Ngoài bún bò, phở, người Huế có thói quen ăn bánh canh bột gạo vào mỗi sáng sớm. Hầu như trong các xóm nhỏ nào cũng có bán bánh canh. Xưa, từ sớm tinh mơ, các gánh bánh canh thường xuất phát từ An Cựu, tỏa đi khắp thành phố, vào trong thành nội. Mỗi gánh chọn 1 khu phố, xóm để bán. Xóm Lương Y trong Thành Nội xưa nổi tiếng gánh bánh canh của mụ Xay, gánh từ An Cựu sang bán ngay trước trường cấp 1 Lương Y. Nay, khu vực sát bờ thành đã được giải tỏa, trường cấp 1 cũng bị dỡ bỏ theo, dân cư trong xóm nhỏ thưa thớt dần, nên những gánh hàng rong bán đồ ăn sáng từ bánh canh, cơm hến, bánh mì thịt nướng... cũng không còn.
Thế nhưng, nếu đi bộ sang bên kia cầu Lương Y (đường Xuân Sáu Tám), khu vực gần cửa Đông Ba, Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng... vào mỗi buổi sáng, chỉ cần 10.000 đồng, bạn có thể thưởng thức một tô bánh canh bột gạo nóng hổi, ngọt thanh, đượm vị cay nồng của ớt Huế...
Gạo sau khi được xay thành bột sẽ được nhồi cùng nước ấm để tạo thành khối bột dẻo. Kế đó sẽ mang bột đi cán thành những lớp mỏng trước khi xắt thành sợi nhỏ, có độ dài khoảng chừng từ 10 đến 12 cm và dày khoảng 1 cm. Nhờ cách làm thủ công này nên sợi bánh trong tô bánh canh Huế luôn rất mềm, có mùi thơm dễ chịu của bột gạo và không đọng lại cái hậu chua chua khi ăn như những sợi bánh canh làm từ các loại bột công nghiệp khác.
Những ngày mùa đông giá rét, tô bánh canh bình dân được bán trong xóm nhỏ ven Thành Nội đã trở thành ký ức khó phai trong tâm khảm nhiều người Huế... Ngày nay, những xóm nghèo trong khu di tích Kinh thành Huế đã được giải tỏa, gánh bánh canh "huyền thoại" cũng theo đó biến mất. Thế nhưng, đến Huế lúc này, không quá khó để tìm ăn một tô bánh canh bình dân đượm vị truyền thống, chỉ khác, xoong bánh canh nay không còn bỏ trong quang gánh mà được nấu tại chỗ, hoặc chở bằng xe...
Bình luận (0)