Có hay không việc 'xé rào' dùng cát biển làm cao tốc khiến lúa thiệt hại?

Đình Tuyển
Đình Tuyển
15/06/2024 16:18 GMT+7

GS Nguyễn Ngọc Trân cho biết, đang chờ "trả lời đầy đủ" từ ba bộ, sau khi Bộ NN-PTNT và Bộ GT-VT vừa có báo cáo trái chiều liên quan vụ việc nhiều diện tích lúa của nông dân Hậu Giang bị thiệt hại nghi do nhiễm mặn từ cát san nền cao tốc.

Vì sao cạnh cao tốc, nước bỗng nhiễm mặn?

Liên quan vụ việc nhiều diện tích lúa của nông dân Hậu Giang bị thiệt hại do nhiễm mặn, nghi do phát thải từ cát san nền cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, ngày 15.6, trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, cho biết: "Tôi đang chờ trả lời đầy đủ từ ba bộ do Bộ NN-PTNT chủ trì, trước ngày 20.6 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".

Có hay không việc 'xé rào' dùng cát biển làm cao tốc khiến lúa thiệt hại?- Ảnh 1.

Cát san nền cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang có lẫn nhiều vỏ nghêu, sò, ảnh chụp giữa tháng 5.2024

X.H


Trước đó, GS Nguyễn Ngọc Trân đã có bài phản ánh bày tỏ quan ngại: "Trong bối cảnh thiếu cát sông để làm đường cao tốc ở ĐBSCL, dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế là có điều kiện mà khi chưa đáp ứng thì chỉ đạo triển khai đại trà là một sự liều lĩnh, đánh cược với môi trường cần được giải trình". Đặc biệt, GS Trân đã dẫn chứng việc mới đây, nông dân ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang bức xúc khiếu nại khi liên tiếp 2 vụ lúa gần nhất, nhiều diện tích lúa của người dân nằm cạnh công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang bơm cát san nền bị thiệt hại vì nhiễm mặn.

Sau phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ GT-VT và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của GS Nguyễn Ngọc Trân, làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ cho giáo sư trước ngày 20.6.

Trong khi đó, tại hiện trường, cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đã vào cuộc, xác định nguồn nước ở những ruộng lúa bị thiệt hại có độ mặn cao bất thường dù vùng đất này là vùng lõi ngọt của địa phương, xưa nay chưa từng bị xâm nhập mặn. Đặc biệt, một số hình ảnh ghi nhận vào giữa tháng 5.2024 cho thấy cát san nền cao tốc đoạn gần các ruộng lúa của nông dân bị thiệt hại có lẫn nhiều vỏ nhuyễn thể như nghêu, sò…

Có hay không việc 'xé rào' dùng cát biển làm cao tốc khiến lúa thiệt hại?- Ảnh 2.

Một ruộng lúa của nông dân ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang bị thiệt hại vì nhiễm mặn dù vùng đất này xưa nay chưa từng bị xâm nhập mặn

H.X

Bà T.T.N. hộ nông dân có lúa bị thiệt hại cho biết: "Hiện tại, lớp cát lẫn vỏ sò, vỏ nghêu đã bị phủ thêm một lớp cát khác lên trên, còn lúa trên đồng lẽ ra tầm 1 tháng nữa là chín thu hoạch thì giờ vẫn èo uột chưa thấy có đòng". Theo bà N., điều khiến nông dân lo lắng nhất là hàng chục ha đất ruộng của người dân đã bị thấm nước mặn, không thể phục hồi, không ai dám chắc vụ lúa sau đất sẽ hết mặn. "Khi đó dự án thi công xong rồi, nông dân bị thiệt hại không biết kêu ai", bà N. nói.

Mong vụ việc sớm được sáng tỏ

Liên quan vụ việc trên, ngày 13.6, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo vụ việc gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan phản ánh của GS Nguyễn Ngọc Trân. Ở mục 1 của báo cáo nêu: "Đánh giá ảnh hưởng của sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp dự án đường cao tốc Bắc Nam đến lúa đông xuân 2023-2024 và hè thu 2024". Nội dung này đã khiến dư luận "dậy sóng" bởi đến nay chủ trương sử dụng cát biển mới chỉ qua giai đoạn thí điểm, đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để đưa vào thí điểm rộng rãi.

Có hay không việc 'xé rào' dùng cát biển làm cao tốc khiến lúa thiệt hại?- Ảnh 3.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau đang bơm cát san nền

ĐÌNH TUYỂN

Đáng chú ý, báo cáo Bộ NN-PTNT cho hay, từ phản ánh của địa phương trước đó, ngày 15.3, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đã khảo sát, kiểm tra đo độ mặn nước trong ruộng lúa bị ảnh hưởng (nghi do nhiễm mặn). Kết quả có 9 hộ dân bị thiệt hại với diện tích hơn 3 ha lúa hè thu, thuộc phạm vi kế cận Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, (công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025). Kết quả độ mặn của ruộng lúa bị thiệt hại là 2,5‰, so sánh với nồng độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại là 0,1‰. 

Trong khi đó, tiêu chuẩn ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28 ‰. Sản lượng lúa thiệt hại là 5,5 tấn. Các hộ dân đã được đơn vị thi công bồi thường thiệt hại 43,9 triệu đồng. Hiện tại, lúa hè thu 2024 của nông dân đang sinh trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng. Một số diện tích bị chết 70%; một số diện tích khác bị ảnh hưởng 20 - 50%. Kết quả đo độ mặn tại ruộng lúa bị chết lên tới 6,6‰; tại lòng đường cao tốc là 1,8‰; tại kênh thủy lợi là 0,4‰.

Có hay không việc 'xé rào' dùng cát biển làm cao tốc khiến lúa thiệt hại?- Ảnh 4.

Một thửa ruộng của người dân cạnh cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau đang bơm cát san nền bị ngập nước và thiệt hại

ĐÌNH TUYỂN

Ngay sau báo cáo của Bộ NN-PTNT, tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì sáng 14.6, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã lên tiếng bác bỏ thông tin báo chí đưa từ báo cáo của Bộ NN-PTNT; đồng thời ông Thắng khẳng định dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau "chưa sử dụng một hạt cát biển nào".

Tối cùng ngày, Bộ GT-VT đã phát đi thông báo khẳng định, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 nói chung và đoạn Cần Thơ - Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông từ An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù. Quá trình khai thác, vận chuyển để đưa cát về thi công công trình được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị. 

"Để đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan, Bộ GT-VT sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và địa phương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ GT-VT cho hay.

Trước ý kiến thiếu nhất quán từ Bộ NN-PTNT và Bộ GT-VT, người dân xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang cho hay, đang rất trông chờ vụ việc được làm sáng tỏ. Cụ thể là làm rõ các câu hỏi: Có hay không dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau "xé rào" sử dụng cát biển khi chưa được phép? Trường hợp dự án chỉ sử dụng cát sông thì tại sao ruộng lúa của người dân ở cặp bên bị nhiễm mặn, dù là vùng chưa từng nhiễm mặn? Và tại sao trong cát sông lại lẫn vỏ nhuyễn thể như nghêu, sò…?

GS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ nhiệm Chương trình điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL (1983 - 1990), đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.