'Cố giúp bệnh nhân sống qua giao thừa'

02/02/2016 09:09 GMT+7

Có người thân trong bệnh viện đã là một cảm giác đau đớn, nhưng nếu người thân nằm trong khoa cấp cứu đêm giao thừa lại là một nỗi đau thấu tim gan.

Tôi đã có hai năm đi làm xuyên giao thừa, đưa tin về khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai, Hà Nội, nơi mà Tết với các y bác sĩ là một danh từ xa xỉ.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cấp cứu một người bị tai nạn giao thông dịp Tết Ất Mùi 2015
11 giờ 30 phút đêm giao thừa, khi mà chỉ cách phố Phủ Doãn vài bước chân là một biển người náo nức chờ đợi những chùm pháo hoa rực sáng bên hồ Hoàn Kiếm, thì tại khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, vẫn dồn dập những tiếng bước chân người đi như chạy. Tiếng bánh xe cấp cứu siết trên nền gạch. Tiếng kim loại từ dao, kéo, khay thuốc va vào nhau loảng xoảng. Những ca cấp cứu vì tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận, chấn thương sọ não không dừng lại, dù vài phút tới sẽ đến giao thừa.
Tôi còn nhớ lời Phó trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, người không nhớ mình bao nhiêu năm trực đêm giao thừa ở bệnh viện tâm sự, với những trường hợp tiên lượng rất xấu, những thầy thuốc sẽ bằng mọi cách cố gắng để hơi thở bệnh nhân qua được 12 giờ đêm. Người bệnh, khi phải từ giã cõi đời này, cũng đã được bước thêm một tuổi.
Ngoài cành đào mang một chút sắc xuân, không khí trong Bệnh viện Bạch Mai lúc giao thừa vẫn hối hả như ngày thường
Có người thân trong bệnh viện đã là một cảm giác đau đớn, nhưng nếu người thân nằm trong khoa cấp cứu đêm giao thừa lại là một nỗi đau thấu tim gan. Tất cả đều vắng lặng, các khoa phòng đều đã vắng từ 23 Tết khi mọi người đều cố gắng trở về, đón một năm mới đoàn viên với gia đình, những người ở lại đều là những trường hợp rất nặng.
Bà nội tôi bị tai biến mạch máu não, phải cấp cứu vào chiều 28 Tết, chúng tôi từng đón một giao thừa dài nhất trong cuộc đời mình khi giữa một căn phòng đầy mùi thuốc khử trùng, mạng sống của người thân treo trên một sợi dây, bên ngoài kia vẫn một trời pháo hoa rực rỡ.
Sinh lão bệnh tử là một vòng tròn không thể đổi thay. Nhưng oan nghiệt, khi mỗi ngày lễ, tết, nhiều gia đình đã phải thay tiếng cười bằng tiếng khóc vì tai nạn giao thông.
Tôi không thể nào quên khuôn mặt đẫm nước mắt của một người phụ nữ quê Hưng Yên ôm chiếc túi khư khư trong lòng, ngồi trên chiếc ghế gỗ ngoài cánh cửa phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức tối 30 Tết năm rồi. Bộ quần áo xộc xệch. Đôi tất trật ra khỏi đôi dép nhựa. Tiếng khóc chị không còn có thể bật lên thành tiếng to, nó bị nhốt lại trong cổ họng, những thanh âm khàn đặc, đau đớn.
Khoa sơ sinh bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng trực 24/24 trong 365 ngày mỗi năm
Chồng chị nằm thiêm thiếp trong kia, toàn thân phủ chăn trắng xóa, bác sĩ chẩn đoán, anh bị chấn thương sọ não, khó qua khỏi. Bước chân của người cha đi mua đồ cho con trong đêm giao thừa đã không thể về đến nhà. Tai nạn giao thông đã cướp đi ông bố của những đứa con thơ, một bờ vai cho chị tựa khi mỏi mệt. Tất cả sắp đặt dấu chấm hết.
Chúng tôi về tòa soạn, người bần thần trước khi mở máy tính, gõ những dòng chữ đầu tiên cho năm mới.
Người ta vẫn nói, phía trước tay lái là sự sống, vậy thì đã có bao nhiêu sự sống ở đất nước nhỏ bé này đã bị cướp mất trong đêm giao thừa, vì những lỗi lầm sau tay lái?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.