“Khổ còn hơn...chữ khổ”
Ông Nguyễn Thành Tư (60 tuổi), cha của Châu, hằng ngày chạy xe ôm miệt mài bất kể nắng mưa, thế nhưng số tiền ông kiếm được như muối bỏ bể so với những khoản chi phí cần trang trải cho cuộc sống. Nhất là trong suốt gần 2 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng đã làm nguồn thu nhập gia đình giảm sút nghiêm trọng. Với thu nhập bấp bênh, gia đình ông hầu như tuần nào cũng phải rơi vào tình cảnh “bữa đói bữa no”, bữa lo… không có gì ăn.
“Còn vợ tôi (bà Trần Thị Hữu Hạnh, 48 tuổi) thì đang làm công nhân gỗ. Tháng nào mà tăng ca dữ lắm, làm thâu đêm suốt sáng mới được tròm trèm 5 triệu đồng. Còn bình thường thì thu nhập chỉ được khoảng 4 triệu”, ông Tư kể. Hai vợ chồng cố gắng bươn chải hết sức vẫn chẳng thể gồng gánh nổi cuộc sống gia đình với 5 miệng ăn. Đặc biệt là khi 3 đứa con đều trong tuổi ăn tuổi học.
“Mỗi tháng chi phí học hành cho 3 đứa cũng ngót nghét 7, 8 triệu đồng. Tiền hai vợ chồng kiếm được chưa tới con số đó. Cho dù có chắt bóp, dè sẻn rồi nín nhịn, tằn tiện hết cỡ cũng không thể nào lo toan được cuộc sống. Thế nên tháng nào hai vợ chồng tôi cũng chạy vạy khắp nơi để kiếm mượn tiền cho con ăn học. Nhà tôi khổ còn hơn… chữ khổ”, ông Tư ngậm ngùi.
Triền miên ăn mì gói
Bích Châu vào gian bếp chật chội với nồi, niêu… cũ kỹ, những chai mắm, bịch đường, hũ muối… dường như lâu ngày không được mở ra sử dụng. “Chỉ có cái bếp gas mini là được sử dụng nhiều nhất thôi, vì bữa nào cũng được bật để nấu nước cho cả nhà ăn mì gói”, Châu kể.
“Nhiều khi ba chạy xe ôm cả ngày nhưng không có khách nên không có tiền đi chợ. Mẹ thì chưa tới đợt nhận tiền lương, nên buộc lòng phải ăn mì gói. Mà có lúc phải mua nợ mì gói chứ chẳng có tiền”, Châu kể.
Những tháng ngày gần đây, vì dịch giã, công việc của bà Hạnh ít hơn nên thu nhập ngày càng hạn hẹp. Công việc của ông Tư cũng ảm đạm không kém.
|
Không để gục ngã trước nghịch cảnh
Vì ăn uống kham khổ như vậy nên nhiều khi Châu không có sức để học bài. “Có lúc em mệt lả người, gục ngã trên bàn học”, Châu nhớ lại.
Khổ cực và thiếu thốn như thế nên có những khoảnh khắc, Châu bất giác nghĩ “hay mình bỏ học, tìm công việc nào đó làm, để đỡ nặng gánh tiền bạc cho ba mẹ”. “Nhưng rồi em tự động viên bản thân, không thể bỏ học được. Ba mẹ đã nỗ lực làm lụng vất vả chỉ để nuôi con cái được đến trường. Nhìn những sợi tóc của ba, của mẹ ngày càng bạc trắng khiến em càng quyết tâm hơn chứ không thể đầu hàng trước hoàn cảnh khó khăn. Nếu bỏ học, tương lai em cũng không thể nào tươi sáng được. Chỉ có con đường học mới có thể giúp thay đổi cuộc đời”, Châu nói.
Dù khó khăn như vậy nhưng Châu luôn cố gắng nên suốt 12 năm học, em đều là học sinh giỏi. Trong 3 năm THPT, Châu đều là học sinh giỏi nhất với thành tích Nhất toàn khối.
“Em ước mơ trở thành kỹ sư an ninh mạng. Em mong sau khi ra trường có thể vừa kiếm tiền phụ giúp gia đình có cuộc sống ổn định, đủ ăn đủ mặc, cũng vừa có thể đóng góp sức mình cho lĩnh vực an ninh mạng ở Việt Nam”, Châu cho biết.
Châu mong muốn sau này đi làm sẽ sửa lại ngôi nhà tinh tươm hơn, để hằng đêm, mỗi thành viên trong nhà đều có nơi ngủ đàng hoàng, không phải “lấn” nhau mà ngủ trong không gian chật hẹp, ẩm thấp; để gian bếp có đủ đầy vật dụng nấu ăn; để những bữa cơm gia đình trở nên đúng nghĩa chứ không phải chỉ là “những bữa mì gói” như hiện tại...
Nhưng rồi ánh mắt nữ sinh này chùng xuống, nhìn vào những gói mì, nghĩ tới những khoản tiền phải chi nếu trở thành sinh viên.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Châu, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Ngọc Bích Châu; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Châu trong thời gian sớm nhất.
|
Bình luận (0)