyện có thể đã quen với bạn đọc nhỏ tuổi từ vài chục năm nay.

Tác giả dẫn người đọc đi qua một vùng đất kỳ lạ cách chúng ta hàng chục giờ bay. Với những cảnh sắc thần tiên hiện thực đầy mơ ước. Với những con người đầy cá tính nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp hết sức nhân văn. Họ chỉ là những người lao động bình thường. Giống như hàng xóm của chúng ta vậy. Những câu chuyện nói với qua hàng rào hay bên bàn ăn uống tựu chung đều xoay quanh chủ đề lối cư xử nhân văn và tình yêu thương gắn bó vô bờ bến. Kể cả những con người tưởng như nợ nần nhau những tài sản lớn mà vẫn có lối ứng xử hết sức chu đáo, tận tình, thậm chí không tiếc cả sinh mạng của mình. Họ không đơn thuần chỉ dùng đến lối giao đãi thông thường mà đôi khi còn phải dùng cả đến những “mánh lới” trí tuệ chỉ để giúp đỡ nhau.

Hiển hiện trong suốt chiều dài cuốn sách khiến người đọc không thể không liên tưởng đến một thiên đường cuộc sống không chỉ ở cảnh sắc, cỏ cây, địa danh, mà còn ở tình người. Đó là thứ keo gắn kết họ lại với nhau thành một cộng đồng đặc biệt. Cũng không khó để liên tưởng đến tình làng nghĩa xóm ở Việt Nam cũng đã từng có thời kỳ kéo dài như thế mà chưa đến nỗi hư hao như bây giờ. Ở khía cạnh này, cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh dường như đã rung lên một hồi chuông khe khẽ về lối ứng xử của người Việt ít lâu nay đã trở nên đáng báo động.

Chỉ với hơn 230 trang sách, đám trẻ có thể ngốn hết trong vòng một buổi sáng. Nhưng tôi biết, không chỉ là dư âm của nó còn đọng lại bền lâu trong tâm trí độc giả trẻ, mà chắc chắn nó còn là những bài học bổ ích. Những bài học về niềm đam mê, về ý chí vượt qua khó khăn, và nhất là cách cư xử giữa người với người, giữa người với động vật và cỏ cây... Và như vậy, cuốn sách đã tự nó nới rộng biên độ thức tỉnh không chỉ với lớp trẻ.

Với đồng nghiệp đọc văn Nguyễn Nhật Ánh, ta không bao giờ bắt gặp những câu chữ cầu kỳ bí hiểm. Có lẽ đó cũng là một điểm nổi trội của văn chương ông. Và rất có thể đó chính là con đường đưa ông đến với bạn đọc trẻ một cách trọn vẹn nhất.

Để khen ngợi một nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh về các thao tác viết cho thiếu nhi kể cũng hơi thừa. Tuy nhiên, sức lao động của ông như vậy cũng rất đáng để các đồng nghiệp nể phục. Và ta càng hiểu vì sao lớp trẻ nối tiếp nhau trở thành bạn đọc của ông ngày một nhiều lên, rộng ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.