Mặc dù chưa có trụ sở chính thức nhưng lãnh đạo VIASM khẳng định quy chế tổ chức và hoạt động đã tạo điều kiện cho Viện được tự chủ hoạt động, được sáng tạo. Bên cạnh đó, quyết định áp dụng thí điểm cơ chế tài chính đặc thù của Viện cũng hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động chuyên môn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho hay nhờ có cơ chế tài chính đặc thù mà nhà nước đã cấp 35,15 tỉ đồng cho các hoạt động của Viện. Hầu như bất cứ đề xuất nào của ban giám đốc về tài chính cũng được đáp ứng. Cũng nhờ vậy, lần đầu tiên từ trước đến nay những nhà khoa học trẻ, sinh viên, học sinh xuất sắc về toán đã nhận được những học bổng lớn. Năm qua, 37 công trình đã được Viện trao thưởng với trị giá hơn 26 triệu đồng/công trình; gần 500 học bổng với trị giá 14,5 triệu đồng/suất dành cho học sinh, sinh viên toán xuất sắc.
|
Làm toán ứng dụng hay lý thuyết?
Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin ĐH Quốc gia Hà Nội, nêu vấn đề: “Rất nhiều nhà khoa học nghĩ rằng làm khoa học ứng dụng là tầm thường. Tôi nghĩ, cần tranh thủ lúc nhà nước đang rất ủng hộ Viện toán, cần cải cách cách dạy toán trong nhà trường. Cách dạy toán hiện nay rất khó có thể làm được toán ứng dụng”.
Giáo sư Dương Minh Đức nói: “Khi tôi học toán là tôi muốn làm toán ứng dụng. Tôi đã sang Hàn Quốc để xem các tập đoàn lớn họ đầu tư cho toán ứng dụng thế nào. Phải làm sao để khoa học nuôi sống xã hội này chứ không phải xã hội nuôi khoa học”. Giáo sư Đức đề nghị chọn một đề tài đất nước ta đang bức xúc nhất để làm; tổ chức các hội thảo trong và ngoài nước, vạch rõ những việc cần làm trước khi triển khai ứng dụng. “Chúng tôi đã thử nhưng đều gặp phải vấn đề là không có đủ người thực sự làm được việc đó”, Giáo sư Đức nói.
Giáo sư Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN, cho rằng đào tạo đội ngũ toán học để làm ứng dụng phải làm lâu dài và nghiêm túc. “Đã có cơ quan nhà nước đặt hàng cho chúng tôi nhưng khi chúng tôi đề nghị cần có thời gian, kinh phí đào tạo những sinh viên giỏi để có thể làm được việc đó thì họ thôi ngay”, ông Trung nói.
Cũng theo Giáo sư Trung, cái hỏng chính là nền kinh tế của nước ta các công ty lớn của nhà nước thì không có nhu cầu, không đầu tư lâu dài, không đặt hàng các nhà khoa học trong nước nghiên cứu mà “nhập của nước ngoài về còn có lợi về mặt hoa hồng”. “Tôi nghĩ chúng ta chỉ bàn đến chuyện làm thế nào tạo ra một đội ngũ để có thể lúc cần là chúng ta sẽ giúp làm toán ứng dụng được, nhưng dù thế nào thì nhà toán học cũng không thể làm thay việc của một kỹ sư”, Giáo sư Trung nói.
Rạch ròi giữa quản lý và khoa học
Giáo sư Ngô Bảo Châu nêu quan điểm: “Làm toán ứng dụng là rất khó khăn và đã đến lúc không nên đặt vấn đề ứng dụng hay lý thuyết cao quý hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ứng dụng vẫn là phần việc của doanh nghiệp, nhà nghiên cứu có thể giúp thực hiện ứng dụng nhưng đó không phải việc và không phải khả năng của nhà khoa học”.
Theo Giáo sư Châu, cần rạch ròi giữa tư duy của người quản lý, của doanh nghiệp và nhà khoa học. “Tôi không đồng ý lãnh đạo nhà nước có thể áp đặt hoàn toàn quan điểm của mình cho doanh nhân và nhà khoa học, và doanh nhân cũng không thể áp đặt cho nhà nước và nhà khoa học. Ai làm được và làm tốt phần việc gì thì nhận làm phần việc đó, không ôm đồm, không bao sân”, Giáo sư Ngô Bảo Châu đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay sau chương trình trọng điểm quốc gia về toán, Bộ đang xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia về vật lý và những ngành khoa học cơ bản khác. |
Tuệ Nguyễn
>> Không được lợi dụng giáo dục kỹ năng sống để dạy thêm
>> Tuyển dụng 2.233 viên chức ngành giáo dục
>> Đừng đóng khuôn giáo dục đạo đức
>> Đề xuất tăng thời lượng cho môn giáo dục công dân
>> Giáo dục giới tính cho trẻ
Bình luận (0)