Chảy nước mắt nhìn học trò đau đớn
“Cậu bé này là học trò trường em, thương lắm nhưng sức em có hạn không làm sao giúp được. Em đăng lên đây, hy vọng mỗi người có thể góp thêm một tay giúp em ấy có đủ tiền để được phẫu thuật”, cô Bùi Minh Khuyên đăng tải câu chuyện về cậu bé Vàng Nhù Xa (9 tuổi, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) lên khắp các diễn đàn.
Buổi tối, sau khi xong việc ở trường, cô lại nhắn tin tìm các đầu mối với hy vọng kết nối được với các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện để giúp học trò của mình.
“Ngửa tay đi xin tiền thì ngại và khó khăn lắm, nhưng nhìn Xa mình không cầm lòng được”, cô Khuyên bắt đầu câu chuyện của mình.
Vàng Nhù Xa là học sinh ở trường cô Khuyên đang dạy. Nhà cậu bé ở tít bản Chà Kế cách trường khoảng 8 km. Xa học nội trú nên chỉ cuối tuần mới về nhà, thường thì cứ tới cuối tuần là Xa và các bạn lại đi bộ về nhà, mất chừng 2 tiếng đồng hồ, chiều chủ nhật lại đi bộ ra trường.
Thời gian gần đây, khi thấy học trò đi lại khó khăn, người bị xiêu vẹo và liên tục nằm ườn ra bàn trong giờ học với lý do “em đau lưng quá” nên thầy cô trong trường đã vén áo kiểm tra lưng của em.
“Khi vén áo lên thì chúng tôi không khỏi xót xa, lưng của Xa bị lệch, cong vẹo, nhiều chỗ đốt xương sống trồi ra. Hỏi mãi cậu bé mới cho biết hè năm trước, trong lúc đi rừng hái măng Xa bị té, dù rất đau nhưng sau đó sợ bị bố la nên cậu đã âm thầm chịu đựng từ đó tới nay. Mỗi lúc đau quá Xa lại nằm ườn ra, mím chặt môi, nhìn xót xa lắm”, cô Khuyên nói.
Thấy tình trạng của cậu bé không ổn, nhà trường đã nhiều lần cho gọi phụ huynh lên nhưng không được, cô Khuyên và đồng nghiệp đành phải tìm vào tận nhà. Nhưng vào tới nơi, mọi hy vọng kêu gọi gia đình đưa Xa đi bệnh viện điều trị cũng tan biến.
“Căn nhà của bố con Xa, gọi là nhà nhưng thực ra giống cái chòi tranh nằm cheo leo tách biệt trên núi, được dựng tạm bằng mấy tấm tranh, hở đầu hở đuôi trên một nền đất nhỏ chừng 12 m2, ngày nắng thì nắng vào tận nhà, ngày mưa thì không còn chỗ nào khô. Nhà cũng chẳng có vật dụng gì đáng giá, bố Xa thì không hiểu gì về bệnh của con nên khi chúng tôi nói chuyện, khó khăn lắm mới giải thích được cho ông ấy hiểu. Việc để ông ấy đưa Xa đi bệnh viện là điều không tưởng, nên chúng tôi đành ngậm ngùi về trường, tìm cách giúp đỡ cậu bé. Học trò miền cao thiệt thòi vậy”, cô Khuyên chia sẻ và cho biết mẹ cậu bé đã mất gần 3 năm nay, nhà chỉ còn Xa với bố sống nương tựa vào nhau.
|
Chỉ mong có tiền cho học trò chữa bệnh
Thấy gia đình không có điều kiện, ban giám hiệu Trường tiểu học Pa Ủ đã chung tay, đưa cậu bé xuống bệnh viện huyện thăm khám, đây cũng là lần đầu tiên nam sinh lớp 3 được đi ra khỏi nơi mình sống.
“Qua kết quả chụp X-quang, cậu bé được chẩn đoán tổn thương đốt sống số 4-5, cần phải phẫu thuật để chỉnh lại, nếu để lâu sẽ bị lệch và tổn thương rất nặng và đau đớn. Nghe bác sĩ nói vậy, nhưng khi nghe tới việc phải lên Hà Nội thăm khám, phẫu thuật, chi phí cũng ngót nghét gần cả 100 triệu đồng nên chúng tôi đành lặng lẽ đưa em về trường”, cô Khuyên tâm sự.
Thấy gia đình không có điều kiện đưa cậu bé đi bệnh viện, mà để Xa chịu đau đớn, thương tật thì không đành cô Khuyên quyết định đưa thông tin về tình trạng của cậu học trò lên trang Facebook cá nhân kêu gọi bạn bè, người quen chung tay.
Cô cũng tự mày mò, tìm hiểu các tổ chức, cá nhân hay làm từ thiện và đăng tải thông tin lên các diễn đàn với hy vọng có thể kết nối, tìm nguồn hỗ trợ cho học trò của mình được lên Hà Nội phẫu thuật càng sớm càng tốt.
“Nhiều người bảo tôi ôm chuyện bao đồng, vì Xa không phải là học sinh lớp tôi chủ nhiệm, cũng chẳng thân thích gì giờ lại muối mặt gõ cửa khắp nơi để xin tiền. Nhưng tôi kệ, chỗ nào xin được, vài chục đến vài trăm ngàn đều quý, tôi cứ gõ cửa khắp nơi biết đâu sẽ tìm ra được cách để em ấy được phẫu thuật.
Trước đây, Xa đi học từ nhà lên trường đi bộ khoảng chừng 2 tiếng nhưng bây giờ lưng bị lệch, càng ngày càng đau nên lâu lâu cậu bé lại phải ngồi nghỉ lại bên đường, chặng đường từ nhà đến trường vì thế phải mất 4 tiếng đồng hồ. Nhìn thương lắm, nên các thầy cô lại chia nhau chở em về nhà vào cuối tuần. Chỉ sợ không được điều trị sớm, sau này em sẽ chịu đau đớn và thành dị tật luôn thì rất khổ”, nữ giáo viên nói thêm.
Bình luận (0)