Cười chảy nước mắt với những pha đi… 'bắt' học sinh của cô giáo miền núi

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
27/03/2021 13:17 GMT+7

Trong lúc học sinh đang tắm ở suối, cô Khuyên phải lén thu áo quần, để khi tắm xong, không có áo quần các em không thể chạy trốn được. Đó là cách 'bắt' học sinh của cô giáo miền núi.

Thu quần áo để... 'bắt' học sinh

Đang trên đường đi tìm học trò vào chiều cuối tuần thì cô Bùi Minh Khuyên (35 tuổi), giáo viên lớp 2 tại Trường tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) thấy một nhóm học sinh trường mình đang tắm ở dưới suối. Thấy bóng dáng cô giáo, cả nhóm học sinh vội vã lên bờ chạy trốn vào rừng.
Biết đã bị lộ, cô Khuyên vội quay ngược xe trở ra, gửi xe ở bên kia cầu rồi lặng lẽ đi bộ quay ngược lại con suối. Lũ học trò lại vừa quay trở ra tắm suối.
“Nếu lúc đó mình ới lên hoặc để bọn trẻ biết mình đã quay trở lại là kiểu gì chúng cũng trốn vì sợ cô bắt quay trở lại trường nên mình cứ lặng lẽ núp vào gốc cây, tìm kế. Ngồi ở gốc cây cả tiếng đồng hồ, nhưng hễ cứ thò mặt ra lại bị bọn nhỏ phát hiện, chúng cứ chạy ra giữa suối thì mình không cách nào bắt được mà cứ ngồi chờ đến tối thì có khi các em lại trốn mất. Nghĩ mãi thì phát hiện lũ trẻ bỏ lại áo quần trên vách đá để xuống tắm, mình vội vàng lại thu đống áo quần và nói to: ‘Em nào chịu theo cô về trường thì cô trả lại quần áo, còn không thì ở trần về nhà nhé’. Lũ nhóc lúc đó mới nháo nhào nhìn về phía cô, những bạn mang cả áo quần tắm thì chạy về còn những bạn lỡ bị cô thu đồ thì mới chạy về phía mình. Nhưng cũng có lúc đưa quần áo xong, tụi nhỏ chạy mất tiêu, vừa chạy vừa quay lại lêu lêu cô”, cô Khuyên kể và cho biết, canh mất gần 4 giờ đồng hồ nhưng chỉ “bắt” được một học sinh.
Nhiều lúc, thấy cô ngồi ở cầu chờ, bọn nhỏ cứ mặc kệ cứ đi đào sắn, đốt lửa rồi nướng sắn ăn còn mình ngồi trên này phải chờ cả buổi. Khi thấy cô giáo xuống lũ trẻ lại lội ra giữa suối, giơ củ sắn lên để trêu cô. Cũng có lúc đi “bắt” học sinh cô Khuyên cho biết bị ong đốt, ruồi vàng cắn, trượt chân té… là chuyện bình thường.

Cô Bùi Minh Khuyên 'bắt' được một học sinh sau cả buổi ngồi canh các em tắm suối

NVCC

Để gọi được các em quay trở lại trường, cô phải nhờ cả trưởng bản, vận động cha mẹ đốc thúc các em.
“Có khi phải vào tận nhà để ‘ăn vạ’ cả bố mẹ của lũ trẻ. Cứ phải ngồi trực ở nhà họ nhiều tiếng liền”, cô Khuyên nói và cho biết cứ sau mỗi kỳ nghỉ kéo dài, học sinh nội trú được về nhà là việc vận động các em trở lại trường rất khó khăn. Còn hằng tuần, cứ chiều thứ 6 các em được về nhà và giáo viên lại dành cả ngày chủ nhật để đi vận động, kêu gọi các em trở lại trường.

Không để học sinh trốn học, nghỉ giữa chừng

Dạy tại cơ sở chính ở Trường tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) cô Khuyên cho biết lớp có 20 học sinh, trong đó có 8 học sinh dân tộc nội trú thuộc hai bản nằm sát vùng biên giới. Trong đó bản Chà Kế cách trường 8 km còn bản Hà Xi cách tới 18 km. Hai bản lại nằm cách xa nhau nên cô Khuyên cho biết thường cuối tuần vừa đi vừa về có khi phải chạy xe gần cả 50 - 60 km. Chưa kể đường đi vào những bản vùng sâu vùng xa vẫn đang là đường đất, dốc cao thậm chí là phải chạy qua suối qua khe.
“Không ít lần xe trượt bánh, ngã nhào xuống đường. Chưa kể vào mùa mưa thì cực gấp 100 lần vì đường đất sình lầy, trơn trượt, suối thì nước dâng cao. Nhưng mình không thể vì khó khăn mà để học sinh trốn học, nghỉ giữa chừng được”, cô Bùi Minh Khuyên chia sẻ.
Còn với những học sinh gần trường, cứ sáng sớm cô lại dậy sớm đến từng nhà gọi học sinh đi học.
“Kể qua thì nghe rất vất vả, nhưng mình về dạy ở đây 13 năm rồi và những hoạt động này đã trở thành thói quen nên không thấy mệt hay vất vả gì, những giáo viên khác trong trường cũng vậy”, nữ giáo viên lớp 2 kể và cho biết trường có 2 điểm chính và có tới 7 điểm bản (mở lớp tại bản) trong đó điểm ít nhất khoảng 20 em, còn điểm nhiều nhất là 40 học sinh.

Học sinh tại Trường tiểu học Pa Ủ tranh thủ đọc sách, những cuốn sách được gửi tặng từ miền xuôi lên

NVCC

13 năm hạnh phúc gắn bó với nghề

Kể về mình, cô Bùi Minh Khuyên cho biết dù sinh ra lớn lên ở vùng đồng bằng thuộc tỉnh Thái Bình, từ nhỏ đã mơ ước được làm giáo viên. Trong những lần xem chương trình về công việc của những giáo viên ở các vùng cao trên tivi cô Khuyên bất chợt mong muốn sau này sẽ được gieo chữ ở vùng cao. Vậy là sau khi học xong, nữ giáo viên này đăng ký về dạy và gắn bó với các em học sinh miền núi hơn 13 năm nay.
“Công việc ở đây có vất vả nhưng cũng rất nhiều niềm vui, dù mỗi lần cuối tuần nghỉ học phải đi vận động các em nhưng tụi nhỏ rất dễ thương, quấn quýt cô. Cứ nghĩ đến việc kèm cặp được em nào đó đọc được tròn vành, rõ chữ hay sự cố gắng của mình đổi lại việc các em được đến trường là mình thấy vui rồi. Mùa này rừng bắt đầu có măng đắng, nhiều học sinh lại xin cô nghỉ học để đi lấy măng. Mình dạy ở miền núi, với học sinh dân tộc nhiều khi cũng phải nghĩ đến điều kiện của học sinh nữa, mình không thể không đồng ý nên nhiều khi cho các em nghỉ một buổi chiều rồi đi lấy măng với các em”, cô Khuyên nói thêm và cho biết bản thân vẫn luôn thấy may mắn, hạnh phúc vì được gắn bó với công việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.