Cô giáo 9X làm sân phơi muối từ rơm rạ, tăng thu nhập cho người dân

Vũ Thơ
Vũ Thơ
22/01/2022 17:39 GMT+7

Trăn trở với đời sống khó khăn của diêm dân ven biển, cô giáo Lê Thị Hảo (32 tuổi), Trường THCS Quảng Phú (H.Quảng Trạch, Quảng Bình ) đã có sáng kiến làm sân phơi muối từ rơm rạ, tăng thu nhập cho người dân.

Dự án "Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi, gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông, giúp tăng năng suất muối cho bà con nhân dân", của cô giáo Hảo đã được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Thanh niên sáng tạo vì khí hậu năm 2021.

Sáng kiến từ rơm rạ

Chia sẻ về sáng kiến của mình, chị Hảo cho biết, Quảng Phú là xã đa ngành nghề, kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch lúa người dân nơi đây thường có thói quen đốt rơm, rạ lộ thiên xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Ước tính sau mỗi vụ mùa thu hoạch lúa, trên địa bàn xã có tới hàng ngàn tấn rơm, rạ bị đốt lộ thiên xả khói bụi, đồng nghĩa với việc thải ra môi trường hàng ngàn tấn CO2, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí.

Trong khi đó, nơi đây cũng là địa bàn có nghề làm muối truyền thống. Tuy nhiên, năng suất muối trên bề mặt sân bê tông truyền thống còn thấp, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với điều kiện tự nhiên hiện có.

“Với thực trạng nêu trên, chúng tôi đã nghiên cứu và hướng tới nhân rộng dự án Thu gom rơm, rạ thải từ nông nghiệp nhằm làm giảm khói bụi, gây ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông giúp tăng năng suất muối cho bà con nhân dân”, chị Hảo chia sẻ.

Từ những kiến thức học thời THPT về việc hấp thụ nhiệt, chị Hảo đã vận động người dân thay vì vứt bỏ, đốt lộ thiên, thì bà con thu gom, giữ lại rơm, rạ đốt lấy than trong môi trường yếm khí làm nguyên liệu để cải tiến bề mặt sân bê tông truyền thống.

“Khi lấy than từ rơm rạ làm nguyên liệu trộn với xi măng theo một tỷ lệ phù hợp thì bề mặt sân bê tông truyền thống thành bề mặt sân bê tông cải tiến màu đen. Theo nguyên tắc vật lý màu đen là màu có khả năng hấp thụ ánh sáng tốt nhất trong tất cả các màu sắc”, chị Hảo lý giải.

Cô giáo Lê Thị Hảo có sáng kiến làm sân phơi từ rơm rạ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường

nvcc

Và sau khi thử nghiệm thì điều “kỳ diệu” đã xảy ra. Hạt muối thu được trên bề mặt sân bê tông cải tiến màu đen to hơn, trắng hơn so với muối trên bề mặt sân bê tông truyền thống màu bạc và đảm bảo chất lượng an toàn là muối sạch, bởi mẫu muối đã được kiểm định của các cơ quan chứng năng.

Cũng từ sáng kiến này đã làm tăng năng suất muối từ 20 - 30%, từ đó làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đáng kể cho bà con nhân dân. “Trước đây, một vụ muối, mỗi hộ chỉ thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Khi áp dụng phương pháp này đã cho thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng”, chị Hảo cho hay.

Có thể nhân rộng

Khi đề tài của chị được mang đi dự thi cuộc thi Thanh niên sáng tạo vì khí hậu (T.Ư Đoàn tổ chức tháng 9.2021) đã được ban tổ chức đánh giá cao và đạt giải nhì. Theo ban tổ chức, dự án đưa ra được giải pháp sáng tạo, vừa khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ lộ thiên, xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường vừa tăng năng suất muối cải thiện đời sống cho diêm dân.

Đo độ mặn của muối khi ứng dụng giải pháp

nvcc

Đặc biệt, đây là giải pháp hoàn toàn có khả năng ứng dụng vào thực tiễn và nhân rộng với chi phí thấp. Theo chị Hảo, giải pháp có thể ứng dụng rộng rãi trên các cánh đồng làm muối, bởi chi phí cải tiến thấp, vật liệu cải tiến là than đốt từ rơm, rạ của chính những diêm dân sản xuất muối.

“Họ cũng chính là những nông dân trồng lúa nước, nên nguồn nguyên liệu cải tiến rất phổ biến, có sẵn tại địa phương, không mất tiền mua. Kỹ thuật và phương pháp cải tiến đơn giản, không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phù hợp với trình độ dân trí và đặc tính lao động của người dân địa phương”, chị Hảo chia sẻ.

Để có thể nhân rộng dự án, chị Hảo cho biết, có thể phổ biến cho bà con trong trong các buổi họp thôn hàng tháng; hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp đốt than trong môi trường yếm khí cho bà con nhân dân và phương pháp cải tiến bề mặt sân bê tông.

“Chúng tôi đã hướng dẫn cải tiến thí điểm tại một số hộ nông dân tiên tiến điển hình, tạo tính lan tỏa về năng suất, chất lượng muối để bà con nhân dân học hỏi làm theo”, chị Hảo cho hay.

Đồng thời, chị Hảo mong muốn, về lâu dài có thể phối hợp với hợp tác xã muối của xã, hướng tới xây dựng thương hiệu muối sạch Quảng Phú, nhằm nâng cao giá thành của sản phẩm và thương hiệu của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.