Chấp nhận thất bại để gặt hái thành công
Cô giáo Phương Dung hiện dạy môn mỹ thuật tại Trường THCS Thới Hòa (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ). Với mong muốn giữ gìn, bảo tồn nghề làm hoa vải, cô đã tìm hiểu và học làm từ năm 2019.
Thời gian đầu thử sức với lĩnh vực mới, cô chủ yếu làm hoa vải đốt (sử dụng bật lửa để tạo hình - PV) với các mẫu đơn giản. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra không mới, ít bắt mắt, không thể tạo hình những loại hoa nhỏ hoặc nhiều chi tiết phức tạp. Vì vậy, cô tiếp tục tìm hiểu làm hoa vải nhuộm màu (dùng bộ nhiệt để tạo hình - PV) để tạo nét riêng cho sản phẩm.
Sau hàng trăm cánh hoa làm ra thất bại cô Dung vẫn kiên trì thử nghiệm. Đến nay, cô thành công khi tạo ra các sản phẩm hoa vải nhuộm màu đầy tính nghệ thuật với gần 50 mẫu hoa, đủ màu sắc bắt mắt, như: hồng, lan, mẫu đơn, cúc, thược dược, phượng…
"Hoa đốt chủ yếu tạo dáng bằng bật lửa, còn hoa nhuộm màu thì tạo bằng bộ nhiệt là những cây hàn, nhuộm vải để tạo màu sắc hoa đúng chuẩn hoặc theo ý thích. Những khó khăn ban đầu chủ yếu là sử dụng bộ nhiệt chưa được thành thục nên nhiều khi nóng quá làm phỏng tay, thậm chí cháy vải. Thất bại cũng nhiều, nhưng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, dần nắm được công đoạn phối màu, công đoạn tạo dáng sao cho ra bông hoa chuẩn màu nhất hoặc phối theo ý muốn của khách", cô Dung chia sẻ.
Theo cô Dung, quá trình tạo nên một bông hoa mang nét đẹp riêng bắt đầu từ chọn lựa vải trắng; nhuộm màu; đợi khô, cắt để tạo dáng cho cánh hoa; dùng bộ nhiệt tạo dáng cánh, gân cánh, lá hoa mềm mại và uyển chuyển…
Với tính ứng dụng cao, các sản phẩm hoa nhuộm màu của cô Dung làm ra có thể dễ dàng tiếp cận được nhiều nhu cầu của khách hàng như sử dụng làm hoa cài áo, váy, cài tóc cô dâu, hoa chậu trang trí, tranh hoa, đèn ngủ…
Những mẫu hoa độc bản từ hình dáng đến màu sắc
Cô Dung cho biết, do không có khuôn mẫu nào nên các sản phẩm làm ra hầu hết là độc bản từ hình dáng đến màu sắc. Cô thường lấy cảm hứng từ các loài hoa trong thiên nhiên để hình dung ra hình dáng và mẫu rồi và bắt tay thực hiện. Mỗi sản phẩm mất từ 5 - 8 tiếng đồng hồ mới hoàn thiện.
"Do làm thủ công, không có khuôn mẫu mà chỉ định hình trong đầu nên từ màu được phối đến tạo hình hoa cũng không thể nào giống những bông hoa trước đó 100%. Bởi thế sản phẩm làm ra hoàn toàn độc bản", cô Dung nói.
Đến nay, cô Dung đã tạo nên hàng ngàn mẫu hoa từ đơn giản đến phức tạp. Đối với cô, làm hoa vải là tình yêu nên cô có thể dành ra nhiều giờ, nhiều ngày liền để làm cho xong sản phẩm và sáng tạo không ngừng.
Hiện, cô chủ yếu làm hoa vải theo đơn đặt hàng, mỗi tháng bán ra hơn 100 sản phẩm hoa đốt và hoa vải nhuộm màu. Giá hoa đốt từ 100.000 - 200.000 đồng/hoa, hoa vải nghệ thuật từ 500.000 - 800.000 đồng/sản phẩm (tùy độ khó dễ, thời gian hoàn thiện). Ngoài ra, cô còn sáng tạo làm ra sản phẩm thú tạo hình 3D bằng vải như các loại chim, hạc… Nhờ đó, hằng tháng cô có thu nhập khấm khá.
"Đối với sản phẩm hoa đốt, mỗi ngày có thể làm được 20 - 30 hoa, nhưng với hoa nhuộm vải chỉ có thể làm từ 1 - 3 hoa. Bởi thế, mỗi sản phẩm hoa sẽ có phân khúc khách hàng khác nhau. Thường thì hoa nhuộm vải sẽ được những nhà thiết kế, công ty thời trang, đồ cưới… đặt hàng nhiều hơn", cô Dung cho biết.
Ngoài công việc làm hoa, cô Dung còn truyền lửa đam mê đến mọi người cùng yêu thích công việc làm hoa vải qua những lớp trực tuyến.
"Tôi mong muốn lan tỏa đam mê và giá trị của hoa vải nghệ thuật đến với mọi người. Mong rằng trải nghiệm làm hoa không chỉ giúp thỏa đam mê cho các bạn, mà khi ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc do mình làm ra sẽ cảm thấy vui, thư giãn và khi đính lên trang phục thêm tinh tế và hoàn hảo", cô giáo Phương Dung chia sẻ.
Luôn khuyến khích học sinh vẽ theo cảm xúc
Để những tiết học mỹ thuật không nhàm chán, cô Dung luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền hết niềm đam mê, nhiệt huyết đến học sinh (HS). Đồng thời, định hướng cho HS chủ động tự học tập, tự khám phá và sáng tạo ra những chủ đề, tác phẩm yêu thích của mình. "Với những tiết học trên lớp, tôi luôn khuyến khích các em vẽ theo cảm xúc, ý tưởng và những chủ đề được các em nhìn thấy từ thực tiễn. Qua đó các em có thể tự do sáng tạo, tự tay tạo ra những bức tranh theo ý thích, giúp phát huy tiềm năng của mỗi HS", cô Dung nói.
Vừa qua, cô Dung còn truyền đam mê làm hoa vải của mình bằng việc hướng dẫn HS làm hoa vải đốt và hoa vải nhuộm màu để tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quận năm học 2023 - 2024.
"Hiện, có 3 HS được tôi hướng dẫn làm hoa vải đốt và hoa vải nhuộm màu. Các em rất thích thú và đam mê làm vải nở hoa. Hầu hết các em đều khéo tay nên chỉ dạy 1 ngày là các em cơ bản làm được một số mẫu hoa vải như hoa hồng, cúc… Tôi rất vui vì đã truyền được đam mê cho các em, để các em không chỉ làm sản phẩm dự thi mà còn có thể làm để tặng bạn bè, người thân", cô giáo Dung phấn khởi chia sẻ.
Bình luận (0)