Ngôi nhà không có đàn ông nặng nề bi kịch vì bà Hậu chủ nhà (NSND Kim Xuân) oán giận người chồng bội phản mà sinh ra căm thù đàn ông, rồi bắt cả nhà cũng phải sống cô lập theo, không ai được có chồng, có tình yêu. Nhưng đến Cô giáo Duyên thì sự khó chịu tù túng trong căn nhà ấy giảm đi. Bà Hậu đã chấp nhận đứa con gái út tên Thu (Ngọc Xuyên đóng) sinh con khi đang là sinh viên, vợ chồng con cái trở về sống đầm ấm bên bà. Bà chấp nhận luôn hôn nhân của đứa con gái lớn là Xuân (Lê Phương đóng), tíu tít lo đám cưới cho nó. Ngay cả Hạ (Lê Khánh), cô con gái giữa, sống hơi phóng túng, đi sớm về tối, đùa giỡn với tình yêu, xem ra bà cũng không mấy gay gắt. Chỉ còn lại người em gái là cô giáo Duyên (NSƯT Thành Lộc) lại là nhân vật chính cho tâm tư của bà Hậu, là mắt xích cuối cùng trong nỗi oán hận đàn ông, liệu bà có chặt đứt mắt xích này được không?
Nhưng với cô giáo Duyên, sự cản trở không chỉ đến từ nỗi oán hận đàn ông của chị mình, mà còn từ những khuôn phép, lễ giáo, định kiến đã trói buộc đời cô. Nào là cô giáo thì phải chuẩn mực, không được uống rượu, không được đi bar, 50 tuổi rồi không nên có tình yêu, có chồng… Cô giáo Duyên đã hy sinh cả thanh xuân để phụ chị nuôi dạy đàn cháu trưởng thành, giờ cô cần sống cho mình, cần thương yêu bản thân mình, thì lại bị lên án. Mối tình thời sinh viên bị chôn vùi, nay có dịp gặp lại, sống lại, thì bị bóp chết lần nữa.
Đạo diễn Lê Hoàng Giang kể: "Năm 2019 tôi đi xem vở Ngôi nhà không có đàn ông ở IDECAF, về nhà cứ suy nghĩ mãi về nhân vật dì ba Duyên. Kết vở hầu như những nhân vật khác đều có giải quyết rõ ràng, chỉ riêng dì ba Duyên bị bỏ lửng. Tôi chợt nhớ tới cô giáo của tôi ngày xưa ở quê, cũng hy sinh cho gia đình hết cả thanh xuân, tới chừng luống tuổi bỗng có người yêu, rồi bị gièm pha, phải xin nghỉ dạy, và đi lấy người chồng Việt kiều đó. Cô giáo tôi rất mạnh mẽ, dám sống cho mình. Thế là tôi đem nguyên mẫu vào vở kịch này. Câu thoại chủ đề của tôi là "Không bao giờ là muộn khi bắt đầu".
Khán giả xem kịch thở phào khi cuối cùng cô giáo Duyên cũng dám xách va li "bỏ nhà theo trai". Và kinh ngạc hơn khi bà chị khắc nghiệt cũng… hối hả chạy theo. Trái tim bà chị đã tan chảy trước tình yêu, hạnh phúc. Một cái kết nhân văn, phù hợp với thời đại.
Câu chuyện không quá lạ, nhưng quan trọng là người ta mua vé đến rạp để xem nghệ sĩ kể câu chuyện ấy như thế nào. Chính cách kể chuyện Cô giáo Duyên đã chinh phục khán giả. Và Thiên Đăng quá giỏi khi kể chuyện rất vui. Người xem cười bò lăn bò càng với tài dí dỏm của Lê Khánh, Thành Lộc. Rồi kể bằng âm nhạc, những ca khúc thịnh hành từ thập niên 1970, 1980, 1990 đã làm tan chảy khán giả. "Ánh đèn vàng hiu hắt, khói trầm cay đôi mắt, em nằm đó sao thôi cười thôi nói…", "Em như con búp bê bằng nhựa, một thứ búp bê thật xinh xắn…", "Ngon như là táo chín, thơm như vườn hoa kín, mong manh như dây tơ chìm, nhẹ êm như là mây tím…". Nhạc Pháp ngọt ngào chen lẫn với những câu thoại hài hơi bỗ bã, bình dân, thật tình là sự pha trộn kỳ lạ, ấy vậy mà khán giả như uống nhầm rượu chếnh choáng say. Quả tình fan của Thành Lộc rất đông, và họ mê anh không tưởng nổi.
"Khi dàn dựng, tôi không muốn lặp lại chất bi kịch của Ngôi nhà không có đàn ông, mà muốn Cô giáo Duyên nhẹ nhàng hơn, phóng khoáng hơn, và có chất nhạc kịch như chủ trương của sân khấu Thiên Đăng, một sân khấu mới ra đời nên trẻ về tuổi nghề và trẻ cả về phong cách", Lê Hoàng Giang cho biết.
NSND Kim Xuân tiếp tục vào vai bà Hậu trong Cô giáo Duyên. Chị cho biết vẫn là nhân vật ấy, nhưng diễn theo phong cách mới, trẻ trung, phóng khoáng hơn, "có nhảy múa nữa, rất vui. Nhưng cũng có lớp thỏ thẻ cùng dì ba Duyên-Thành Lộc rất cảm động, hai chị em trải lòng với nhau, chính là khoảng lặng khiến vở kịch có sức nặng".
Bình luận (0)