Xóm nghèo "khát" chữ
Khu xóm định cư bao gồm 50 hộ. Nhìn từ ngoài vào, dù vẫn biết đây là một trong những phường thuộc TP Huế, thế nhưng nhìn nó giống một khu ổ chuột hơn là một khu định cư... Điều nhức nhối nhất ở khu xóm này là nạn tảo hôn (lấy chồng khi mới 13 tuổi) và không có kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy, các em nhỏ ở đây đã không được đến trường mà thay vào đó là học cách ăn xin, móc túi hay đi bán vé số... để nuôi ba mẹ.
8 giờ sáng, những đứa trẻ lớn nhỏ của khu xóm định cư hôm nay trở nên lạ thường. Tất cả tập trung đầy đủ trước cửa phòng lớp học tình thương của xóm. Đứa thì còn dang dở bữa sáng vừa ăn vừa háo hức chờ đợi cô giáo tới, có đứa lại thì thầm to nhỏ với người bạn bên cạnh: "Hôm ni tau đã phải trốn ba mẹ không đi bán vé số để được tới học với chị Nina". Lúc này chú Thắng, tổ trưởng của xóm đến và nói thêm: "Lũ trẻ con ở xóm ni quậy lắm, đã có bao nhiêu giáo viên về dạy, kể cả sinh viên tình nguyện cũng xuống, thế nhưng họ chỉ dạy được một thời gian là đã xin thôi vì lũ trẻ quá hư, không chịu tới lớp. Giờ Nina về tôi vừa vui mà cũng vừa lo cho cô ấy quá!". Một cô gái người Nhật với dáng người nhỏ nhắn cùng nụ cười tươi ngồi trên chiếc xe đạp xuất hiện. Lũ trẻ thấy vậy liền ùa ra ôm ghì lấy Nina mà reo hò: "Chị Nina tới rồi!".
"Tôi đã làm học trò của các em"
Nina sinh năm 1982, ở thành phố Osaka, Nhật Bản. Sau khi học hết chương trình phổ thông, cô đã sang Mỹ du học ngành Quan hệ quốc tế học và tiếp tục sang Hà Lan theo lớp sau đại học với chuyên ngành Phát triển quốc tế học. Kết thúc học cô xin việc làm ở Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, và đây cũng chính là một cơ duyên lớn để cô đến với VN. |
Cu Lép 12 tuổi tâm sự: "Những hôm học trước, chúng em phải trật tự và em thấy rất mệt, nhưng đến hôm nay học vẽ với chị Nina thì thật thoải mái, vừa vẽ lại vừa nói chuyện". "Nhà em có tới tận 10 người em vẽ vào hết được không cô?" và tất nhiên là nhận được sự hưởng ứng từ Nina. Bé Sang 10 tuổi từ lúc nãy đến giờ vẫn không hề vẽ, sau khi cô hỏi thì bé trả lời lí nhí: "Em không có ba mẹ, ba mẹ em mất rồi!". Nhẹ nhàng xoa đầu bé, Nina dịu dàng hỏi về gia đình và vẽ bé Sang vào giấy rất ngộ nghĩnh, nét buồn đã thoảng qua và lúc này Sang bắt đầu tập vẽ anh chị mình.
Nina tâm sự: "Tôi đến VN và rất bất ngờ về các lớp học ở đây, bởi trong mỗi giờ học thì giáo viên sẽ là người nói, dạy, còn các em nghe rồi về học theo. Thế nhưng lần này Nina sẽ làm "học trò"â của các em. Vì các em mới chính là những người đưa ra những nhu cầu mà Nina sẽ là người giải đáp". Nina đã đưa ra những lời giải thích rất hợp lý, bởi nếu chúng ta quá nghiêm khắc với trẻ thì sẽ tạo ra một áp lực lớn trong buổi học và như vậy các em sẽ rất sợ khi phải đến trường. Và khi thấy học sinh không đến trường chúng ta càng khó tìm hiểu lý do, hoàn cảnh để có thể động viên các em trở lại lớp học. Kết thúc buổi học là câu hỏi: "Những ai biết đá bóng giơ tay lên? Những ai thích hát giơ tay lên?..." và đó sẽ là những hoạt động mà Nina sẽ thực hiện trong những buổi ngoại khóa tới.
Dắt chiếc xe đạp về trong sự bịn rịn của các em. Cuộc hành trình của Nina đến với những học trò nghèo vẫn còn dài lắm...
Thành Vinh
Bình luận (0)